Chiến lược thời hội nhập Kỳ 1: chiến lược công ty là tăng trưởng, ổn định hay suy thoái?
Hội nhập là một xu hướng mang tính bắt buộc dù ta có muốn hay không. Vậy doanh nghiệp phải chọn chiến lược gì trong thời hội nhập?
Việc phổ cập mạng Internet trên toàn thế giới cùng với sự ra đời của các mạng xã hội như Facebook và sự tác động mạnh của chúng vào đời sống của mọi tầng lớp trong xã hội đã khiến cho thế giới đã phẳng lại càng thêm phẳng.
Những rào cản về địa lý, văn hóa, ngôn ngữ hầu như chỉ còn mang giá trị tương đối. Những mô hình kinh doanh đa diện (multiside business model) kiểu như Uber mọc lên như nấm, vươn vòi ra khắp hành tinh. Đã đến thời hội nhập cho tất cả mọi người. Không một ai có thể làm khách bàng quang đứng bên lề như thể chẳng có gì liên quan đến mình. Trên thực tế, Việt Nam đã chủ động vào cuộc chơi này bằng nhiều ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại đa phương và song phương với nhiều quốc gia khác trên thế giới, dù rất ít doanh nghiệp nắm được thông tin này một cách đầy đủ. Có thể nói hội nhập là một xu hướng mang tính bắt buộc cho dù ta có muốn hay không. Bạn có thể chọn đứng ngoài, nhưng đó là một chọn lựa cho việc rời bỏ cuộc chơi không sớm thì muộn. Vậy, chúng ta phải làm gì trong thời hội nhập?
Trước khi đi sâu vào việc chúng ta nên chọn lựa chiến lược nào, có lẽ cũng nên nhìn lại một cách khái quát về hệ thống chiến lược trong một doanh nghiệp.
Hệ thống chiến lược công ty
Trong một doanh nghiệp, có ba cấp chiến lược. Chiến lược bao trùm lên tất cả là chiến lược công ty (corporate strategy). Bên dưới là những chiến lược kinh doanh của các ngành (nếu là công ty đa ngành), của các SBU (strategy business unit), của các dòng sản phẩm... Và cuối cùng là chiến lược của các cấp chức năng như chiến lược bán hàng và tiếp thị, chiến lược tài chính, chiến lược nhân sự...
Ở cấp độ chiến lược công ty, chúng ta thường chọn lựa một trong ba hướng: tăng trưởng, ổn định hay suy thoái. Việc chọn lựa đi theo con đường nào, tăng trưởng, ổn định hay suy thoái đều phụ thuộc vào chu kỳ của nền kinh tế, môi trường vĩ mô, vị thế và tiềm lực của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp chọn con đường tăng trưởng, doanh nghiệp có thể chọn chiến lược tăng trưởng tập trung với các chiến lược tăng trưởng ngang như:
- Chiến lược thâm nhập thị trường bằng cách gia tăng việc bán hàng trong thị trường hiện tại thông qua các nỗ lực tiếp thị.
- Chiến lược phát triển thị trường bằng cách đầu tư và phát triển việc kinh doanh sang một thị trường mới.
- Chiến lược phát triển sản phẩm bằng cách tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới dựa trên uy tín của thương hiệu sẵn có.
Doanh nghiệp cũng có thể chọn hướng tăng trưởng dọc với các chiến lược hội nhập:
- Chiến lược hội nhập bằng cách thôn tính các đối thủ cạnh tranh nhằm gia tăng thị phần.
- Chiến lược hội nhập xuôi chiều bằng cách đầu tư vào kênh phân phối nhằm quản lý kênh tiêu thụ.
- Chiến lược hội nhập ngược chiều bằng cách đầu tư tạo nguồn cung ứng.
Ngoài ra doanh nghiệp cũng có thể chọn con đường tăng trưởng bằng các chiến lược đa dạng hóa đồng tâm hay đa dạng hóa kết khối.
Trong thời gian quá độ, nhằm chờ đợi môi trường vĩ mô thay đổi theo hướng thuận lợi hoặc chờ đợi động thái của các đối thủ lớn bên ngoài đang muốn xâm nhập vào ngành hay trong khi chờ triển khai những chiến lược mới, doanh nghiệp có thể chọn các chiến lược mang tính chất ổn định như: chiến lược tạm dừng và tiến hành cẩn trọng hay chiến lược không thay đổi, chiến lược lợi nhuận.
Ngược lại, trong trường hợp ngành kinh doanh đang trong giai đoạn suy thoái hay doanh nghiệp không còn mặn mà với việc kinh doanh thì có thể chọn một số chiến lược như:
- Chiến lược tái cấu trúc
- Chiến lược chia tách
- Chiến lược bán một phần (spin off)
- Chiến lược thanh lý
Trên đây là những định hướng chiến lược cho cấp công ty, còn chiến lược kinh doanh thì sao?
Chiến lược kinh doanh
Hầu hết doanh nghiệp đều tham gia vào ít nhất một ngành kinh doanh, và ngay trong ngành đó (ví dụ như ngành kinh doanh nước giải khát) doanh nghiệp cũng có những nhãn hàng, sản phẩm hay nhóm sản phẩm khác nhau. Khi các nhãn hàng, sản phẩm này có môi trường kinh doanh khác nhau về khách hàng, có sự đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận khác nhau, nên sẽ cần có sự đầu tư khác nhau. Chính vì vậy nó thường được các nhà chiến lược gọi là Đơn vị kinh doanh chiến lược SBU. Đối với các SBU, doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn về chiến lược kinh doanh: cạnh tranh hay hợp tác.
Đọc tiếp tại đây.
|