VinaCapital sẽ tiến quân vào thị trường UPCoM trong tháng 11/2016
Trong buổi gặp gỡ báo chí bên lề Hội nghị thường niên các nhà đầu tư VinaCapital 2016 sáng ngày 13/10, Tập đoàn cho biết sẽ thành lập quỹ mới VinaCapital Special Access Fund (VSAF) vào tháng 11/2016 tới đây, chuyên đầu tư vào các công ty OTC và giao dịch trên UPCoM.
Hội nghị lần này thu hút hơn 150 nhà đầu tư quan tâm đến triển vọng đầu tư tại Việt Nam với trọng tâm là các thông tin về cổ phần hóa, các doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu gọi vốn từ thị trường đại chúng cũng như các thương vụ đầu tư riêng.
Ông Jonathan Choi – Chủ tịch Tập đoàn VinaCapital
|
TTCK Việt Nam vẫn còn hấp dẫn
Đánh giá về TTCK Việt Nam, bà Nguyễn Hoài Thu – Giám đốc điều hành Quỹ Forum One - VCG Partners Vietnam (VVF) cho biết, mặc dù đang tăng trưởng ở mức độ cao nhất trong vòng 8-9 năm vừa qua nhưng về mặt định giá thì Việt Nam vẫn hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực. Chứng khoán Việt Nam hiện có P/E ở mức 16.3 lần, tương đối thấp so với khu vực, ngoài ra, tỷ lệ chi trả cổ tức và ROE lại khá cao.
Cùng với những động thái đẩy nhanh tiến trình thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, VinaCapital kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, từ đó thu hẹp khoảng cách định giá với các thị trường trong khu vực.
Ông Don Lam – Tổng Giám đốc Tập đoàn nhận định “Việc Chính phủ nỗ lực thúc đẩy việc thoái vốn khỏi các công ty đầu ngành, bao gồm thương vụ bán một phần vốn tại Vimamilk (HOSE: VNM) mà VinaCapital Corporate Finanace Việt Nam đang tham gia liên danh tư vấn, sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Hiện tổng giá trị vốn hóa hai sàn đạt 69.5 tỷ USD với 690 công ty niêm yết. Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến thị trường với kỳ vọng sẽ có thêm nhiều công ty cổ phần hóa và nới room.
Việt Nam đang có thêm nhiều cơ hội khi mà nhà đầu tư nước ngoài rất muốn đầu tư vào khu vực Đông Nam Á; đi cùng với sự tăng trưởng tốt trong GDP (tăng trưởng 6.4% trong quý 3 và kỳ vọng vượt 6% cả năm 2016), lạm phát được kiềm chế dưới 4% và VNĐ ổn định, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital chia sẻ.
Gần 40% danh mục của VVF là cổ phiếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Quỹ Forum One - VCG Partners Vietnam (VVF), quỹ mở theo tiêu chuẩn UCITS (EU) lớn nhất tại Việt Nam được thành lập vào tháng 7/2015, tách từ Quỹ Vietnam Infrastructure Limited (VNI). Tính đến 30/09/2016, NAV của quỹ đạt 76 triệu USD, trong đó 36% giá trị tài sản ròng của quỹ đến từ kêu gọi quỹ mới trong vòng 14 tháng vừa qua.
|
Đối với Quỹ Forum One - VCG Partners Vietnam (VVF), bà Thu cho biết VinaCapital áp dụng chiến lược đầu tư chủ động, lấy nền tảng là việc phân tích cơ bản giá trị của từng cổ phiếu đầu tư làm chiến lược trọng tâm. Để làm được điều này, quỹ tiếp cận với từng mã cổ phiếu và tìm hiểu thông qua gặp gỡ với đội ngũ lãnh đạo các công ty, trung bình 150-160 công ty mỗi năm để một mặt nắm rõ tình hình hoạt động của các công ty trong danh mục của mình, mặt khác liên tục tiếp cận cơ hội đầu tư mới trong thị trường.
Vinacapital nhận định thị trường Việt Nam vẫn được coi là thị trường Frontier (thị trường mới nổi cận biên) và chưa được phân tích một cách kỹ càng nên còn rất nhiều giá trị nằm ở cổ phiếu vừa và nhỏ, theo đó chiến lược này là phương pháp đạt được kết quả tốt nhất cho thị trường Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 9/2016, giá trị NAV trên cổ phiếu class A của VVF đã tăng 28.3% từ khi thành lập, trội hơn 23.3% so với chỉ số tham chiếu VN-Index (tính theo USD), cao hơn 7.8% các đối thủ cạnh tranh và cao hơn 43% so với các quỹ ETF. Bà Thu chia sẻ, một trong những lý do dẫn đến sự tăng trưởng của VVF đến từ chiến lược đầu tư chủ động và chú trọng nhiều hơn vào các nhóm cổ phiếu, nhóm ngành chưa được thị trường quan tâm với mức định giá thấp hơn nhưng chất lượng tốt hơn. Quỹ VVF chỉ đầu tư khoảng 29% vào các công ty có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD (trong khi với VN-Index là 62%), phần lớn tỷ trọng của quỹ (39%) nằm trong các công ty có thị giá vừa và nhỏ.
Tiến quân vào thị trường UPCoM
VinaCapital dự kiến thành lập quỹ mới VinaCapital Special Access Fund (VSAF) vào tháng 11/2016 tới. Đây là quỹ thành lập dưới dạng quỹ nội địa dành cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với giá trị đầu tư khởi điểm từ 5 triệu USD và là quỹ nội địa thứ hai trên thị trường xem xét đầu tư các công ty vốn hóa dưới 50 triệu USD.
Quỹ chuyên đầu tư vào các công ty OTC cũng như các công ty đang giao dịch trên thị trường UPCoM – một thị trường tiềm năng có có số lượng các công ty đã tăng từ 150 năm 2014 lên 350 vào tháng 9/2016.
Chia sẻ riêng, bà Thu cho biết vì phải tuân thủ theo chuẩn UCITS, quỹ VVF không thể đầu tư vào thị trường UPCoM nên bị lỡ mất một số cơ hội được đánh giá là tốt. Vì vậy, quỹ mới thành lập sẽ “mở ra một mảng cố phiếu có thể đầu tư vào được, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có thể tiếp cận những doanh nghiệp tiềm năng, tăng trưởng tốt mà chưa niêm yết trên hai sàn chính.”
Hiện VinaCapital đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và đang chờ chấp thuận./.
* Đang ở trạng thái “dò xét” đối với các dự án thép
Bên lề đại hội, bà Thu cho biết, VinaCapital đầu tư vào Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) từ ngày đầu quỹ mới thành lập, bản thân cổ phiếu HSG cũng mang lại khoản lời khá lớn cho quỹ; tuy nhiên riêng về dự án thép Cà Ná thì VinaCapital không thực sự đồng tình trừ khi là HSG có thể chứng minh được có các biện pháp bảo vệ môi trường.
“Hiện thông tin đưa ra từ phía công ty chưa đủ để thuyết phục chúng tôi về các biện pháp thực sự hữu hiệu nên chúng tôi vẫn đang ở trạng thái dò xét đối với dự án này.” - Bà Thu nói.
Nhiều câu hỏi xoay quanh việc triển khai dự án, chi phí triển khai, vấn đề bảo vệ môi trường,… cũng đã được Vinacapital đưa ra cả trong ĐHĐCĐ bất thường của Tập đoàn Hoa Sen vừa qua và bên lề cuộc họp.
Còn đối với dự án thép Hòa Phát Dung Quất gần 3 tỷ USD tại Quảng Ngãi của Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), ông Andy Ho cho biết hiện ông không có thông tin chi tiết về chiến lược của Tập đoàn này do vừa từ chức thành viên HĐQT vào tháng 8/2015. Tuy nhiên, tương tự như HSG, nếu dự án mang lại ROE tốt cho cổ đông thì quỹ vẫn tiếp tục xem xét đầu tư.
* Ông Huỳnh Cách Mạng – Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM:
9 tháng đầu năm 2016, GDP của thành phố tăng 7.76% (so với mức 5.93% của cả nước); Khu vực dịch vụ tăng 7.78%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7.77%, khu vực nông nghiệp tăng 5.65%. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm hơn 1.1 tỷ USD; thị trường chứng khoán Tp.HCM có giá trị vốn hóa hơn 1 triệu 400 ngàn tỷ đồng (tương đương 63 tỷ USD).
Tp.HCM cam kết sẽ thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về cải cách kinh tế, hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư; hoàn tất các dự án trọng điểm về cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng diện mạo đô thị hiện đại/văn minh; cải thiện các dịch vụ công dành cho người dân và doanh nghiệp; chú trọng đầu tư giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ mới và các công ty khởi nghiệp… nhằm tạo đà cho doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó thu hút thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng hành lâu dài cùng Thành phố và Việt Nam.
|
|