Tại sao đồng Bảng Anh tiếp tục lao dốc?
Đồng bảng Anh đã phải chịu một cú rớt thẳng đứng hơn 6% vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở châu Á, xuống gần 1.18 USD, tạo đáy mới trong vòng 31 năm. Và ngay sau đó, đồng tiền này đã hồi phục lên quanh mức 1.23 USD.
Hôm thứ Năm, đồng bảng Anh được giao dịch quanh mốc 1.26 USD khi các trader vẫn chưa hết lo lắng về tương lai của nền kinh tế Anh sau cuộc bỏ phiếu toàn quốc về Brexit.
Đồng bảng Anh chưa từng chạm các mức này kể từ cú sụp đổ vào năm 1985. Các nhà chiến lược dự đoán trên diện rộng rằng đồng bảng Anh sẽ còn rớt tiếp.
Vậy tại sao đồng bảng Anh đã giảm mạnh trong tuần trước?
CNN Money đã đưa ra một số nguyên nhân như sau:
1. Chính trị
Thủ tướng Anh Theresa May phát ngôn hôm Chủ Nhật rằng nước Anh sẽ chính thức bắt đầu quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu vào cuối tháng 3/2017. Sau đó, nước Anh có đúng 2 năm để đàm phán các điều khoản về chính sách Brexit trước khi rời EU thật sự.
Phát biểu của bà May đã khiến đồng bảng Anh giảm mạnh từ mức 1.30 USD vì điều này khiến các nhà đầu tư nghĩ đến khả năng rất lớn là kinh tế Anh có thể tồi tệ hơn nhiều khi tách khỏi EU. Theo dự báo, Brexit có thể làm tổn thương tới thương mại, đầu tư kinh doanh, việc làm và nhu cầu tiêu dùng. Việc đề cập đến thời gian biểu khiến quá trình Brexit có thể đến sớm hơn so với thời điểm mà nhiều nhà đầu tư đã nghĩ.
2. Doanh nghiệp và nền kinh tế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, Philip Hammond, đã đến thăm các ngân hàng hàng đầu ở Phố Wall vào hôm thứ Năm để trấn an các nhà quản trị rằng lợi ích kinh doanh của họ ở Anh sẽ được quan tâm. Nhưng vẫn còn đó những lo ngại lớn về việc Brexit sẽ chấm dứt sự gia nhập tự do của Anh vào các thị trường tài chính châu Âu, sẽ làm cho đất nước này ít hấp dẫn các công ty toàn cầu.
Hàng ngàn công ty tài chính đang hoạt động ở Anh hiện đang có "hộ chiếu" cho phép họ giao dịch ở châu Âu mà không cần thành lập các công ty con ở mỗi nước. Những doanh nghiệp này rất quan trọng đối với Anh: Lĩnh vực dịch vụ tài chính và các dịch vụ liên quan chiếm tới 12% GDP.
Ông Hammond cũng đang cố gắng thể hiện sự thân thiện sau khi một nhà chính trị cấp cao của Anh trong tuần này tuyên bố rằng Chính phủ đang xem xét tới việc buộc các công ty ở Anh tiết lộ số lượng lao động nước ngoài trên bảng lương của họ.
Đây là một phần trong chính sách nhập cư đang được xem xét lại nhằm giảm số lượng người đến nước Anh. (Cuộc bỏ phiếu Brexit được xem là một cuộc bỏ phiếu nhằm giảm tình trạng nhập cư ồ ạt vào nước Anh).
Chính sách này “đang ngụ ý rằng có quá nhiều lao động nước ngoài là một điều không tốt", Paul Donovan, Kinh tế trưởng toàn cầu tại UBS Wealth Management nhận định.
Ông còn cho biết: "Nếu những tín hiệu từ chính sách cho thấy Chính phủ xem những lao động nước ngoài như tầng lớp thứ hai thì việc thuyết phục họ đầu tư ở Anh là thách thức của nước này".
3. Chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã ra tay chống đỡ nền kinh tế của nước mình do hậu quả trước mắt của cuộc bỏ phiếu Brexit bằng cách bơm hàng chục tỷ USD vào hệ thống tài chính và cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục.
Những động thái này góp phần duy trì việc bơm tiền thông qua các kênh của hệ thống tài chính, nhưng cũng làm giảm giá trị đồng tiền.
Tuy nhiên, sự mất giá có thể thúc đẩy các công ty đa quốc gia ở London nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn, nên cũng đem lại nhiều lựa chọn mua hàng cho người dân Anh và qua đó thúc đẩy lợi nhuận./.
|