Quy hoạch ngành - vì sao bộ, ngành “nghiện” quản?
Theo TBKTSG đưa tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong phiên trình bày dự thảo Luật Quy hoạch trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã nêu đích danh Bộ Xây dựng đã nhất quyết không buông quy hoạch xây dựng ra khỏi các loại quy hoạch cần phải loại bỏ.
Quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân cũng như doanh nghiệp.
|
Những tranh cãi của hai bộ này hé lộ rào cản ít được đề cập trong môi trường kinh doanh hiện nay: hàng ngàn bản quy hoạch ngành đang được sử dụng như một hình thức can thiệp hành chính vào thị trường mà đằng sau đó là miếng bánh lợi ích riêng của các cơ quan “quản lý nhà nước” - miếng bánh lợi ích từ ngân sách và miếng bánh từ sự xin - cho.
“Xin - cho” quy hoạch
Một doanh nghiệp kinh doanh chế biến và xuất khẩu nước ép hoa quả từng phân tích kỹ càng cho người viết những tổn thất kinh doanh mà họ phải bỏ ra vì “quy hoạch ngành”. Doanh nghiệp này đã sản xuất và xuất khẩu nước ép trái cây nhiều năm nay. Thời điểm gần đây, nhận thấy chanh leo là một thế mạnh có thể tạo ra nhiều lợi nhuận, trong khi dứa, mặt hàng chủ chốt của họ đang bị cạnh tranh và suy giảm, doanh nghiệp muốn chuyển sang xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, quy hoạch vùng nguyên liệu trong khu vực họ hoạt động không có cây chanh leo. Thế nên, để được trồng cây nguyên liệu mới đó, họ phải mất hơn một năm trời để xin điều chỉnh, bổ sung “quy hoạch”. Một năm trời, chưa nói tới chi phí làm thủ tục, những cơ hội kinh doanh mất đi đủ khiến doanh nghiệp nản lòng.
Ma trận quy hoạch ngành
Quy hoạch vùng trồng dứa, vùng trồng chanh leo như vậy chỉ là một trong hơn 19.000 (bản) quy hoạch khác nhau đang có giá trị thi hành, theo như báo cáo của Bộ KH&ĐT. Con số khổng lồ đó bao gồm đủ thể loại quy hoạch, từ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian lãnh thổ, quy hoạch ngành sản xuất... Trong khi vai trò của một số loại quy hoạch được xác định là cần thiết thì vai trò của quy hoạch ngành đang là dấu hỏi.
Con số chi tiết cho mỗi loại không được nêu ra, nhưng trong tổng số 19.000 (bản) quy hoạch ấy, các kiểu quy hoạch ngành có lẽ chiếm đa số. Nông nghiệp có quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch vùng sản xuất: quy hoạch mía, quy hoạch chè, quy hoạch cà phê, quy hoạch tôm, quy hoạch cá tra, cá ba sa... Trong công nghiệp là quy hoạch ngành than, ngành thép, ngành xi măng... Thậm chí đến cả việc sản xuất và tiêu thụ rượu bia cũng được đưa vào “quy hoạch”!
Không khó để nhận thấy, trên lãnh thổ Việt Nam, khó có thứ gì có thoát khỏi “quy hoạch” - khó có loại cây, con, mặt hàng nào nằm ngoài “sự quản lý của nhà nước”.
Lý lẽ phổ biến nhất được đưa ra để làm quy hoạch là nhằm dự báo và định hướng sự phát triển của thị trường, giúp thị trường phát triển hài hòa và cân đối được cung - cầu. Chẳng hạn, trong nông nghiệp, là tránh được việc doanh nghiệp và người dân sản xuất quá nhiều, giảm đi chuyện “được mùa, mất giá”. Mục đích của quy hoạch được biện hộ rất tốt đẹp - bảo vệ lợi ích người sản xuất.
Thế nhưng, trên thực tế, sản xuất hiếm khi nào đi theo “quy hoạch’’. Vấn đề không phải chỉ là do năng lực dự báo và làm quy hoạch yếu kém. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp, người dân hoạt động theo “tín hiệu” cung - cầu của thị trường. Khi thị trường thiếu hụt, họ sẽ sản xuất thêm và ngược lại, giảm quy mô khi thị trường dư thừa. Năng lực phân tích, dự báo thị trường là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại kinh doanh của người làm kinh tế - chứ không phải định hướng của người làm quy hoạch. Việc một loạt quy hoạch nông nghiệp thường xuyên “bị phá vỡ” là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy, thị trường không thể bị “điều hành” bởi ý chí của cơ quan quản lý hành chính thông qua “quy hoạch”. Điều này càng hợp lý hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, thị trường hàng hóa ở Việt Nam cơ bản đã trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Vì sao bộ, ngành “nghiện” quy hoạch?
Trong khi quản lý bằng “quy hoạch ngành” đã được chứng minh, bằng cả lý luận lẫn thực tế, là cách thức can thiệp thiếu hiệu quả của Nhà nước vào nền kinh tế thì các bộ, ngành vẫn tiếp tục miệt mài “làm quy hoạch”.
Mới đây nhất, giữa tháng 9, Bộ Công Thương vừa ban hành quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát. Trong khi đó, Bộ Xây dựng kiên trì với lập luận “quy hoạch xây dựng” là công cụ quản lý hiệu quả và không thể thiếu để đảm bảo “trật tự, kỷ cương” trong lĩnh vực xây dựng.
Vì sao cơ quan quản lý thích quy hoạch? Câu trả lời rất rõ ràng: “làm quy hoạch” vừa có tiền từ ngân sách, vừa có “lợi ích” nhờ quyền được cấp phép quy hoạch.
Để vẽ được hơn 19.000 quy hoạch nói trên, các bộ, ngành nhận được hơn 8.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, theo như thống kê của Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nhận xét chất lượng của các bản quy hoạch ngành là rất thấp và hiếm khi có giá trị trong thực tế.
Đơn cử một ví dụ về quy hoạch ngành than của Bộ Công Thương. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy tám tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập về gần 10 triệu tấn than. Con số này cao gấp 3 lần dự báo của Bộ Công Thương đưa ra hồi đầu năm. Là dự báo ngắn hạn trong vòng một năm, trong điều kiện thị trường, cũng như nền kinh tế không có biến động phức tạp, sai số như vậy là quá lớn. Trong khi đó, quy hoạch ngành than sẽ phải dự báo trên cơ sở cung - cầu của thị trường. Dự báo ngắn hạn còn sai, dự báo dài hạn thì xác suất chính xác cao đến mức nào? Đó có lẽ là lý do khiến cho một loạt quy hoạch của ngành này, từ năng lượng, đến xi măng, sắt thép liên tục bị lạc hậu và liên tục phải xin điều chỉnh.
Lợi ích “ngân sách” đã vậy, lợi ích thực tế của các bộ ngành từ việc “xin - cho” quy hoạch còn lớn hơn rất nhiều. Mọi doanh nghiệp, như công ty sản xuất nước ép trái cây vừa kể trên, muốn “vào” được quy hoạch, hay “thay đổi quy hoạch” đều phải mất các chi phí không chính thức cho cơ quan cấp phép. Các dự án quy mô càng lớn, đồng nghĩa với thẩm quyền phê duyệt càng ở cấp cao hơn, “chi phí” để “xin” càng nhiều.
Trong một số lĩnh vực, khi số lượng “dự án” đã được cấp phép đủ với quy hoạch, những doanh nghiệp đến sau, nếu không đủ “quan hệ” để xin được điều chỉnh quy hoạch, còn phải “mua lại” giấy phép của người đi trước. Một thị trường ngầm - không chính thức - sinh ra để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, mà người thiệt hại là doanh nghiệp, còn bên hưởng lợi, không ai khác là các bộ, ngành và cơ quan liên quan.
Chấm dứt can thiệp bằng quy hoạch nhằm cải thiện môi trường kinh doanh
Cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được xác định là ưu tiên cao nhất trong nghị trình hành động của Chính phủ mới...
http://www.thesaigontimes.vn/151948/quy-hoach-nganh---vi-sao-bo-nganh-nghien-quan.html/
|