Nỗi lo về an ninh ngân hàng trực tuyến
Trong một bản thông báo phát đi vào giữa tháng này, hãng bảo mật Kaspersky cho biết có 55,5% số người tham gia cuộc khảo sát ở Việt Nam đang lo lắng về tình trạng lừa đảo liên quan đến ngân hàng trực tuyến.
Tính bảo mật của hệ thống ngân hàng trực tuyến đã trở thành một trong những vấn đề đáng chú ý hàng đầu trong thời gian gần đây. Vấn đề an ninh mạng đang ngày càng trở thành mối quan ngại toàn cầu, và nỗi lo ngại đang lớn dần ở châu Á sau một loạt vụ tấn công mạng vào Bangladesh, Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Các chuyên gia công nghệ cho biết, các đợt tấn công mạng một phần xuất phát từ những mối căng thẳng chính trị đang gia tăng như việc tranh chấp chủ quyền trên biển, một phần khác là từ sức hút ngày càng tăng của các ngân hàng và doanh nghiệp có tài chính mạnh nhưng lại thiếu cảnh giác về an ninh thông tin.
Báo động đỏ về an ninh mạng
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy có đến hàng chục tỉ đô la Mỹ bị bốc hơi chỉ riêng vào năm ngoái. Vấn đề đã trở nên nguy cấp đến nỗi các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) sẽ họp mặt tại Singapore vào cuối tháng này nhằm bàn bạc tăng cường sự hợp tác trong khối và củng cố về an ninh mạng.
Vào tháng 6 vừa qua, những tên trộm đã sử dụng khoảng 1.600 tấm thẻ giả để rút tiền từ 1.400 máy ATM trên khắp Nhật Bản. Ngân hàng chịu thiệt hại là Standard Bank của Nam Phi. Ngân hàng này không có chi nhánh tại xứ sở mặt trời mọc. Điều đáng chú ý là cuộc tấn công máy ATM ở Nhật Bản diễn ra chỉ vài tháng sau một vụ tấn công mạng táo bạo khác vào ngành ngân hàng châu Á. Các tin tặc (hacker) đã dùng phần mềm độc hại để đánh bại hệ thống an ninh của Ngân hàng Trung ương Bangladesh nhằm đánh cắp 951 triệu đô la Mỹ thông qua hệ thống tín dụng Swift. Các nhà điều tra cho biết trong 101 triệu đô la được báo cáo bị đánh cắp, có 80 triệu đô la được rửa tiền thông qua các sòng bài ở Philippines.
Đáng ngại hơn là ngày càng có nhiều tổ chức thừa nhận tần suất tấn công đang tăng lên. Các đợt tấn công máy ATM quy mô lớn đã diễn ra ở Đài Loan, Malaysia và Thái Lan. Vào tháng 7, Government Savings Bank có trụ sở ở Bangkok đã đóng gần 50% trong 7.000 máy rút tiền trên toàn quốc sau khi tin tặc “đột nhập” 20 máy và lấy đi 350.000 đô la.
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng châu Á đang ở tuyến đầu về một loại tội phạm mạng mới mà theo đó, các tay trộm chuyển từ tấn công hệ thống dữ liệu để chuyển khoản sang rút tiền mặt. Trên thực tế, châu Á dễ bị tấn công mạng hơn Mỹ và châu Âu do ý thức về an ninh mạng của cả cá nhân lẫn tổ chức đều kém và thiếu cả sự đầu tư, khiến cho các định chế tài chính không được phòng vệ tốt.
Kết quả là có tới 90% ngân hàng và công ty ở châu Á-Thái Bình Dương, theo cuộc khảo sát của tổ chức an ninh mạng LogRhythm, báo cáo bị tấn công mạng trong năm nay. Con số này vào năm 2015 là 76% và vào năm 2014 là 67%.
Sự tổn thất sau các cuộc tấn công mạng về mặt kinh tế lẫn xã hội là rất lớn. Khoản tiền mà doanh nghiệp mất vào tay tin tặc ở châu Á-Thái Bình Dương lên tới 81,3 tỉ đô la trong vòng 12 tháng (kết thúc vào tháng 9-2015), theo cuộc khảo sát của Grant Thornton. Bản báo cáo của công ty này dựa vào cuộc khảo sát 2.500 doanh nghiệp trên toàn cầu. Mức tổn thất từ các đợt tấn công mạng ở châu Á nhiều hơn Bắc Mỹ tới 20 tỉ đô la và EU với con số tương tự, và chiếm đến hơn 25% tổng mức tổn thất của thế giới (315 tỉ đô la)...
http://www.thesaigontimes.vn/153019/Noi-lo-ve-an-ninh-ngan-hang-truc-tuyen.html
|