Nhịp đập Thị trường 28/10: Thanh khoản trở lại
Điểm tích cực trong phiên giao dịch cuối tuần không chỉ có điểm số mà thanh khoản cũng đã cải thiện đáng kể.
Theo đó, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch tại 682.25 điểm, tăng 5.35 điểm hay 0.79% và HNX-Index đóng cửa tăng 0.43%, đạt 83.04 điểm. Khối lượng giao dịch cả hai sàn đạt hơn 158 triệu cp, tương ứng 2,463 tỷ đồng, khá tích cực so với phiên giao dịch trước đó.
Giao dịch thỏa thuận khá sôi động với 14 triệu đơn vị, giá trị 320 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đó là các giao dịch thỏa thuận của 3 triệu cổ phiếu NLG, giá trị 66 tỷ đồng; 1.2 triệu cổ phiếu FPT, giá trị 56 tỷ đồng; 2 triệu cổ phiếu PDR, giá trị 28 tỷ đồng...
Toàn thị trường phiên giao dịch hôm nay có 226 mã tăng và 156 mã giảm, trong số mã tăng thì FLC tạo nên sự hưng phấn cao độ khi tăng kịch trần, kéo theo ROS cũng đóng cửa trong sắc tím. Ngay cả HNG cũng có mức tăng tốt trước thông tin giá cao su hồi phục...
Bên cạnh đó, ITA cũng là mã có sự đột phá về thanh khoản với 10 triệu đơn vị được khớp.
Phiên giao dịch cuối tuần cũng đánh dấu mốc trở lại ấn tượng từ khối ngoại khi họ mua ròng hơn 83 tỷ đồng trên cả hai sàn.
14h: FLC kịch trần, VN-Index lấy lại mốc 680
Trong đầu phiên chiều, hai chỉ số tiếp tục khởi sắc hơn khi các cổ phiếu vốn hóa lớn nới rộng đà tăng. Đáng chú ý là cổ phiếu FLC đã tăng kịch trần.
Theo đó, FLC đang tăng kịch trần với khối lượng giao dịch hơn 14 triệu cp và dư mua tại giá trần hơn 4 triệu cp. Việc FLC tăng đột biến đã kéo theo nhiều cổ phiếu đầu cơ khác bay cao như HAR, TNT, PTL, HHS, ATA...
Chỉ số VN-Index nhờ các ông lớn gia tăng nên đã tăng hơn 4 điểm để tái chiếm mốc 680 điểm. Khối lượng giao dịch sàn lúc này cũng tăng mạnh hơn với 87 triệu cp được chuyển giao, tương ứng 1,389 tỷ đồng.
Phiên sáng: Phân hóa
Sắc xanh vẫn chiếm đa số trên bảng giá mặc dù vậy, do không được sự trợ giá của các cổ phiếu lớn nên HNX-Index đã quay đầu giảm nhẹ.
Ăn theo hiệu ứng Habeco, hàng loạt cổ phiếu nhóm bia rượu & nước giải khát như HAT, SMB, WSB, BSP, ... đều có mức tăng khá mạnh.
Trong top10 vốn hóa sàn Hà Nội, chỉ duy nhất 2 cổ phiếu bảo hiểm là PVI và VNR tăng nhẹ, còn lại đều giữ giá hoặc giảm điểm. Đóng cửa buổi sáng, HNX-Index giảm nhẹ 0.05%. Ngược lại, 2 chỉ số VN-Index và Upcom lần lượt tăng 0.35% và 0.94%.
10h30: Đảo chiều tăng điểm
Lực cầu đã mạnh dạn hơn ở nhiều nhóm cổ phiếu cùng với việc bên bán cũng chỉ treo ở các mức giá xanh đang giúp thị trường tăng điểm trở lại, mặc dù vậy, mức tăng là không đáng kể.
Trong top10 vốn hóa, hiện chỉ còn BVH và MSN giảm điểm, số lượng cổ phiếu tăng giá cũng đang nhiều hơn đáng kể khi tại sàn HOSE, có đến 121 cổ phiếu tăng, áp đảo so với chỉ 68 mã giảm. Diễn biến tích cực cũng đang xảy ra ở 2 sàn còn lại.
Cổ phiếu ngành thép đang có sự trở lại với hàng loạt mã tăng điểm khá, màu xanh cũng dần xuất hiện ở nhóm dầu khí trong khi ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, phần lớn các mã đều tăng điểm nhẹ.
Tại thời điểm 10h05, VN-Index tăng 0.24%, lên mức 678.34 điểm trong khi đó, HNX-Index và chỉ số tại sàn UPCoM lần lượt tăng 0.08% và 0.97%. Thanh khoản có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.
Mở cửa: Tâm lý thận trọng
Vẫn như nhiều phiên gần đây,thị trường mở cửa với tâm lý thận trọng, mặc dù có nhiều hơn số lượng cổ phiếu tăng điểm nhưng các chỉ số lại giảm nhẹ do chịu tác động của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
ROS tiếp tục thể hiện sức mạnh đáng nể và đóng góp hơn 1 điểm cộng vào chỉ số VN-Index, mặc dù vậy, với việc 3 cổ phiếu lớn nhất là VNM, GAS và BVH đều giảm điểm khiến chỉ số này hiện đang giảm nhẹ 0.06%.
Hôm nay cũng là ngày giao dịch đầu tiên của ông lớn ngành Bia là HNB, mặc dù vậy, hiện vẫn chưa phát sinh giao dịch tại cổ phiếu này.
Thanh khoản tiếp tục đạt mức thấp, tại thời điểm 9h25, toàn thị trường chỉ có 217 tỷ đồng giá trị giao dịch.
Cập nhật đầu phiên
Sau 4 phiên trong tuần, dòng tiền suy yếu thấy rõ, một biểu hiện cụ thể của tâm lý thận trọng khi mà trên thị trường thời điểm này, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận là không tương xứng với rủi ro.
Lần đầu tiên kể từ phiên 8/8/2016, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt dưới 2,000 tỷ đồng. Cung giá thấp đang giảm đi nhưng cầu mất hút nên cũng rất khó tạo được sự bứt phá mặc dù đóng cửa phiên gần nhất, cả 2 chỉ số chính đã quay đầu tăng điểm nhẹ.
Theo thống kê mới đây, tính đến cuối quý 3/2016, 17 công ty chứng khoán đã cung cấp ra thị trường 24,000 tỷ đồng cho vay margin. Con số này không thay đổi so với cuối quý trước nhưng lại tăng 16% so với đầu năm và đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, dẫn đến việc hạn chế giao dịch.
Trong các phiên giao dịch sắp tới, kết quả kinh doanh 3 tiếp tục là điểm tựa cho kỳ vọng của nhà đầu tư, tuy vậy, cũng cần lưu ý, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp công bố kết quả rất tốt nhưng lại không nhận được sự hưởng ứng từ giá cổ phiếu trên thị trường.
|