Nhịp đập Thị trường 21/10: Áp lực bán tăng cao, thị trường khép tuần giảm điểm
Không nhiều diễn biến tích cực xuất hiện thêm cho đến cuối phiên, số lượng cổ phiếu giảm giá ngày càng tăng và xuất hiện đa số trên bảng điện tử. Bên cầm tiền đang khá thận trọng trong việc giải ngân mới trong khi người bán cũng đang ưu tiên thu tiền về hơn là chờ đợi các mức giá mong muốn.
Thị trường đóng cửa với việc các chỉ số không thành công trong việc tiếp cận vùng tham chiếu khi VN-Index giảm 0.23%, chỉ còn 684.83 điểm, HNX-Index giảm mạnh nhất khi mất 1.04%.
Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt xấp xỉ 2,930 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận đạt 663 tỷ, chiếm 22.64%. HQC và VIC là 2 mã có giao dịch thỏa thuận nhiều nhất với lần lượt 8.43 triệu và 8.5 triệu đơn vị.
14h: Bên bán hạ giá, thanh khoản vẫn mất hút
Áp lực bán tăng dần đang khiến nhiều nhóm cổ phiếu gặp khó khăn ngay cả trong việc giữ được giá tham chiếu. Ngân hàng, Bất động Sản hay Dầu khí đang là các nhóm cổ phiếu bị bán ra khá mạnh dù không có thông tin quá bất lợi.
Các cổ phiếu mới nhất công bố KQKD quý 3 khả quan như HCM, VCB, … cũng không thu hút được cầu và chỉ tăng giá nhẹ. Thông thường, các doanh nghiệp công bố sớm cũng thường là những doanh nghiệp có kết quả tốt nhất.
Tại thời điểm 14h00, các chỉ số vẫn giảm từ 0.15% đến 0.53%, GTKD toàn thị trường ghi nhận 2,240 tỷ đồng. HQC là cổ phiếu được NĐT nước ngoài mua ròng mạnh nhất với 1.46 triệu đơn vị, trong khi ngược lại, STB lại là mã bị bán ròng cao nhất thị trường với 170k đơn vị.
Phiên sáng: Cầu yếu, 3 chỉ số cùng giảm điểm
Sức mua không được cải thiện đã khiến cả 3 chỉ số tạm lui về đứng dưới tham chiếu khi thị trường kết thúc phiên giao dịch buổi sáng.
Trong nhóm cổ phiếu có sự hỗ trợ của KQKD Q3 ngoại trừ APC vẫn giữ giá trần thì các cổ phiếu khác như SSI, HSG, MWG, … dù vẫn tăng giá nhưng đã có bước lùi đáng kể so với thời điểm đầu phiên giao dịch.
Xét về KLGD, FLC là mã dẫn đầu toàn thị trường với hơn 8.7 triệu đơn vị khớp lệnh, ở các vị trí tiếp theo, VHG, HQC cũng được chuyển giao khối lượng lớn với lần lượt 5.1 và 3.6 triệu đơn vị.
Đóng cửa, VN-Index giảm 0.24%, xuống mức 684.76 điểm, 2 chỉ số tại sàn Hà Nội cũng lần lượt giảm 0.47% và 0.26%. Tổng cộng có 96.4 triệu đơn vị được mua bán, giá trị khớp lệnh đạt 1,483 tỷ đồng.
10h30: VNM đỡ chỉ số
Hai cổ phiếu được trông đợi là HPG và VNM đã có sự biến chuyển tích cực khi lực cầu vào khá tốt, sức lan tỏa từ 2 mã này sang phần còn lại cũng rộng hơn và đang giúp VN-Index lấy lại sắc xanh khi tăng nhẹ 0.17%.
Tại sàn Hà Nội, với việc giảm của hàng loạt ông lớn như ACB, PGS, VCG hay BVS nên HNX-Index đang tiếp tục vận động dưới tham chiếu khi giảm 0.3%, sức mua là tương đối thấp.
Tại thời điểm 10h20, thanh khoản chung của thị trường cũng hạn chế hơn với chỉ 55.8 triệu đơn vị được mua bán, giá trị đạt 800 tỷ đồng.
Tâm lý thận trọng bao trùm, mở cửa giảm nhẹ
Tâm lý thận trọng bao trùm khiến thị trường khởi đầu phiên mới với sự dè dặt nhất định. Cả 2 chỉ số chính đều khởi đầu giảm nhẹ trong khi Upcom-Index tăng mạnh gần 1%.
Các cổ phiếu vừa công bố báo cáo KQKD quý 3 khả quan như SSI , APC, HSG, … có mức tăng khá tốt, trong khi phần còn lại của thị trường, cả cung và cầu vẫn chưa thể hiện xu hướng rõ rệt.
Nhận định trước phiên
Thông thường, sau khi tăng khá tốt cả về điểm số lẫn thanh khoản như ngày 18/10, thị trường sẽ tạo đà và kích hoạt sự bùng nổ từ đó mở ra khả năng chinh phục các ngưỡng kháng cự cao hơn. Tuy nhiên, VN-Index chỉ hoàn thành được một nửa công việc khi tăng tiếp 1 phiên đi kèm thanh khoản và nhanh chóng thất bại ở phiên tiếp theo.
Như vậy, tính từ phiên 29/09/2016, ngưỡng kháng cự 690 điểm đã không thể bị chinh phục trong 4 lần liên tiếp. Diễn biến này có thể khiến nhà đầu tư lo ngại về kịch bản xấu sẽ lặp lại bởi trước đó, sau khi 3 lần thất bại trong việc chinh phục mức 675 điểm, VN-Index đã thoái lui 3.8% trong vòng nửa tháng và rơi về 650 điểm. Theo lý thuyết kỹ thuật, 675 điểm cũng chính là hỗ trợ cho VN-Index trong trường hợp kịch bản trên lặp lại một lần nữa.
Trong 4 phiên đã qua, HPG ít nhiều đã lấy lại hình ảnh một cổ phiếu dẫn dắt khi diễn biến toàn thị trường khá tương đồng với biểu hiện tại cổ phiếu này. Cổ phiếu lớn nhất thị trường là VNM cũng dần khởi sắc trở lại sau thông tin về mức giá sàn thoái vốn của SCIC được lan truyền. Cùng với các cổ phiếu nhóm Ngân hàng, Dầu khí, diễn biến của 2 ông lớn này tiếp tục được cả thị trường quan sát và có hành động tương ứng trong các phiên tiếp theo.
Trong tuần, khối ngoại đang cho thấy xu hướng rút vốn nhẹ với 3/4 phiên bán nhiều hơn mua, giá trị bán ròng ghi nhận mức 105 tỷ đồng./.
|