Thứ Tư, 26/10/2016 10:10

Khi “ông trời” cũng đánh chứng

Thời tiết và chứng khoán, hai khái niệm tưởng chừng như không có sự liên quan đến nhau lại tác động qua lại đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến thời tiết ngày càng trở nên bất thường. Và giờ đây, bên cạnh việc theo dõi thông tin của doanh nghiệp hay diễn biến chung của thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư cũng cần xem cả… bản tin thời tiết.

Với một số doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp hay năng lượng, bên cạnh những yếu tố nội tại của doanh nghiệp hay tình hình tài chính thì vấn đề môi trường, thời tiết cũng là một nhân tố quan trọng cần phải chú ý, đặc biệt khi diễn biến của những hiện tượng thiên nhiên trở nên bất thường và có sự ảnh hưởng đặc biệt nghiệm trọng.

Ngược lại, những diễn biến tưởng chừng như không có nhiều liên quan, đơn cử như tình trạng triều cường, ngập cục bộ tại một số điểm thuộc Tp.HCM trong đợt mưa lớn vừa qua, lại tạo tác động tích cực đến một số doanh nghiệp niêm yết mà ít nhà đầu tư để ý tới. Những câu chuyện kể trên có thể sẽ thay đổi đáng kể tư duy đầu tư.

Khi thời tiết thất thường

Nói đến một diễn biến thời tiết chi phối hoạt động của khá nhiều doanh nghiệp thuộc những ngành có liên quan đến nông nghiệp và năng lượng trong năm 2016, có lẽ El Nino và La Nina là hai cái tên tiêu biểu nhất. Minh chứng rõ ràng nhất là các báo cáo phân tích được các CTCK đưa ra từ đầu năm 2016 chỉ để đánh giá tác động của hai hiện tượng nói trên đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông nghiệp và năng lượng.

Theo định nghĩa, El Nino là hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài từ 8-12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3-4 năm/lần song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. Trong khi, La Nina là hiện tượng trái ngược với El Nino, được hiểu là hiện tượng vùng biển ở khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương lạnh đi một cách bất thường do sự mạnh lên của gió mậu dịch. Hiện tượng La Nina hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau, thường kéo dài từ 14 đến 24 tháng.

Ngay đầu tháng 1/2016, CTCK Bảo Việt (BVS) đã đưa ra báo cáo phân tích ngành mía đường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tác động của hiện tượng El Nino đến ngành này. Theo BVS, năm 2015 được đánh giá là năm có hiện tượng El Nino cực đại, tương tự giai đoạn năm 1997 – 1998 và giai đoạn xa hơn là 1982 – 1983. Những dự báo từ Cơ quan Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Tổ chức Lương thực - Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy, hiện tượng El Nino trong năm 2015 sẽ làm chênh lệch cung cầu 2 niên độ 2015 – 2016 và 2016 – 2017 giảm xuống mức âm lần đầu tiên sau 5 năm, tình trạng dư thừa đường sẽ giảm trong ngắn hạn.

Và đúng như dự báo, đến cuối tháng 2/2016, các hợp đồng đường tương lai trên sàn Intercontinental Exchange đã ghi nhận phiên tăng giá mạnh nhất trong gần 23 năm sau khi nhận được các dự báo cho thấy nguồn cung có thể không đáp ứng đủ nhu cầu. Đà tăng của sản phẩm này tiếp tục cho đến thời điểm hiện tại.

Diễn biến giao dịch của Hợp đồng tương lai Đường trên sàn Nasdaq

 

Cùng với sự phục hồi của giá đường thế giới, kỳ vọng từ việc tiêu thụ đường và sản xuất cũng đưa cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước ghi nhận mức tăng đáng kể. Đơn cử như cổ phiếu SBT của CTCP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh, nếu không tính việc điều chỉnh gần đây liên quan đến chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng, cổ phiếu SBT đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, mặc dù đã giảm đáng kể từ mức đỉnh nhưng con sóng nửa đầu năm 2016 cũng đưa cổ phiếu LSS – CTCP Mía đường Lam Sơn lên gần gấp 3 lần.

Trái với viễn cảnh tươi sáng của ngành đường thì nhóm doanh nghiệp kinh doanh phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino, bởi hoạt động trồng trọt ở nhiều khu vực trong cả nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là tình hình xâm thực mặn và khô hạn dự báo sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp các tỉnh của ĐBSCL.

Không chỉ nhóm kinh doanh phân bón, hiện tượng khô hạn do El Nino cũng làm giảm khả năng sản xuất điện của các doanh nghiệp thủy điện dẫn đến hiệu quả hoạt động sụt giảm. Hàng loạt doanh nghiệp thủy điện đều báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh quý 2/2016 sụt giảm so với cùng kỳ năm 2015, đơn cử như Thủy điện Thác Bà (TBC) đạt mức doanh thu trong quý 2/2016 giảm 13% so với cùng kỳ, Thủy điện MiềnTrung (CHP) ghi nhận doanh thu giảm mạnh 45% hay Thủy điện Miền Nam (SHP) với kết quả doanh thu giảm 16% . Đây cũng là lý do khiến mức tăng của nhóm cổ phiếu ngành này cách xa so với mức tăng của VN-Index trong nửa đầu năm 2016.

Mặc dù vậy, theo các đánh giá của CTCK, nhóm ngành thủy điện sẽ phục hồi đáng kể nhờ hiện tượng La Nina diễn ra ngay sau El Nino, bởi diễn biến thời tiết sẽ chuyển từ khô hạn sang mưa nhiều. Nhóm phân tích BVSC đánh giá điểm rơi lợi nhuận đối với các doanh nghiệp thủy điện sẽ xảy ra vào quý 3/2016 do ảnh hưởng bởi El Nino, tuy nhiên sẽ phục hồi khi La Nina sẽ diễn ra mạnh trong năm 2017.

Những sự tương tác thú vị

Nếu như hai hiện tượng El Nino và La Nina được phân tích theo khía cạnh tác động tiêu cực của thiên nhiên đến hoạt động nông nghiệp và năng lượng, từ đó sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp trong ngành thì câu chuyện khác giữa cổ phiếu PAC của CTCP Pin Ắc Quy Miền Nam và tình hình ngập lụt cục bộ thời gian qua của Tp.HCM lại là một khía cạnh khác.

Trong bối cảnh mưa lớn kéo dài khiến tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng tại Tp.HCM, một số nhà đầu tư bắt đầu rỉ tai nhau về quyết định mua cổ phiếu của một công ty… sản xuất ắc quy. Hai câu chuyện tưởng chừng như không có sự liên quan đến nhau. Lý giải được đưa ra là việc ngập lụt trên diện rộng và kéo dài tại Tp.HCM do mưa lớn thời gian gần đây sẽ khiến nhiều phương tiện giao thông bị hỏng hóc, một trong số các bộ phận quan trọng là ắc quy.

Trong năm 2015, sản phẩm ắc quy mang lại cho PAC doanh thu gần 2,000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 88% tổng doanh thu. Báo cáo phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết, thị phần ắc quy của PAC năm 2015 đạt khoảng 45 – 50%, và dự báo sẽ tăng lên khoảng 50 – 55% trong năm 2016 (ắc quy xe gắn máy từ 30 - 35%, ắc quy ô tô chiếm 59 – 55% thị phần cả nước), trong đó khu vực Tp.HCM và các tỉnh miền nam là những thị trường quan trọng. Thị giá cổ phiếu PAC trong đợt ngập lụt tại Tp.HCM cũng có sự tăng trưởng nhất định, từ hơn 30,000 đồng/cp lên mức 40,000 đồng/cp trước khi quay đầu sụt giảm.

Tuy nhiên, nhiều hiện tượng không chỉ có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Mới đây, HĐQT của CTCP Trang (HNX: TFC) đã quyết định hạ chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trong 3 năm 2016-2018. Riêng năm 2016, TFC sẽ hạ chỉ tiêu doanh thu từ 549 tỷ đồng xuống còn 334 tỷ đồng (tương đương mức giảm 39%) và lợi nhuận sau thuế kế hoạch điều chỉnh giảm mạnh hơn 96% từ mức 41 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.5 tỷ đồng.

Căn nguyên cũng bởi kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong quý 2/2016, khi mà doanh thu thuần TFC chưa bằng một nửa so với cùng kỳ, đạt gần 42 tỷ đồng, lãi gộp chỉ hơn 1 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, kết quả nêu trên xuất phát từ tình hình ngành thủy sản và chế biến thực phẩm xuất khẩu đang bị canh tranh gay gắt từ các nước. Cùng với đó, việc cá chết hàng loạt ở miền Trung - Việt Nam đã ảnh hưởng lên uy tín ngành thủy sản nói chung và làm TFC giảm đơn đặt hàng.

Trong khi đó, do thị trường tiêu thụ chính chiếm 60% sản lượng của TFC là Anh xảy ra sự kiện Brexit, khiến cho sức mua thị trường và giá trị của đồng Bảng Anh giảm sút mạnh, là nguyên nhân tác động tiêu cực lên doanh thu của TFC./.

Các tin tức khác

>   Nhịp đập Thị trường 26/10: Hồi phục cuối phiên (26/10/2016)

>   Sàn giao dịch chứng khoán ảo FESE13 - năm 2016 (26/10/2016)

>   26/10: Bản tin 20 giờ qua (26/10/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 26/10 (26/10/2016)

>   VCSC công bố báo cáo phân tích cập nhật cổ phiếu CTD (25/10/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 25/10: Đè bán bluechip (25/10/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 25/10 (25/10/2016)

>   25/10: Bản tin 20 giờ qua (25/10/2016)

>   Dòng tiền phân hóa mạnh (24/10/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 24/10: Các chỉ số đồng loạt giảm sâu (24/10/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật