Cổ đông DDV sẽ phải đợi gần 1 năm nữa để nhận cổ tức 2015
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông báo, CTCP DAP - VINACHEM sẽ lùi ngày thành toán cổ tức 2015 sang 09/06/2017.
Được biết, DDV dự kiến chi trả cổ tức 2015 với tỷ lệ 2.5% bằng tiền mặt vào ngày 14/10/2016. Tuy nhiên, do tình hình tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, giá phân bón xuống thấp dẫn đến Công ty không cân đối được nguồn tài chính để trả cổ tức. Trước đó, DDV đã một lần hủy danh sách chốt quyền nhận cổ tức 2015 và thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức 2015 lần 2 với ngày chi trả là 14/10. Tuy nhiên, một lần nữa DDV đã phải kéo dãn thời gian trả cổ tức 2015 sang tới năm 2017.
Nhìn vào kết quả kinh doanh có thể thấy rõ những khó khăn của DDV trong nửa đầu năm, Công ty chỉ đạt doanh thu hơn 611.6 tỷ đồng, bằng 1 nửa so với cùng kỳ năm 2015. Cùng với đó, DDV chấp nhận kinh doanh dưới giá vốn và chịu khoản lỗ gộp tới hơn 116 tỷ đồng. DDV còn phải gánh khoản chi phí tài chính gần 34 tỷ đồng. Theo đó, sau khi trừ các chi phí, DDV lỗ ròng hơn 212 tỷ đồng (cùng kỳ 2015 lãi ròng 16.7 tỷ đồng).
Thị giá cổ phiếu DDV thời gian gần đây
|
|
Kết quả trong nửa đầu năm, khiến phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DDV hồi đầu năm (hơn 49 tỷ đồng) "bốc hơi" và thay vào đó là khoản lỗ lũy kế gần 209 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của DDV, giảm gần 17% xuống còn 1,257 tỷ đồng.
Tính đến 30/06/2016, DDV đang "gánh trên vai" khoản vay nợ tài chính hơn 1,094 tỷ đồng, tương đương gần 38% tài sản của Công ty. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ở mức hơn 959 tỷ đồng, chiếm 58% nợ phải trả; nợ dài hạn 138 tỷ đồng, chiếm hơn 8% tổng nợ phải trả.
Mặt khác, DDV cũng đang ôm lượng lớn hàng tồn kho với tổng giá trị hơn 849 tỷ đồng, tương đương 75% tài sản ngắn hạn của Công ty.
Cùng với kết quả kinh doanh xuống dốc, thị giá cổ phiếu DDV cũng có chiều hướng đi xuống và đã có lúc rơi xuống mức 3,000 đồng/cp vào hồi đầu tháng 8/2016.
Việc cổ phiếu DDV sụt giảm đã liên lụy đến một số công ty là cổ đông sở hữu cổ phiếu này. Điển hình có thể kể đến trường hợp của CTCP MHC (HNX: MHC), doanh nghiệp này đã phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 13 tỷ đồng cho khoản đầu tư 4.7 triệu cp DDV (trị giá 55.6 tỷ đồng) trong quý 2/2016.
Một doanh nghiệp khác cũng "ngậm trái đắng" trong quý 2 khi đầu tư cổ phiếu DDV là CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HOSE: QBS) - đơn vị sở hữu 19.2% vốn của DDV tính tới 06/05/2016. QBS đã phải trích lập hơn 42 tỷ đồng cho khoản đầu tư DDV và phải chịu lỗ 22 tỷ đồng trong quý 2./.
|