Thứ Sáu, 21/10/2016 13:02

BAM: Nối tiếp cái kết chung cho nhiều cổ phiếu ngành khoáng sản

Chào sàn ấn tượng ở mức giá 16,900 đồng/cp nhưng cổ phiếu BAM ngay sau đó đã lao dốc không phanh về 1,800 đồng/cp. Trót lỡ nắm giữ cổ phiếu này thì nhà đầu tư cũng khó mà gỡ được vốn bởi con sóng cổ phiếu cứ mãi thăm thẳm như sườn dốc suốt gần hai năm niêm yết. Đến nay, cổ đông còn điếng lặng hơn với “tin dữ” hủy niêm yết bắt buộc.

* ĐHĐCĐ BAM: Miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT, kế hoạch lãi trước thuế 200 triệu đồng năm 2016

Trước đó, cổ phiếu BAM của CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á đã bị đình chỉ giao dịch trên thị trường chứng khoán do nhiều lần vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin. Cụ thể, công ty chưa thực hiện công bố BCTC năm 2015, BCTN năm 2015, BCTC quý 1/2016, BCTC quý 2/2016, báo cáo quản trị bán niên 2016, BCTC bán niên 2016. Đến ngày 14/11, Sở GDCK Hà Nội (HNX) chính thức công bố BAM bị hủy niêm yết bắt buộc kể từ ngày 10/11/2016 do vẫn chưa khắc phục tình trạng này.

Quá trình niêm yết của cổ phiếu BAM có hai đợt thanh khoản đột biến đáng chú ý. Đó là đợt tháo chạy cận kề “án” hủy niêm yết bắt buộc hiện nay và trước đó là vào giữa năm 2015. Khi đó, cuối tháng 5/2015, khối lượng giao dịch của BAM tăng mạnh, có lúc đạt hơn 3 triệu cp/phiên. Giá cp BAM trên thị trường cũng liên tục tăng, thậm chí tăng trần nhiều phiên liên tiếp. Trở thành yếu tố hỗ trợ tích cực cho đợt đua nhau thoái vốn của lãnh đạo công ty. Khởi điểm là giao dịch bán 1.3 triệu cp từ Ủy viên HĐQT Vũ Đình Thành (hiện nay đã là Chủ tịch HĐQT) vào ngày 16/06. Tiếp đến, ông Đỗ Văn Huấn – Ủy viên HĐQT đã bán 1.2 triệu cp ngày 18/06 và ông Hứa Trung Sĩ – Cựu Chủ tịch đã bán 500,000 cp ngày 19/06. Theo ước tính, số tiền vị cựu Chủ tịch thu về khoảng 1,45 tỷ đồng, vị ủy viên HĐQT sẽ thu 3.48 tỷ đồng và vị Chủ tịch hiện tại thu được khoảng 4.16 tỷ đồng.

Giao dịch của cổ phiếu BAM từ T11/2014 – T10/2016

Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2012 – 2014, BAM ghi nhận lãi ròng tăng nhẹ 6% nhưng doanh thu nhìn chung suy giảm đều với tốc độc giảm trung bình gần 20%. Bình quân, BAM thu về 152 tỷ đồng doanh thu và hơn 16 tỷ đồng lợi nhuận trong giai đoạn này. Qua năm 2015, một năm nhiều khó khăn đối với kết quả kinh doanh cũng như diễn biến giao dịch cổ phiếu BAM. Việc không có doanh thu trong cả năm dẫn đến khoản lỗ gần 5 tỷ đồng. Thị giá cổ phiếu BAM trong năm cũng ghi nhận mức thấp kỷ lục 1,300 đồng/cp (phiên ngày 25/01/2015).

Trở lại thời điểm cuối năm 2014, khi đó việc khai thác vàng, đá tại mỏ đá vôi Pá Chủ (Bắc Cạn) hết thời hạn từ cuối năm liền trước đã gây tác động xấu đến hoạt động của BAM trong ngắn hạn. Nhưng nhà đầu tư lúc này vẫn kỳ vọng rằng tình hình sẽ khởi sắc trở lại vào quý 1/2015 nhờ gia hạn khai thác tại mỏ này cũng như dự án khai thác và chế biến quặng sắt tại mỏ sắt Cận Còng (Yên Bái) đi vào hoạt động, dự kiến sẽ mang về doanh thu 250 tỷ đồng/năm và lợi nhuận ước tính 120 tỷ đồng/năm. Theo đó tỷ lệ lợi nhuận của BAM sẽ được chia từ dự án này là 50% ước tính đạt khoảng 36 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, dự án “triển vọng” của nhà đầu tư – mỏ đá Pa Chủ - vẫn ghi nhận 63 tỷ đồng trong chi phí xây dựng dở dang, ngoài ra còn ghi nhận hơn 75 tỷ đồng từ công trình Resort Ba Bể.

Chỉ riêng quý 4/2014, quý chào sàn chứng khoán, BAM ghi nhận doanh thu và lãi ròng tăng đáng kể. Theo đó, doanh thu thuần gấp 2.4 lần cùng kỳ, đạt gần 58 tỷ đồng, lãi ròng tăng 75% ghi nhận 5.4 tỷ đồng. Đặc biệt, trong kỳ lãi tiền gửi và cho vay trong kỳ đồng thời mang về cho BAM gần 2 tỷ đồng.

Những sự trùng hợp của bộ tứ KSSPTKKTB – BAM

Câu chuyện của bộ tứ khai khoáng KSS – PTK – KTB – BAM ít nhiều có những điểm chung và chịu tác động lẫn nhau đã rầm rộ trên sàn trong thời gian qua.

CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á tiền thân là Công ty TNHH Hùng Dũng được thành lập vào ngày 28/02/2006 với mức vốn điều lệ ban đầu chỉ hơn 5 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và kinh doanh khoáng sản.

Tháng 4/2009, công ty đã tiến hành tăng vốn lên 20 tỷ đồng bằng hình thức góp tiền mặt giữa các thành viên nội bộ. Năm 2010, vốn điều lệ công ty một lần nữa tăng lên 156 tỷ đồng, sau đó chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức CTCP vào tháng 4/2011 và chính thức đổi tên thành CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á vào ngày 24/08/2012.

Vụ tai tiếng đỉnh điểm bắt đầu từ KSS - CTCP Khoáng Sản Na Rì Hamico khi chủ tịch và kế toán trưởng là ông Nguyễn Văn Dĩnh và bà Hà Thị Thu Huyền bị khởi tố vì tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo đó, KSS rớt về giá dưới 1,000 đồng/cp, tương ứng giảm hơn 81% trong năm 2015, đã gây áp lực khiến giá BAM giảm sâu chỉ còn 1,400 đồng/cp cũng trong năm này. Không chỉ chịu ảnh hưởng bởi kinh doanh cùng ngành, sau vụ khởi tố tại Khoáng Sản Na Rì Hamico thì BAM cũng bị đưa vào diện thanh tra soát xét. Tuy nhiên, về mối quan hệ giữa KSS và BAM cho thấy hai công ty này không có sự sở hữu cổ phần qua lại. Có chăng trước đây hai bên đã từng ký kết hợp đồng liên doanh số 02/LKLD/2012 để thực hiện dự án nhà máy luyện chì Ngân Sơn tại xã Thượng Quân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn. Được biết, hợp đồng ký kết vào ngày 28/08/2012, nhưng sau đó bên đã dừng liên doanh và đến cuối năm 2014, khoản phải thu trị giá 50 tỷ đồng về thương vụ trên đã được thanh toán hết.

Đồng thời, KSS cũng gây liên lụy đến PTK - CTCP Luyện kim Phú Thịnh khi có lãnh đạo cùng huyết thống với Chủ tịch KSS khiến con dấu công ty bị cơ quan điều tra thu giữ. Kết quả là cổ phiếu PTK cũng liên tục bị đưa vào diện cảnh báo chậm công bố thông tin, đồng thời giá cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng khá mạnh, giảm xuống còn 900 đồng/cp trước khi phải rời sàn vào ngày 13/04/2016.

Như vậy, KSS từng là “quán quân” trong danh sách các cổ phiếu không mua nổi nửa cốc trà đá khi mà mức giá chỉ dừng tại 800 đồng/cp trước lúc bị hủy niêm yết, kế đến có KTB - CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc, cũng mức giá thấp kỷ lục 1,900 đồng/cp, liên tục “giấu nhẹm” báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh bê bết, KTB sau đó đã chính thức tạm biệt sân chơi kể từ ngày 13/04/2016. Tương tự câu chuyện ngày hôm nay tại BAM, khi cp này đi vào vết xe đổ với mức giá hiện tại cũng đang ở mốc “quét sàn”. Cùng với đó là chuỗi ngày dài không tạo ra doanh thu dẫn đến phải gánh lỗ chi phí, liên tục bưng bít báo cáo tài chính và cái kết không thể tránh khỏi: BAM nói lời chia tay sàn niêm yết vào ngày 10/11 tới đây sau chưa đầy 1 tháng thay chiếc ghế lãnh đạo./.

Các tin tức khác

>   Trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đặt tại Hà Nội (20/10/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 20/10 (20/10/2016)

>   HNX: Bản công bố thông tin của CTCP Thế kỷ 21 (19/10/2016)

>   20/10: Bản tin 20 giờ qua (20/10/2016)

>   HDG: Thông báo góp vốn vào Thủy điện Sông Tranh 4 (19/10/2016)

>   DCL: Giải trình biến động lợi nhuận quý 3/2016 so với quý 3/2015 (19/10/2016)

>   TVG: Bổ sung ngành nghề kinh doanh (19/10/2016)

>   PCT: Bị phạt 70 triệu đồng do bầu Ban kiểm soát không đúng quy định (20/10/2016)

>   VES: Đơn từ nhiệm của Thành viên Hội đồng quản trị (19/10/2016)

>   TAC: Thông báo các khoản vay ngân hàng của công ty quý 3/2016 (19/10/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật