Thứ Sáu, 14/10/2016 09:00

6 mục tiêu tài chính tuổi 20 – 30

Bạn đang ở độ tuổi 20 – 30 ngập tràn hoài bão? Bạn vừa nhận được công việc hằng ao ước? Bạn vừa có tháng lương đầu tiên? Đâu là những mục tiêu tài chính bạn đã đạt được và còn bao nhiêu cột mốc nữa trước mắt? Cùng xem bạn đang đứng ở đâu trên bản đồ tài chính của riêng mình.

1.    Công việc “đúng chuẩn” đầu tiên

Nếu ở thời điểm 20 năm trước, đây không hẳn được xem như một mục tiêu tài chính bởi có việc làm đầu tiên, như một lẽ dĩ nhiên bạn phải đạt được không lâu sau khi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp.Tuy vậy, với hiện tại, tấm bằng tốt nghiệp vẫn chưa đủ.

Theo 8morning, website hướng nghiệp dành cho các bạn trẻ Việt, để tìm được công việc phù hợp, ngoài kiến thức trường lớp, bạn phải tự học hỏi để nâng cao các kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp,… Và con đường để đạt được một công việc thực thụ không nhất thiết là một đường thẳng. Đôi khi cần phải thử liên tiếp vài ba công việc “bàn đạp” khác nhau trước khi “yên vị” với công việc phù hợp có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Để đạt được công việc “đúng chuẩn”, bạn cũng có thể thử sức với các công việc trái ngành khác nhau.

Dẫu cho bạn trải qua những thăng trầm như thế nào để đạt được vị trí “chuẩn” đầu tiên trong sự nghiệp của mình, cầm trên tay những tháng lương đầu sẽ là cảm giác tuyệt vời vì đây chính là cột mốc tài chính thứ nhất ngay sau khi hoàn thành việc học.

2. Tài khoản và thẻ ngân hàng đầu tiên

Chỉ cần bước qua tuổi 18, bạn đã có thể mở tài khoản và sở hữu chiếc thẻ ngân hàng đầu tiên. Và chiếc thẻ nhỏ sẽ trở thành chiếc ví điện tử tiện lợi cho bạn.

Thu Hà, 23 tuổi, Quận Tân Bình chia sẻ “Tài khoản và thẻ ngân hàng đầu tiên là do công ty mở cho mình để trả lương. Mấy ngày đầu cũng thấy bất tiện vì cứ phải ra ATM rút tiền, giờ thì mình lại không quen cầm quá nhiều tiền mặt mà cứ để trong thẻ cho an toàn, các giao dịch cũng được lưu trữ online để mình quản lý mỗi tháng. Cần gửi tiền đi đâu chỉ cần cầm điện thoại chuyển khoản, tiện và nhanh chóng hơn.”

Nếu bạn qua ngưỡng 20 mà vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, đây chính là ưu tiên ngay lúc này đấy. Bỏ vài phút ra ngân hàng mở thẻ và bắt đầu học cách quản lý tài khoản của mình chính là bài học tài chính đầu tiên của bạn.Đây cũng là minh chứng cho việc bạn đã bước qua ranh giới trưởng thành và bắt đầu có trách nhiệm trong nghĩa vụ tài chính của bản thân mình.

3. Chiếc thẻ tín dụng đầu tiên

Sau khi đã có một công việc “chuẩn” và nhận được ba tháng lương đầu tiên, bạn đã có thể đủ điều kiện đăng ký một tài khoản tín dụng của riêng mình. Đây là bước “nâng cấp” trong việc sở hữu tài khoản ngân hàng. Vậy là kỹ năng, trình độ và quản lý tài chính của bạn sẽ tăng thêm một bậc.

Việc mở thẻ tín dụng sẽ tùy vào mức thu nhập hằng tháng của bạn. Chỉ cần tìm hiểu một chút, bạn sẽ có đáp án phù hợp cho mình.“Trong khi các ngân hàng quốc tế đòi hỏi mình phải chứng minh mức thu nhập khá cao khi mở thẻ tín dụng, thì các ngân hàng nội địa lại có yêu cầu mở thẻ đơn giản và nhanh chóng hơn trong khi vẫn đáp ứng đủ các dịch vụ cần thiết. Như vừa rồi, mình mới mở thẻ Visa tại Viet Capital Bank, mình chỉ phải gửi hồ sơ qua website, gửi sao kê chứng minh thu nhập từ 5 triệu, trong vòng 1 ngày là có nhân viên gọi điện tư vấn để làm thủ tục mở thẻ ngay luôn.” Gia Hoàng, ngụ tại Q.3 cho biết.

Mở một tài khoản tín dụng sẽ là một quyết định chiến lược cho kế hoạch tài chính cá nhân lâu dài của bạn. Thẻ tín dụng sẽ đem lại khoản dự phòng và là cơ hội để bạn tự xoay vòng vốn cho bản thân trong tương lai gần.

Hãy xem đây là dịp để khẳng định khả năng tự chủ tài chính của mình, không chỉ trước bố mẹ mà còn với vai trò là một mắt xích kinh tế của xã hội.

4. Lần đầu tiên “đầu tư”

Dù có trong tay 10 triệu, 20 triệu hay 30 triệu, bạn đều có thể nghĩ đến việc đầu tư. Nhưng đầu tư vào đâu để phù hợp với tầm nhìn và nhu cầu của bạn mới là điều quan trọng. Đối với việc đầu tư, đặc biệt là đầu tư dài hạn, giai đoạn bắt đầu tìm hiểu và chuẩn bị còn quan trọng hơn cả việc bạn có bao nhiêu để đầu tư.

Theo nghiên cứu của đại học MIT, bang Massachusetts - Mỹ, người lớn ở độ tuổi 25 có khả năng ghi nhớ tốt nhất, và khả năng này sẽ mai một dần từ 35 tuổi trở về sau. Vậy nên, bạn có thể bắt đầu với việc đầu tư vào việc tiếp tục học tập và rèn luyện kỹ năng trong giai đoạn tuổi trẻ của mình. Đó có thể là đăng ký học một ngôn ngữ mới, học kiến thức mới hoặc học các kỹ năng mềm.

Sau khi vững vàng về kiến thức, bạn có thể bước đầu lên kế hoạch với những khoản đầu tư nhỏ và an toàn như kinh doanh online hoặc đầu tư cùng bạn bè thay vì một mình,… Từ trải nghiệm tự tạo cho mình thói quen góp vốn để sinh những khoản lời nhỏ như trên, bạn sẽ dần tự tin để có thể mở rộng việc đầu tư của mình qua từng năm.

Khi đầu tư, lên kế hoạch và quan sát càng sớm thì khả năng thành công càng cao. Và chỉ cần bắt đầu những bước đầu lên kế hoạch cho việc đầu tư cũng sẽ đánh dấu cột mốc tài chính đáng tự hào nhất trong cuộc đời bạn.

5. Tự mua chiếc xe đầu tiên

Những bước ngoặt vừa qua liên quan chủ yếu đến việc kiếm tiền. Nhưng cách chi tiền cũng là “nửa kia” quan trọng trong “phương trình” tài chính của chính bạn.

Tự mua chiếc smartphone “xịn” đầu tiên, chiếc laptop đầu tiên hay chiếc xe đầu tiên…sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong quyết định chi tiêu của bạn, vì nhìn chung, đây là những khoản chi cần thiết – và tương đối giá trị. Và phần ý nghĩa chính khi đây là những khoản chi phí có thể hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn.

Trước đây mình dùng xe cũ của bố nên sắm riêng xe bằng tiền để dành là mục tiêu trong năm đầu ra trường của mình. Dù chiếc xe máy không có gì quá “khủng” nhưng mình cảm thấy tự lập khi không hoàn toàn dựa vào bố mẹ nữa.” Nguyên Khoa, Q. Tân Phú, hào hứng chia sẻ.

Cách bạn xoay xở để mua chiếc xe đầu tiên cũng sẽ phản ánh cách bạn sẽ mua các vật dụng giá trị tương đương trong tương lai. Bạn đã mua với số tiền mình đã tiết kiệm được? Mua trả góp dần mỗi tháng kèm lãi suất đi kèm? Hay mua lại chiếc xe người khác đã đi với chi phí rẻ hơn?

6. Tự mua ngôi nhà đầu tiên

Khi đã có gia đình nhỏ, hẳn mục tiêu tiếp theo của bạn sẽ là muốn ổn định trong căn nhà của chính mình. Dĩ nhiên không dễ để đạt được mục tiêu này trước 30 tuổi, nhưng không dễ không có nghĩa là không thể.

Hơn cả việc mua một chiếc xe, việc mua nhà đòi hỏi bạn phải có điều kiện tài chính cao ở mức nhất định. Vì vậy, bạn phải có sẵn trong tay ít nhất 30% tổng chi phí mua nhà để có thể vay mượn.Số tiền còn lại có thể vay mượn ngân hàng hoặc người thân trong gia đình. Điều này tương đương với việc bạn có trách nhiệm phải “thu hoạch” nhiều hơn và chi tiêu hợp lý hơn để trả khoản vay.

Cho đến khi bạn sở hữu ngôi nhà đầu tiên bằng chính nỗ lực, công sức của mình, bạn đã hoàn toàn làm chủ được cuộc sống. Dù bạn đã kết hôn hay đang tìm kiếm nửa kia, việc sở hữu một ngôi nhà là nền tảng quan trọng để xây dựng tổ ấm gia đình mới.

Bạn đã cán những cột mốc nào trong 6 mục tiêu tài chính này? Hãy tiếp tục lộ trình, đề ra mục tiêu cụ thể ở mỗi giai đoạn và khẳng định bản thân để làm nên những thành tựu trong cuộc sống!

Các tin tức khác

>   Áp lực phải tiêu tiền (13/10/2016)

>   Chính phủ yêu cầu tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm (13/10/2016)

>   Chủ thẻ Visa Ladies First của Sacombank được ưu đãi gì trong tháng tôn vinh phái đẹp? (13/10/2016)

>   Chuyển động ngầm trong ngân hàng trước mùa báo lãi quý 3 (13/10/2016)

>   Việt Nam cần 25 tỉ USD xử lý nợ xấu  (12/10/2016)

>   Giá vàng lình xình quanh ngưỡng 35.6 triệu đồng/lượng (12/10/2016)

>   Ngày 22-10 BIDV họp đại hội đồng cổ đông bất thường (12/10/2016)

>   3 ngân hàng cấp hạn mức tín dụng 850 tỷ đồng cho HMC (13/10/2016)

>   Được giữ chỗ 24h khi thanh toán vé máy bay qua Internet Banking của Sacombank (11/10/2016)

>   Giá vàng tăng nhẹ lên ngưỡng 35.7 triệu đồng/lượng (11/10/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật