Vinafood 2: 3 năm liên tiếp thua lỗ, 591 tỷ có nguy cơ mất trắng
Theo công bố thông tin gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp thua lỗ kể từ năm 2012 và liên tục chưa đạt kế hoạch đề ra. Đồng thời, Công ty còn có 591 tỷ đồng phải thu khó thu hồi.
Tình hình mua vào, bán ra Tổng công ty từ năm 2011-2015 đa số đều chưa đạt kế hoạch đề ra. Sản lượng gạo mua vào liên tục giảm, năm 2012 lượng mua vào đạt 3.5 triệu tấn và giảm 62% xuống 2 triệu tấn vào năm 2015. Kim ngạch xuất nhập khẩu không tính ủy thác xuất khẩu cũng giảm từ hơn 1.1 tỷ USD năm 2012 xuống chỉ còn 556 triệu USD năm 2015.
Tình hình mua vào - bán ra, XNK của Vinafood 2 giai đoạn 2012-2015
|
Từ năm 2012-2015, doanh thu của Tổng công ty giảm dần và luôn không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, doanh thu thuần năm 2015 đạt 22,750 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước; lỗ ròng sau thuế hơn 9 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 907 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2013 lỗ 268.5 tỷ đồng.
Kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2012-2015
|
Theo giải trình của Tổng công ty, nguyên nhân do thị trường xuất khẩu gạo gặp sự cạnh tranh khốc liệt. Đối với gạo cao cấp chủ yếu do Thái Lan chiếm thị phần lớn, Vinafood 2 gặp khó khăn trong chương trình thu mua lúa giá cao cho nông dân dẫn đến tồn kho lớn và phải hạ giá để xả hàng tồn kho. Đối với thị trường gạo cấp thấp, gặp phải sự cạnh tranh lớn từ gạo Ấn Độ.
Bên cạnh đó, một số nước dần chuyển từ nhập khẩu gạo theo hợp đồng tập trung sang hợp đồng thương mại nhỏ lẻ để cạnh tranh về giá cũng làm cho sản lượng nhập khẩu gạo theo hợp đồng tập trung của các nước này giảm, trong khi Vinafood 2 chủ yếu xuất khẩu dựa vào hợp đồng tập trung. Ngoài ra thị trường Trung Quốc phần nhiều nhập khẩu gạo theo đường tiểu ngạch, chứa đựng nhiều rủi ro hạn chế khả năng xuất khẩu gạo của Tổng công ty.
Ngoài ra, công tác quản lý công nợ phải thu chưa chặt chẽ, năng lực quản lý và điều hành của một số đơn vị trực thuộc còn nhiều hạn chế, đặc biệt một số đơn vị mua hàng không gắn với khả năng bán ra và nhu cầu thị trường, kéo theo hàng luân chuyển chậm, phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ đến hạn, gây áp lực thanh toán cho Công ty mẹ; công tác giám sát, kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc chưa thường xuyên và sâu sát; việc định hướng thị trường, quan hệ khách hàng, chủng loại hàng hóa và thời điểm mua vào bán ra còn hạn chế.
Tổng công ty cũng cho biết thêm, tình hình tài chính có thời điểm đứng trước nguy cơ tiệm cận với giới hạn không lành mạnh do kết quả kinh doanh năm 2014 tiếp tục thua lỗ. Sau kết luận của thanh tra chính phủ, một số ngân hàng thắt chặt hạn mức tín dụng khiến hoạt động kinh doanh càng khó khăn thêm.
591 tỷ khó có khả năng thu hồi
Tổng giá trị nợ xấu của Vinafood 2 tính đến 31/12/2015 hơn 591.5 tỷ đồng, đây là các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi. Điển hình như khoản nợ 156 tỷ đồng của CTCP Lương thực Hậu Giang, 142 tỷ đồng của Công ty TNHH XNK Thương mại Dịch vụ Võ Thị Thu Hà, 80 tỷ của Công ty TNHH MTV Hòa Tân Lộc và 77.5 tỷ của CTCP Thịnh Phát Kon Tum.
Vinafood 2 đã tiến hành khởi kiện các công ty nói trên nhưng đến thời điểm 31/12/2015, khoản công nợ này vẫn chưa được thu hồi.
Bên cạnh đó, các đơn vị kiểm toán cũng đưa ra hàng loạt ý kiếm kiểm toán ngoại trừ và vấn đề cần nhấn mạnh đối với các công ty tham gia hợp nhất với Vinafood 2, tiêu biểu như CTCP Tô Châu, CTCP Sài Gòn Lương thực, CTCP Lương thực Quảng Ngãi, CTCP Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long, CTCP Hoàn Mỹ, Công ty TNHH Lương thực Campuchia Việt Nam và CTCP Bao bì Bình Tây.
Về kết quả thoái vốn, tính đến 31/12/2015, Vinafood 2 đã hoàn tất thoái vốn 19/25 đơn vị, thu về hơn 395 tỷ đồng so với giá trị đã đầu tư 441.5 tỷ đồng. Tổng chi phí thoái vốn hơn 1 tỷ đồng, kết quả thoái vốn tính đến 31/12/2015 lỗ 46.5 tỷ đồng.
Tài liệu đính kèm:
TCTLTMN_2027-TCT-KHCL_31082016.pdf
|