Tăng cường kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản
Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản (thức ăn thủy sản) chiếm 60-80% tổng giá thành sản xuất nuôi trồng thủy sản. Trong bối cảnh diện tích nuôi công nghiệp, thâm canh/bán thâm canh ngày càng tăng, việc đầu tư sản xuất thức ăn thủy sản càng trở nên cấp thiết. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Trong tất cả các loại thức ăn thủy sản, lượng thức ăn viên, thức ăn tổng hợp vẫn không ngừng gia tăng (do mức độ tiện lợi và khả năng đáp ứng được số lượng lớn trong nuôi thâm canh). Cùng với sự gia tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, nhu cầu thức ăn thủy sản cũng tăng theo.
Việt Nam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thức ăn thủy sản ở trong nước. Tại thời điểm năm 2010, bình quân một năm sản xuất được 3.8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ là 4.5 triệu tấn, tức mới đáp ứng được 85% nhu cầu, 15% còn lại là thức ăn tự chế hoặc nhập khẩu trực tiếp.
Mặc dù lượng thức ăn sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn, nhưng nguyên liệu sản xuất lại chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, gồm: bột cá, bột mỳ, đỗ tương, vitamin, khoáng chất... Trong nước mới đáp ứng được hai nhóm nguyên liệu chính là ngô và sắn (còn bột cá và đỗ tương chiếm tỷ lệ rất thấp). Có thể nói, các nhà máy vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn. Đây chính là một khó khăn cho công tác kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản.
Việc đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, gia tăng diện tích nuôi, thâm canh/bán thâm canh đã kéo theo sự gia tăng sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất trong suốt quá trình nuôi. Tuy nhiên, việc sản xuất, cung ứng, sử dụng và quản lý đang còn nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Tổng cục Thủy sản và các cơ quan chức năng cho biết vẫn đang nỗ lực áp dụng các biện pháp quản lý nhằm kiểm soát hiệu quả chế phẩm sinh học, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Theo Nghị định 66/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm, khái niệm "thức ăn thủy sản" được mở rộng, bao gồm cả: Chế phẩm sinh học, vi sinh vật, khoáng chất, hóa chất (trừ hóa chất khử trùng, tiêu độc, sát trùng) dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Nghị định này đã quy định rõ cơ sở được phép đầu tư sản xuất, gia công thức ăn thủy sản phải có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản hoặc công nghệ thực phẩm; phải có tường rào ngăn cách với bên ngoài; khu vực sản xuất bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều, tách biệt giữa các khu vực (khu nguyên liệu đầu vào, khu sản xuất, khu sản phẩm cuối cùng).
Đối với hoạt động buôn bán thức ăn thủy sản, phải có kho, thiết bị, dụng cụ để bảo quản sản phẩm. Có nơi bày bán thức ăn thủy sản tách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại; phòng, chống côn trùng, động vật gây hại./.
|