Thứ Tư, 07/09/2016 10:26

HVG: Đâu là những điểm cần chú ý khi đầu tư

Hoạt động kinh doanh của CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) đã có sự chuyển mình ấn tượng trong thời gian gần đây với những con số kinh doanh ấn tượng cùng các dự án đầu tư mở rộng với quy mô lớn. Tuy nhiên, đi cùng với sự khởi sắc đó vẫn còn những điểm cần chú ý khi đầu tư vào cổ phiếu này.   

 

Năm 2015 được xem là một năm thành công của HVG khi hoạt động kinh doanh của công ty này liên tục gặt hái được những kết quả khả quan. Theo đó, doanh thu hợp nhất năm 2015 của HVG đạt 12,444 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế cũng đạt con số ấn tượng với 141 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 cũng rất khả quan với doanh thu hợp nhất đạt 15,049 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, tăng gấp 3.8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Với những kết quả kinh doanh khả quan như vậy, giới đầu tư có quyền hy vọng vào một bức tranh tươi sáng đối với HVG. Tuy nhiên, đi kèm với những con số doanh thu và lợi nhuận ấn tượng đó thì giới đầu tư vẫn cần phải chú ý đến:

Doanh thu tăng trưởng nhưng khoản phải thu cũng “không hề kém cạnh”. Tính đến cuối quý 3/2016, khoản phải thu ngắn hạn của HVG đạt 7,406 tỷ đồng, tăng mạnh 21.6% so với đầu năm. Hiện nay khoản phải thu ngắn hạn của HVG đã chiếm đến 46% tổng tài sản và tập trung chủ yếu ở khoản phải thu khách hàng với tỷ trọng lên đến 41% tổng tài sản, tương ứng với giá trị 6,665 tỷ đồng vào cuối quý 3/2016.

Khoản phải thu khách hàng của HVG tập trung chủ yếu ở khách hàng trong nước với 4,933 tỷ đồng và phải thu từ khách hàng nước ngoài với 1,732 tỷ đồng.

Cùng với sự gia tăng mạnh của khoản phải thu, khoản mục dự phòng nợ phải thu khó đòi cũng là một vấn đề cần lưu ý của HVG khi kể từ năm 2011, dự phòng nợ phải thu khó đòi đã liên tục tăng trưởng mạnh và hiện nay đang dừng ở mức 354 tỷ đồng tại cuối quý 3/2016. Trong đó, khoản dự phòng đối với các khoản phải thu từ khách hàng nước ngoài lên đến 289 tỷ đồng, chiếm đến 82% chi phí dự phòng phải lập.

Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản. Tính đến cuối quý 3/2016, hàng tồn kho của HVG đạt 4,529 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng tồn kho của HVG đã tăng rất mạnh trong những năm trở lại đây và hiện nay đã chiếm đến hơn 28% tổng tài sản.

Với tốc độ tăng trưởng khá nhanh, việc HVG tích trữ lượng hàng tồn kho lớn cũng là điều khá dễ hiểu. Tuy vậy vẫn cần chú ý đến khoản mục này khi dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng có sự gia tăng trong thời gian qua, từ mức 3.8 tỷ đồng (2014) lên mức 27.9 tỷ đồng (2015) và hiện đang dừng tại mức 24.7 tỷ đồng vào cuối quý 3/2016.

 

Sự mở rộng đầu tư đi kèm với áp lực nợ vay ngày càng tăng cao. Điểm đáng lo ngại nhất trong hoạt động kinh doanh của HVG đến từ sự mở rộng đầu tư đi kèm với sự tăng trưởng mạnh của các khoản nợ vay khi các khoản mục này đã liên tục tăng mạnh trong những năm qua.

 

Cụ thể, nợ phải trả của HVG đã liên tục gia tăng từ mức 3,804 tỷ đồng vào cuối năm 2012 lên mức 12,617 tỷ đồng vào cuối quý 3/2016 với mức tăng bình quân CAGR lên đến 40.8%.

Hiện tổng nợ phải trả/ tổng tài sản là 0.78 lần và nợ vay/ tổng tài sản là 0.53 lần. Nợ phải trả tập trung chủ yếu ở nợ ngắn hạn với 11,577 tỷ đồng, chiếm 72% nguồn vốn kinh doanh. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính chiếm tỷ trọng cao nhất với 7,540 tỷ đồng. Các khoản vay nợ ngoại tệ cũng chiếm một tỷ trọng nhất định trong cơ cấu nợ vay của HVG với tỷ trọng 12.3%, tương ứng với hơn 876 tỷ đồng.

Bên cạnh sự tăng trưởng của nợ phải trả ngắn hạn, HVG cũng đẩy mạnh vay nợ dài hạn. Theo đó, đến cuối quý 3/2016, nợ dài hạn đạt 1,040 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn vốn nợ của HVG gia tăng chủ yếu để tài trợ hoạt động M&A với các doanh nghiệp trong ngành cùng với việc đẩy mạnh mở rộng dự án và đầu tư vào tài sản cố định. Cụ thể, HVG đã gia tăng tỷ lệ sở hữu đối với CTCP Thức Ăn Chăn Nuôi Việt Thắng (OTC:VTF), CTCP Thực Phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) và CTCP Trang Corp (HNX: TFC). Cùng với đó là việc thành lập thêm hai công ty con là CTCP Hùng Vương Sông Đốc và CT TNHH Chế Biến Thủy Sản Hùng Vương Bến Tre.

Ngoài ra, vào cuối tháng 7 vừa qua HVG còn chi 15 triệu USD để thâu tóm Russian Fish với mức sở hữu 51% vốn cùng việc đẩy mạnh mở rộng dự án nuôi heo nghìn tỷ đồng thông qua việc nhập 750 con heo giống cụ kỵ (GGP) từ Đan Mạch cùng các hoạt động đầu tư mua sắm tài sản cố định kèm theo.

Năm 2015, HVG đã đưa ra kế hoạch chi trả cổ tức 30% với mức chi trả cổ tức tiền mặt 10% và mức chi trả cổ tức cổ phiếu 20%. Tuy vậy. với việc thiếu hụt nguồn vốn thì HVG đã từ chối chi trả cổ tức bằng tiền với mức chi trả 10% như kế hoạch và chỉ thực hiện chi trả cổ tức cổ phiếu với mức chi trả 20%.

Áp lực nợ vay của HVG nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm khi HVG còn dự kiến thực hiện phát hành thêm 1,000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi nhằm bổ sung vốn cho các hoạt động đầu tư của công ty trong năm 2016.

Sự gia tăng mạnh nợ vay đã tạo áp lực đáng kể lên chi phí lãi vay của doanh nghiệp khi chi phí lãi vay chỉ trong 9T/2016 đã lên mức 345 tỷ đồng, tăng 44.7% so với cả năm 2015. Năm 2015, việc tăng mạnh chi phí lãi vay đã khiến các chỉ số sinh lời của HVG giảm đi đáng kể. Tín hiệu đáng mừng là các chỉ số này đã cải thiện tích cực hơn trong 9T/2016. Dù vậy, thì chi phí tài chính (lãi vay, tỷ giá), cũng như áp lực trả nợ gốc vẫn là điều cần chú ý khi đầu tư vào HVG.

Kết luận: Dù kết quả kinh doanh của HVG đã có những chuyển biến khả quan, tuy nhiên những nỗi lo về chất lượng khoản phải thu, hàng tồn kho, cũng như những áp lực về tài chính là những vấn đề mà giới đầu tư cần phải cân nhắc khi đầu tư vào cổ phiếu này.

Hiện tại HVG đang ở mức giá 9,700 đồng/cp, và giao dịch quanh mức P/E là 18.03 lần và P/B là 0.79 lần./.

Các tin tức khác

>   AAA: Nghị quyết HĐQT (01/09/2016)

>   STT: BCTC Tóm tắt quý 2 năm 2016 (01/09/2016)

>   STT: Nửa đầu năm 2016 tiếp tục lỗ hơn 4.4 tỷ đồng (05/09/2016)

>   SDI: Giải trình BCTC bán niên soát xét 2016 (01/09/2016)

>   NAG: Giải trình chênh lệch LNST tại BCTC bán niên 2016 (01/09/2016)

>   MDC: Giải trình chênh lệch LNST tại BCTC bán niên 2016 (01/09/2016)

>   VC9: Báo cáo cơ quan cấp trên bán niên soát xét năm 2016 (kiểm toán) (01/09/2016)

>   VCB: Ngày đăng ký cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản - Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền và Phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (01/09/2016)

>   PEN: Báo cáo tài chính bán niên 2016 của văn phòng công ty (01/09/2016)

>   FLC: BCTC Soát xét 6 tháng đầu năm 2016 (01/09/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật