Hanjin và những hệ lụy cho doanh nghiệp Việt
Mỗi ngày chi phí để duy trì cho đội tàu gồm 141 con tàu (97 tàu container và 44 tàu chở hàng rời) mất khoảng hai triệu đô la Mỹ. Nên sau khi tuyên bố phá sản và nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Hàn Quốc và 40 quốc gia khác thì việc mau chóng trả lại tàu cho chủ tàu Hanjin sẽ giảm bớt dần tình trạng ngày càng phát sinh nhiều chi phí, theo tin từ TBKTSG.
Sự việc của Hanjin đang làm cho giá cước vận tải biển hàng container quốc tế nhất thời tăng lên. Ảnh: Reuters
|
Tuy nhiên, sự việc không đơn giản vậy. Rất nhiều tàu của Hanjin đang nằm tại cảng đã bị bắt giữ nhằm trừ nợ các chi phí. Một số tàu khác bị từ chối cho cập cảng bởi e ngại chi phí phát sinh thêm nhiều và không biết phải đòi ai. Một số tàu do sợ bị bắt giữ nên không thể vào các cảng để dỡ hàng mà phải chịu số phận lênh đênh ngoài biển. Cùng với những con tàu không thể hoạt động đó là một số lượng hàng hóa lớn không thể được giao cho các nhà máy để đưa vào sản xuất hay buôn bán được. Thiệt hại rất lớn đã xảy ra.
Theo số liệu ngày 19/9/2016 thì có 12 tàu container của Hanjin bị bắt giữ, hoặc cấm rời khỏi cảng. Có 18 tàu đã thông báo trả về cho chủ tàu hoặc chủ tàu lấy lại, nhưng tàu vẫn nằm chờ xử lý hàng hóa đang chở trên tàu. Số còn lại thì đang trên đường đi hoặc nằm chờ rải rác khắp các cảng trên thế giới. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Hanjin Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam có khoảng 1,516 container nhập khẩu đang ở các bến cảng, 432 container nhập khẩu đang ở kho của khách hàng, 1,323 container xuất khẩu đang ở cảng trung chuyển hoặc ở trên tàu liên quan đến hợp đồng với Hanjin.
Một doanh nghiệp nhập khẩu tại miền Trung nhập khẩu từ Mỹ một container hàng đông lạnh có giá trị khá lớn. Tàu đang trên đường về đến gần cảng Malaysia thì có tin Hanjin phá sản. Cảng Malaysia không nhận tàu vào cập cảng để dỡ hàng theo kế hoạch. Các cảng tiếp theo trong lộ trình của tàu cũng từ chối tiếp nhận tàu vào cảng dỡ hàng. Tàu phải nằm chờ ngoài vùng neo. Doanh nghiệp này phải mua lại một đơn hàng khác, trong khi chờ container hàng tiếp theo về thì phải tạm dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Doanh nghiệp bị khách hàng phàn nàn, đe dọa hủy hợp đồng. Đó là chưa kể hàng đông lạnh nằm quá lâu trên tàu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, nguy cơ hư hỏng khá cao.
Một doanh nghiệp khác tại quận Tân Bình, TPHCM cũng gặp tình trạng tương tự khi 12 container nguyên liệu của họ trên tàu của Hanjin đang lênh đênh trên biển. Tàu không dám vào cảng dỡ hàng vì sợ bị bắt tàu, sợ bị giam luôn lượng hàng hóa trên tàu. Mấy ngày nay, doanh nghiệp rất lo lắng, lo phải đóng cửa, phải cho công nhân nghỉ việc.
Có doanh nghiệp được phép lấy hàng thì các cảng buộc họ phải đặt cọc tiền phí dù trước đó họ đã đóng đủ cho chủ tàu. Điều này làm cho chi phí bất ngờ bị đội lên.
Không chỉ hàng nhập khẩu bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp đã bị phía đối tác than phiền do chậm giao hàng khi hàng của họ đã chuyển ra cảng, đã vào container nhưng lại phải rút hàng ra đóng vào container của hãng tàu khác (không phải là Hanjin). Chi phí phát sinh khoảng 8-10 triệu cho mỗi container hàng. Có doanh nghiệp thậm chí bị hủy hợp đồng, mất khách hàng bởi tình trạng này.
Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy các doanh nghiệp hội viên có khoảng 100 container hàng thủy sản đang được Hanjin vận chuyển và chưa biết số phận ra sao.
Đó chưa phải là tất cả, sự việc của Hanjin cũng sẽ là nguy cơ đưa doanh nghiệp xuất/nhập khẩu vướng vào các thủ tục pháp lý. Các hợp đồng luôn có điều khoản về thời hạn giao hàng, chất lượng hàng hóa được giao, trong khi họ vẫn chưa thực sự biết được khi nào các container hàng hóa của mình được giao, và khi giao thì chất lượng có còn được như lúc đầu không.
Các doanh nghiệp đại lý vận tải biển cũng chịu nhiều thiệt hại bởi đối tác từ chối không hợp tác nữa do chính họ cũng khó khăn. Có trường hợp áp đặt và đổ lỗi cho doanh nghiệp đại lý không uy tín, không chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Có doanh nghiệp đại lý đã phải chịu bỏ tiền túi của mình ra để rút lại hàng trong container đã đóng để đóng lại vào container khác mà không dám báo cho nhà xuất khẩu chia sẻ.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho Hanjin cũng chịu nhiều khó khăn khi nợ của Hanjin lên đến nhiều tỉ đồng. Các cảng có tàu Hanjin ghé qua cũng bị nợ nhiều ngàn đô la Mỹ như VICT bị Hanjin nợ 80,000 đô la Mỹ, cảng Hải Phòng bị Hanjin nợ 67,000 đô la Mỹ...
... đọc tiếp tại đây
|