ĐHĐCĐ JVC: Chưa thể đặt kỳ vọng quá xa trong tương lai
Ngày 30/09, CTCP Thiết Bị Y Tế Việt Nhật (HOSE: JVC) đã
tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016 để thông qua kế hoạch kinh doanh năm
2016 và bầu cử thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2016- 2021.
ĐHĐCĐ của JVC diễn ra sáng ngày 30/09
|
Theo đó, trong năm 2016, JVC dự kiến doanh thu đạt 432 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2015, lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 2 tỷ đồng.
Cùng với các chỉ tiêu kế hoạch đưa ra, HĐQT cũng đề ra một loạt các giải pháp để khắc phục tình trạng hiện tại của Công ty và những hệ lụy tồn tại sau khi ông Lê Văn Hướng – nguyên Chủ tịch HĐQT của JVC đang bị tạm giam. Theo đó, JVC sẽ tái cấu trúc toàn bộ Công ty, lập các bộ phận chuyên trách, vận hành theo cơ chế mới, rõ ràng về hoạt động và cơ chế đãi ngộ. Bên cạnh đó, JVC cũng sẽ xúc tiến các dự án cuối năm 2016 và đầu năm 2017.
Theo ban lãnh đạo JVC, khó khăn lớn nhất mà Công ty đang phải đối mặt là bị suy giảm niềm tin từ khách hàng, hình ảnh công ty bị tổn hại do những ảnh hưởng từ vụ việc của lãnh đạo cũ, bên cạnh đó tình hình tài chính của Công ty sau khi được soát xét lại cho thấy nhiều vấn đề.
Ông Đỗ Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT của JVC chia sẻ bên lề, việc trước mắt cần làm của JVC là làm trong sạch tài chính Công ty và khắc phục tình trạng tài chính hiện tại. Do đó, chưa thể đặt kỳ vọng kế hoạch quá xa trong những năm tới mà chỉ có thể đi từng bước một.
Tại đại hội, HĐQT cũng trình lên và được cổ đông thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng số tiền 750 tỷ đồng thu từ đợt phát hành tháng 10/2014. Theo đó, trong số 750 tỷ đồng, JVC chi đầu tư 110 tỷ đồng vào hoạt động kinh doanh mới (trung tâm kỹ thuật cao), trả nợ vay ngắn hạn và dài hạn gần 364 tỷ đồng và sử dụng chi phí khác hơn 246.7 tỷ đồng.
HĐQT JVC cho biết, thực chất tiền thu đã được sử dụng hết, HĐQT chỉ căn cứ theo việc đã thực hiện để điều chỉnh lại mục đích sử dụng cho phù hợp. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang rà soát làm rõ trách nhiệm về việc sử dụng sai mục đích, quy trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề đã diễn ra lâu, việc lục lại sẽ cần thời gian để giải quyết.
Làm rõ trách nhiệm của ban lãnh đạo cũ trong thiệt hại của JVC
Đại hội cũng đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2015 của JVC với doanh thu thuần 507 tỷ đồng, giảm 49% so với thực hiện năm 2014. Theo đó, JVC ghi nhận khoản lỗ hơn 1,300 tỷ đồng. Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, tổng giá trị tài sản của JVC chỉ còn 842 tỷ đồng, giảm 67% so với năm 2014.
Theo lý giải từ phía JVC, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả sụt giảm năm 2015, là do chi phí doanh nghiệp tăng mạnh lên mức 1,159 tỷ đồng, trong đó phải trích lập dự phòng cho các khoản công nợ phải thu 1,125 tỷ đồng, trích lập các khoản công nợ liên quan đến giao dịch của Công ty với lãnh đạo tiền nhiệm khoảng 594 tỷ đồng. Bên cạnh đó chi phí tài chính cũng tăng lên mức 134 tỷ đồng do trích lập 100% giá trị các khoản đầu tư vào các công ty con (gần 111 tỷ đồng).
Liên quan đến các khoản dự phòng lớn của Công ty, cổ đông đã có nhiều câu hỏi yêu cầu HĐQT làm rõ về việc trích lập giảm giá hàng tồn kho và xóa sổ hàng thiếu; trích lập dự phòng trả trước cho người bán và các khoản phải thu khác.
Ông Đỗ Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT của JVC cho biết việc thất thoát hàng tồn kho và hàng thiếu được trích lập đúng với thực tế của Công ty, nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra tình trạng hàng thiếu là bởi cơ chế hoạt động, kiểm soát của Công ty trong thời kỳ ban lãnh đạo trước lỏng lẻo và không có hệ thống nên mới dẫn đến tình trạng trên.
Đối với khoản trích lập dự phòng trả trước cho người bán, đây là các khoản mà JVC đã chuyển tiền và có giấy tờ chuyển tiền của Ngân hàng cho đối tác, tuy nhiên phía đối tác (các công ty bên Nhật) chưa chuyển thiết bị về cho JVC. Hiện nay, ban lãnh đạo đang phối hợp với luật sư để làm rõ vấn đề với các bên. Tuy nhiên hiện đối tác phía bên Nhật chưa có xác nhận và thông tin cụ thể việc chuyển thiết bị giữa hai bên. Được biết, hai khoản trả trước bên thứ 3 của JVC hiện được trích lập lớn nhất gồm hơn 190 tỷ đồng cho JWB Co., Ltd và hơn 28 tỷ đồng cho Nishimura Medical Instrument.
Liên quan tới khoản trích lập khác hơn 110 tỷ đồng mảng liên doanh liên kết và các thiết bị, ông Tùng cho biết trong số này có khoản trích lập liên quan đến CTCP Triết Tôn Tiên. Theo quy trình, khi nhận được tiền từ đối tác mua sản phẩm, Triết Tôn Tiên sẽ phải thanh toán tiền cho JVC, tuy nhiên đơn vị này lại không thực hiện thanh toán kéo dài. Hiện nay, Triết Tôn Tiên cũng đang thuộc diện công ty bị điều tra liên quan đến lãnh đạo cũ nên khả năng thanh toán chưa thể xác định.
Tại đại hội, cổ đông cũng đã tiến hành bầu cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới gồm:
- Ông Phạm Quang Huy (hiện đang là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty thiết bị y tế Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Vận tải Dầu khí Cửu Long (PCT)) – được đề cử chức vụ Chủ tịch HĐQT của JVC.
- Ông Nguyễn Thế Hướng (hiện là Trưởng phòng Tài chính và quản lý rủi ro Quỹ đầu tư Việt Nam)
- Ông Nguyễn Mạnh Cường
- Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (đang là Trưởng BKS CTCP Đầu tư Nam Long)
- Bà Lê Thị Hà Thanh
Các thành viên trúng cử BKS gồm 3 thành viên:
- Đào Mạnh Hùng
- Ngô Văn Hùng
- Đặng Thị Hà Giang
Theo chia sẻ bên lề của ông Tùng, 4 trong 8 thành viên tham gia vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2016-2021 của JVC được đề cử bởi Quỹ DI Asian Industrial Fund, L.P (quỹ DI). Ông Tùng cũng cho biết quỹ DI đã hỗ trợ JVC rất nhiều sau khủng hoảng, trong việc giữ các đối tác bên Nhật tiếp tục hợp tác cùng JVC, giữ mối quan hệ cung cấp thiết bị và đưa ra phương hướng giải quyết thích hợp để khôi phục lại hoạt động của Công ty. /.
|