Cổ đông Hoa Sen thông qua dự án luyện cán thép 10 tỷ USD tại Ninh Thuận
Dự án luyện cán thép 10 tỷ đô tại Ninh Thuận đã được ĐHĐCĐ bất thường của Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) sáng 06/09 thông qua. Chủ tịch Lê Phước Vũ cho rằng hiện tại chính là thời điểm vàng để đầu tư sản xuất thép. Trung Quốc đang bị đánh chống bán phá giá, còn những quốc gia thay thế hiện tại như Mexico lại không kịp sản xuất để đáp ứng nguồn cung.
“Phải làm nhanh, nếu chậm trễ một hai năm, sẽ không còn làm được nữa” – ông Vũ khẳng định về dự án tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.
Trước cơn bão về môi trường còn chưa nguôi tại Formosa, dự án thép Hoa Sen với thời gian dự kiến đi vào hoạt động của phân kỳ I.1 là tháng 7/2018, đã dấy lên những làn sóng nghi ngờ, hoang mang trong dư luận. Về phía người trong cuộc, ông Vũ cho rằng vấn đề môi trường sẽ được kiểm soát và Hoa Sen cam đoan không đi vào vết xe đổ của Formosa.
“Ninh Thuận là vùng khô hạn, vậy lấy nước đâu ra để làm dự án?” là câu hỏi được cổ đông đưa ra tại đại hội. Trả lời vấn đề này, ông Vũ cho biết tỉnh đã cam kết có đủ nước, thậm chí đường nước đã được kéo đến dự án. Ngoài ra, công nghệ xử lý nước biển đã được thế giới dùng nhiều rồi, điển hình như dự án hơn 20 triệu tấn của POSCO hay nhà máy thép tại Quảng Tây - Trung Quốc, tất cả đều lấy từ nước biển. Vậy trong kịch bản xấu nhất, Hoa Sen chấp nhận thêm tiền đầu tư sử dụng nước biển để tiếp tục vận hành dự án.
Liên quan đến công nghệ sử dụng cho dự án thép tỷ đô, Chủ tịch HSG cho biết đến 90% các dự án trên thế giới đến từ công nghệ Trung Quốc và mấu chốt hậu quả tại Fomorsa không phải do công nghệ mà chính là hai tiếng “trách nhiệm”. Với dự án của Hoa Sen, "công nghệ Trung Quốc hay Châu Âu, chuyện đó tính sau”. Song, ông Vũ cho biết thêm: “Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị và 90% dự án thép thế giới đều dùng của Trung Quốc. Còn nếu nhập từ châu Âu thì làm gì có lời”.
Cũng giải đáp băn khoăn của cổ đông về dòng tiền cho dự án, HSG cho biết sẽ sử dụng gần 18% vốn tự có, còn lại sẽ huy động từ các tổ chức tín dụng (Trước đó, tại buổi hội thảo xúc tiến đầu tư tại Ninh Thuận vào những ngày cuối tháng 08/2016, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã ký hỗ trợ vốn vay cho HSG là 500 triệu USD).
Ông Vũ cho biết, nếu dự án này đúng theo kế hoạch sản xuất 16 triệu tấn thép, lợi nhuận tạo ra sẽ là 8 – 10 tỷ USD hàng năm.
Một lý do cốt lõi được ông Vũ đề cập đến việc đẩy nhanh tiến độ dự án thép là bởi Hòa Phát (HPG) quý vừa qua lãi 2,000 tỷ đồng thì tại sao Hoa Sen không nhảy vô chia phần?
|