Ba dự án công nghiệp tỷ “đô” vẫn đợi nhà thầu Trung Quốc
Vneconomy đưa tin, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) vừa công bố nội dung thoả thuận giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành.
Một góc dự án Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông.
|
Về hợp tác công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc tích cực phối hợp, chỉ đạo các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang là tổng thầu EPC một số dự án như nhà máy đạm từ than cám Ninh Bình, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và dự án Alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư Việt Nam giải quyết các vướng mắc, tồn tại các dự án nêu trên.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các dự án nêu trên đều là các dự án quan trọng trong hợp tác công nghiệp song phương, đồng thời cũng là các dự án được người dân và dư luận Việt Nam đặc biệt quan tâm.
“Việc giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc để đưa các dự án vào vận hành đảm bảo chất lượng, hiệu quả là trách nhiệm quan trọng của cả Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất giữa hai bên trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cho biết sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam đôn đốc các doanh nghiệp hai bên khẩn trương giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại tại các dự án nêu trên, mong muốn sẽ có những bước tiến triển thực chất tại các dự án này để thông tin cho nhau trong các cuộc gặp lần sau giữa hai bộ trưởng.
Thực tế, đây đều là các dự án có mức vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, kéo dài từ thập kỷ trước, nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán được phía nhà thầu Trung Quốc.
Trong đó, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 có vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng đang "đắp chiếu", dự án Đạm Ninh Bình có vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng đã thua lỗ 2.700 tỷ đồng, dự án Alumin Nhân Cơ hơn 13.000 tỷ đồng vừa xảy ra sự cố tràn bùn chứa hoá chất ra môi trường...
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn đề nghị phía Trung Quốc tạo thuận lợi cho hàng hoá, nông sản, thuỷ sản của Việt Nam.
Ông Cao Hổ Thành khẳng định, Trung Quốc không theo đuổi chính sách nhập siêu, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, giảm nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.
Năm 2015, tổng kim ngạch thương Việt Trung đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014. 7 tháng năm 2016, đạt 38,2 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 10,85 tỷ USD, nhập khẩu 27,3 tỷ USD.
Ngoài ra, hai bên đã ký bản ghi nhớ về danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất Việt Nam - Trung Quốc gồm 36 dự án trong các lĩnh vực dệt may, gia công chế biến hàng nông sản, sản xuất lắp ráp linh phụ kiện ôtô…
Đồng thời, tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm sữa, thịt lợn, một số loại trái cây, sản phẩm nông sản, thủy sản... của Việt Nam xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc.
Hai bên đã ký Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc sau hơn một năm đàm phán thay thế cho hiệp định năm 1998, thúc đẩy thương mại song phương biên giới ổn định, lành mạnh.
http://vneconomy.vn/thoi-su/ba-du-an-cong-nghiep-ty-do-van-doi-nha-thau-trung-quoc-2016091709292568.htm
|