Vén màn “góc tối” đằng sau bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm
Theo thống kê của Vietstock, toàn thị trường niêm yết có khoảng 688 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2016 với 90% trong số đó ghi nhận kinh doanh có lãi nửa đầu năm. Nhưng đằng sau bức tranh hào nhoáng ấy vẫn còn thấp thoáng những góc tối với các khoản lỗ khủng được hé lộ.
CTCP Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) bất ngờ báo lỗ trong 6 tháng đầu năm lên đến 1,073 tỷ đồng (đứng đầu danh sách các công ty thua lỗ nửa đầu năm), ăn mòn 75% vốn điều lệ của công ty này. Theo đó, doanh thu của TTF ở mức 883 tỷ trong khi giá vốn lên đến 1,690 tỷ khiến công ty lỗ gộp hơn 806 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ khủng của TTF là do đơn vị kiểm toán đã phát hiện thiếu gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho và điều chỉnh trích lập dự phòng đối với khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lên 258 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2016.
Sau biến cố “sai lệch nghiêm trọng thông tin”, giá cổ phiếu TTF đã giảm sàn 22 phiên liên tục kể từ ngày 19/07 đến nay, “bốc hơi” gần 80% giá trị khi giảm từ 43,600 đồng xuống chỉ còn 9,300 đồng chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Sở GDCK Tp.HCM đã có thông báo và quyết định đưa cổ phiếu TTF vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 09/08 và bổ sung cổ phiếu TTF vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện ký quỹ. Đến ngày 12/08, ông Võ Trường Thành chính thức rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT của TTF sau hơn 20 năm chèo lái, đồng thời hàng loạt nhân sự cấp cao của Công ty cũng được “thay máu”. Bà Vũ Tuyết Hằng, nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup (VIC) trở thành tân Chủ tịch HĐQT TTF từ ngày 13/08/2016.
Một số chỉ tiêu tài chính của Top công ty có lỗ ròng và lỗ lũy kế lớn nhất nửa đầu năm
Triệu đồng
(*) Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2016
|
Cũng trong hoàn cảnh thua lỗ do phải trích lập dự phòng, CTCP Tập Đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) bất ngờ báo lỗ hơn 436 tỷ đồng nửa đầu năm (năm 2015 lãi 620 tỷ đồng). Riêng trong quý 2/2016, chi phí quản lý của công ty tăng đột biến lên gần 460 tỷ đồng đã khiến OGC chịu lỗ hơn 492 tỷ đồng. Theo giải trình, công ty phải trích lập dự phòng phải thu quá hạn thanh toán trong 6 tháng đầu năm hơn 413 tỷ đồng. Được biết, tại thời điểm cuối quý 2, OGC có khoản phải thu ngắn hạn tới 2,276 tỷ đồng và công ty đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 2,509 tỷ đồng.
Một thành viên của Tập đoàn Đại Dương là CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (HNX: OCH) cũng vừa công mức lỗ hơn 94 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, do phải chịu chi phí lãi vay hơn 82 tỷ đồng (tăng 14%) và trích lập giảm giá kinh doanh chứng khoán 17 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần tăng 37% so với nửa đầu năm 2015, đạt 379 tỷ đồng nhưng không bù đắp được gánh nặng chi phí.
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) cũng là gương mặt bất ngờ báo lỗ lớn trong nửa đầu năm với khoản lỗ gần 350 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân giảm sút hoạt động kinh doanh do giảm mạnh doanh thu (24%) và lãi gộp (58%), PPC còn phải gánh chịu khoản lỗ tỷ giá gần 673 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm do đồng Yên tăng giá (cùng kỳ năm trước lãi 368 tỷ đồng). Tính đến giữa năm, số dư nợ vay hợp đồng vay dài hạn của EVN (Công ty mẹ vay lại hợp đồng vay vốn của JBIC) còn lại là 22.2 tỷ JPY, PPC đã đánh giá lại các khoản nợ vay có gốc ngoại tệ để trích lập chênh lệch tỷ giá.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, CTCP Chứng khoán NHNN & PTNT Việt Nam - Agriseco (HOSE: AGR) cũng ghi nhận mức lỗ lên tới 205 tỷ đồng, gần "hoàn thành" kế hoạch lỗ cả năm mà cổ đông thông qua (lỗ 219 tỷ đồng) và là công ty chứng khoán có mức lỗ cao nhất trong kỳ. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Agriseco đã trích lập dự phòng tới gần 155 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016 do giá trị khoản đầu tư vào cổ phiếu HNG theo giá thị trường đã giảm từ 275 tỷ xuống còn hơn 60 tỷ đồng.
Tương tự như AGR khi đặt kế hoạch lỗ cho năm 2016 (hạn chế tối đa lỗ), CTCP Vận tải biển Việt Nam (HOSE: VOS) tiếp tục lỗ ròng 126 tỷ trong nửa đầu năm (cùng kỳ lỗ 188 tỷ). Doanh thu thuần trong kỳ của VOS giảm 14% xuống 680 tỷ đồng, công ty lỗ gộp 24 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước cũng lỗ gộp 13 tỷ đồng). Riêng trong quý 2/2016, VOS lỗ 80 tỷ đồng, là quý thứ 6 thua lỗ liên tiếp của công ty này.
Những công ty bất ngờ báo lỗ khủng trong nửa đầu năm đồng thời cũng là những gương mặt nằm trong top doanh nghiệp niêm yết có lỗ lũy kế lớn nhất trên thị trường.
Top 10 công ty có lỗ lũy kế lớn nhất tính đến thời điểm 30/06/2016
Tỷ đồng
|
Hiện Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) đang dẫn đầu về lỗ lũy kế với mức gần 2,900 tỷ đồng, tiếp theo đó là OGC 2,240 tỷ, TTF 1,082 tỷ, OCH 989 tỷ, Eximbank 757 tỷ, AGR 320 tỷ đồng,…
Riêng với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (HOSE: EIB), mặc dù không bị thua lỗ trong nửa đầu năm nhưng do điều chỉnh từ những khoản lỗ chưa được giải quyết từ năm 2010-2013 khiến lỗ lũy kế đến giữa năm của nhà băng này lên đến 757 tỷ đồng. Eximbank cũng là ngân hàng niêm yết duy nhất có lỗ lũy kế đến thời điểm này. Bên cạnh đó, Eximbank cũng đang đối mặt hàng loạt các vấn đề trong nửa đầu năm khi cho vay khách hàng giảm, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 1.9% lên 5.3%. Chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 4 lần lên 661 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này “bốc hơi” hơn 86%, chỉ còn 60 tỷ đồng./.
|