Trung Quốc cho vay 300 triệu USD làm cao tốc: Vì sao Quảng Ninh từ chối?
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản đề xuất Chính phủ giao tỉnh làm chủ đầu tư Dự án (DA) đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Dự kiến tỉnh sẽ thực hiện DA theo hình thức BOT, thời gian thu phí để hoàn vốn dưới 30 năm. Theo các chuyên gia, khi xây dựng dự án BOT cần nghiên cứu kỹ, tránh tình trạng từng xảy ra với các BOT đã và đang thực hiện.
Thi công cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, một đoạn tuyến trong toàn tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái. Ảnh : Hùng Sơn
|
Đề xuất giao Quảng Ninh là chủ đầu tư
Trong văn bản vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị được giao làm chủ đầu tư DA. Theo đó, tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái thuộc quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 do Thủ tướng phê duyệt năm 2008.
Để tạo tỉnh này chủ động huy động vốn đầu tư, Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện DA và nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương theo hình thức BOT (tại văn bản số 9317/VPCP-KTN, tháng 11/2014). Quảng Ninh đã và đang thi công tuyến Hạ Long – Vân Đồn dự kiến hoàn thành vào cuối 2017.
“Nguồn vốn đầu tư dự án rất lớn. Nếu thực hiện theo hình thức BOT cần thành lập hội đồng xem xét công khai, minh bạch để chuyên gia góp ý kiến và cơ quan chức năng xem xét”.
TS Lê Đăng Doanh,
nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý
kinh tế Trung ương
|
Với DA Vân Đồn-Móng Cái, Bộ GTVT có văn bản (ngày 26/1/2016) đề nghị Thủ tướng giao cho tỉnh Quảng Ninh đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để đầu tư. Tỉnh Quảng Ninh đồng ý với đề xuất này. Tuy nhiên, đến nay DA chưa được triển khai. Theo tỉnh Quảng Ninh, nếu đầu tư bằng nguồn vốn ODA sẽ rất lâu, không hoàn thành trước năm 2020 như kế hoạch.
Trên cơ sở đồng thuận của Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với UBND Quảng Ninh (ngày 9/7), UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Thủ tướng giao tỉnh Quảng Ninh là chủ đầu tư DA. Trường hợp Thủ tướng đồng ý thì mới tính toán đến nguồn vốn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo đề xuất của đơn vị tư vấn Tedi và Liên danh nhà đầu tư Cái Mép – Thái Sơn- Vinaconex E&C, DA cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đầu tư dài trên 91km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Vận tốc thiết kế 100km/h.
Dự kiến, tổng mức đầu tư DA trên 16.000 tỷ đồng và sẽ được triển khai từ năm 2017, hoàn thành trước năm 2020. Thời gian thu phí dưới 30 năm. Sau khi hoàn thành, thời gian đi từ Vân Đồn đến Móng Cái bằng đường cao tốc khoảng 1 tiếng đồng hồ, giảm một nửa thời gian so với đi quốc lộ 18.
Về phương án tài chính, tỉnh Quảng Ninh sẽ báo cáo với Chính phủ và các bộ ngành trung ương về việc thu phí đồng thời đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và quốc lộ 18 đoạn Mông Dương – Móng Cái để đảm bảo nguồn thu cho đầu tư dự án.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi có văn bản đề nghị Thủ tướng, UBND tỉnh tổ chức cuộc gặp, lắng nghe ý kiến với đề xuất xây dựng hình thức BOT. Lãnh đạo các sở ngành, địa phương liên quan cơ bản đồng tình với hướng tuyến, phương án tài chính.
BOT cũng cần lập hội đồng giám sát
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, đề xuất của Quảng Ninh phù hợp, thỏa mãn nguyên tắc phân cấp, năng lực đầu tư và khả năng tài chính của tỉnh.
“DA giao thông nằm trọn trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh nên không lý gì Trung ương phải đứng ra vay nợ rồi cho vay lại. Càng không thể dùng ngân sách trung ương hỗ trợ. Vì nguyên tắc là DA này có lợi cho Quảng Ninh. Chắc chắn không thể có lợi cho người dân Cà Mau nên không thể bắt người dân Cà Mau trả tiền cho việc xây dựng đường sá của Quảng Ninh”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc huy động vốn đầu tư xây dựng DA nên sử dụng nguồn lực địa phương. Trường hợp rủi ro, thời gian hoàn vốn kéo dài hoặc tăng phí không khả thi khiến ngân sách phải cấp bù thì phải là ngân sách Quảng Ninh bù vào đó. Với năng lực tài chính của Quảng Ninh (là 1 trong 13 địa phương đóng góp lớn cho ngân sách trung ương), hãy mạnh dạn giao cho họ tự chủ. Điều này tạo ra động lực tích cực là nếu xảy ra rủi ro sẽ dễ quy trách nhiệm cho chính quyền Quảng Ninh.
“Sau khi phân cấp cho Quảng Ninh, không phải Chính phủ và bộ ngành liên quan hết trách nhiệm. Bộ GTVT vẫn phải giám sát độc lập, phương án khả thi của phương án này để đảm bảo tiến bộ, chất lượng của DA. Bộ Tài chính vẫn phải giám sát độc lập khả thi về vốn”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, tuyến đường này chủ yếu dành cho xe vận tải hàng hóa, xe chở khách du lịch, chủ phương tiện và người sử dụng con đường này là những người có tiền nên việc thực hiện BOT, thu phí là cần thiết.
Tuy nhiên, lâu nay do ta chưa hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với nhà nước và người sử dụng tuyến đường nên cần lập hội đồng giám sát thực hiện dự án BOT, nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên. Hội đồng cần có đầy đủ thành phần như đại diện nhà nước, chủ đầu tư, đại biểu của người dân, đại diện cơ quan khác như bộ tài chính, giao thông…
“Chúng ta chưa hoàn chỉnh về mặt pháp quy trong quản lý BOT nên hội đồng này rất cần thiết để góp phần làm công khai, minh bạch, hợp lý, đúng đắn. Quan trọng nhất, lựa chọn đại biểu của người dân là phải chọn chuyên gia tốt, am hiểu vấn đề, có trình độ, có hiểu biết và vì lợi ích người dân”, TS Lưu Bích Hồ nói. Theo ông Lưu Bích Hồ, nếu giao cho UBND tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, Bộ GTVT vẫn cần giám sát chất lượng.
Trở lại câu chuyện đề xuất không vay vốn ODA từ Trung Quốc, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần thận trọng. Bởi vốn ODA không phải là nguồn vốn bền vững cho sự phát triển của quốc gia. Nhất là bài học về DA đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ, mất an toàn lao động còn đó.
Hoàng Dương - Quỳnh Nga
Tiền Phong
|