Tài sản chỉ tính hàng chục tỷ, tiền đâu để NPH xây dựng khách sạn trăm tỷ đồng?
Chỉ với 8 nhân viên và tổng tài sản hơn 26 tỷ đồng nhưng CTCP Khách sạn Bưu điện Nha Trang (UPCoM: NPH) nuôi tham vọng xây dựng khách sạn với quy mô hơn 700 tỷ, tiềm lực đâu để một doanh nghiệp mới “chân ướt chân ráo” lên UPCoM có thể thực hiện điều này?
Khách sạn Bưu điện Nha Trang tiền thân là Nhà khách Bưu điện Tỉnh Khánh Hòa, được hình thành năm 1975. Năm 1999, thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ, lãnh đạo Bưu điện tỉnh Khánh Hòa đã lập phương án chuyển Khách sạn Bưu Điện Nha Trang thành Công ty cổ phần. Cuối năm 2015, cổ phiếu NPH chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM.
|
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của NPH, HĐQT đã trình và được thông qua các nội dung chi tiết đối với dự án Khách sạn Bưu điện Nha Trang với tổng mức đầu tư gần 718 tỷ đồng. Kế hoạch về dự án này đã manh nha hình thành từ năm 2005 và đã bị kéo dài qua nhiều năm trong quá trình xin cấp giấy phép. Đến tháng 6/2016, dự án đã hoàn tất được thỏa thuận phương án quy hoạch, kiến trúc công trình, thống nhất đơn vị thực hiện công tác thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thỏa thuận cấp điện nước cho dự án, tuy nhiên 2 khâu thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật thi công vẫn đang trình cơ quan chức năng thẩm tra và Bộ xây dựng thẩm định do sai sót về số tầng cao công trình.
Dự án Khách sạn Bưu điện Nha Trang có quy mô tiêu chuẩn 4 sao, được xây dựng trên tổng diện tích đất là 1,624.5 m2 gồm 24 tầng, 2 tầng áp mái và 2 tằng hầm, gồm 287 phòng. Tổng mức đầu tư của dự án gần 718 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 297 tỷ đồng, chi phí thiết bị gần 184 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án gần 6.2 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng gần 16.6 tỷ đồng, chi phí khác 113.7 tỷ và chi phí dự phòng 80.8 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và khai trương vào quý 2/2019.
Theo kế hoạch được thông qua tại cổ đông thông qua, trong số 718 tỷ đồng đầu tư, NPH sẽ sử dụng 35% vốn tự có (tương đương 251 tỷ đồng) và 65% còn lại (467 tỷ đồng) Công ty sẽ sử dụng vốn vay dài hạn. Phương án này có sự thay đổi so với kế hoạch trình lên trước đó khi tỷ lệ sử dụng vốn tự có được nâng từ 29% lên 35% (tương đương tăng từ 210 tỷ lên 251 tỷ đồng) và vốn vay dài hạn giảm từ 71% xuống còn 65% (từ 507 tỷ xuống còn 467 tỷ đồng).
Theo tờ trình tại Đại hội, năm 2016, NPH sẽ cần vốn đối ứng cho chi phí xây dựng khoảng 197.5 tỷ, năm 2017 dự kiến khoảng 259 tỷ và năm 2018 cần gần 163 tỷ đồng.
Tiền đâu để NPH thực hiện dự án?
Tổng mức đầu tư dự án cả trăm tỷ đồng, tuy nhiên tiềm lực tài chính của NPH lại khiến nhà đầu tư “ngã ngửa”.
Tổng tài sản của NPH đến tính đến cuối năm 2r015 chỉ “vỏn vẹn” 26 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chỉ ở mức gần 20 tỷ đồng; trong số 6 tỷ đồng còn lại có hơn 3.7 tỷ đồng là chi phí dở dang của dự án, và số còn lại rải ở các khoản mục phải thu và tài sản cố định; ngoài ra, NPH không có bất kỳ khoản đầu tư nào.
Kết quả kinh doanh của NPH cũng không mấy nổi bật, theo BCTC hai năm gần đây, tổng doanh thu của Công ty không vượt quá ngưỡng 2 tỷ đồng/năm (năm 2015 đạt 1.97 tỷ, năm 2014 đạt 1.5 tỷ đồng), trong đó nguồn thu chủ yếu đến từ cung cấp dịch vụ chiếm 99% trong cơ cấu doanh thu. Lợi nhuận sau thuế cũng chỉ dừng ở con số 285 triệu trong năm 2014 và đạt 374 triệu trong năm 2015.
Trên phương diện tài chính có thể thấy, khả năng của NPH hiện tại khó có thể “kham” nổi lượng vốn đầu tư khổng lồ cho dự án trên, chưa kể đến việc NPH sẽ tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh trong quá trình thực hiện dự án Khách sạn Bưu điện Nha Trang.
Trước tình thế cần phải xoay được 251 tỷ đồng vốn tự có, NPH hướng đến phương án chào bán cổ phiếu để huy động vốn như đã đề cập trong kế hoạch dự án. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, trong quá khứ, tại ĐHĐCĐ năm 2005, cổ đông NPH đã từng thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 2.7 tỷ lên 20 tỷ đồng nhằm cải tổ và mở rộng Khách sạn Bưu điện Nha Trang. Nhưng phải 10 năm sau, việc tăng vốn này mới hoàn tất sau khi cổ đông lớn VNPT (chiếm tỷ lệ 30% vốn ban đầu) hoàn thành thực hiện quyền góp vốn đã bảo lưu tại Công ty, vào cuối tháng 7/2015.
Với con số vốn đối ứng cả trăm tỷ đồng, đồng nghĩa với phương án tăng vốn sẽ có quy mô lớn hơn nhiều so với đợt tăng vốn từ 2.7 tỷ lên 20 tỷ 10 năm trước, việc cổ đông lớn VNPT có chi thêm tiền hay không còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Cũng phải đề cập rằng từ giữa năm 2014, đã có nghị quyết Chính phủ về việc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phải thoái hết vốn đầu tư tại NPH, vậy liệu có hay không sẽ xuất hiện cổ đông mới thay thế vị trí của VNPT để rót tiền cho dự án?
Cơ cấu cổ đông của NPH tính đến ngày 15/09/2015
|
Tính đến thời điểm 15/09/2015, cơ cấu cổ đông của NPH khá cô đặc, với 30% sở hữu của Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Đặng Quốc Chính sở hữu 40.74% vốn, ông Đặng Trọng Ngôn sở hữu 10.43% vốn, bà Lê Thị Chiến Thắng sở hữu 6.38% vốn và 12.45% còn lại từ cổ đông khác.
Được biết, ông Đặng Quốc Chính và Đặng Trọng Ngôn là 2 anh em ruột, hiện cũng đang giữ chức vụ thành viên HĐQT của CTCP Khải Toàn (KTG) - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, phân phối thiết bị điện và chiếu sáng. Bên cạnh đó, cá nhân Lê Thị Chiến Thắng cũng là em dâu của ông Đặng Quốc Chính. Như vậy tổng tỷ lệ sở hữu của ông Chính và các cá nhân có liên quan tại NPH là 57.55% vốn.
Để có thể thực hiện được dự án, có lẽ việc tăng vốn đối với NPH là điều không thể không làm, nhưng phương thức tăng vốn như thế nào và kết quả ra sao thì vẫn là dấu hỏi lớn? Bên cạnh đó, NPH cũng sẽ phải xoay sở đối với khoản vay dài hạn, cùng với mức lãi suất phải trả trong khi hoạt động kinh doanh sẽ tạm dừng trong 3 năm thực hiện dự án./.
|