Smartphone tác động thế nào đến kinh tế Mỹ?
Kinh tế Mỹ đang gặp phải một vấn đề: năng suất làm việc của người lao động nước này không như trước đây.
Một số người đổ lỗi cho truyền thông xã hội. Các nhân viên có thể cảm thấy mình đang làm việc vất vả tại văn phòng, nhưng nếu như họ đang sử dụng Twitter và Facebook để nhắn tin cho bạn bè thì điều đó không có tác dụng gì nhiều trong việc thúc đẩy nền kinh tế.
“Chúng ta đang sản xuất ra cái gì đây? Chúng ta chỉ đi vòng vòng và nhắn tin cho nhau”, Carl Icahn, một giám đốc quỹ đầu cơ nổi tiếng và cũng là người ủng hộ Donald Trump, nhận định trên CNN.
Cho dù lý do là gì đi nữa thì sự thật vẫn là người Mỹ không làm việc chăm chỉ hơn, và điều đó đang “níu chân” kinh tế Mỹ.
Theo số liệu của Chính phủ, sản lượng tính trên mỗi người lao động Mỹ (hay còn được gọi là “năng suất lao động”) đang ở mức thấp nhất kể từ thập niên 1970.
Suốt thập niên 1990, năng suất lao động đã tăng bình quân 2.2%/năm. Trong những năm đầu của thập kỷ 2000, con số này lên đến 2.6%/năm. Kể từ cuộc Đại suy thoái, mức tăng năng suất chỉ đạt bình quân hơn 1%/năm.
Giờ đây vấn đề này ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Số liệu mới nhất trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 đã rơi xuống mức -0.5%, nghĩa là người lao động Mỹ làm việc ít năng suất hơn so với 1 năm trước đó.
Các chuyên gia kinh tế đều đồng ý rằng năng suất lao động tại Mỹ đang sụt giảm ở mức đáng báo động, và vẫn chưa có cách để khắc phục điều này.
Hai giải pháp phổ biến nhất được đưa ra là: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào trang thiết bị tốt hơn hoặc điều chỉnh các thống kê năng suất bao gồm cả những lợi ích của nền kinh tế smartphone.
Các doanh nghiệp không chịu đầu tư
“Vấn đề quan trọng nhất là thiếu đầu tư”, David Kelly, Chiến lược gia trưởng toàn cầu tại JPMorgan, cho biết ý kiến.
Các công ty đang ngồi trên đống tiền mặt cao gần các mức kỷ lục. Trong một nền kinh tế khỏe mạnh, các doanh nghiệp thường đầu tư vào nhà máy mới, dụng cụ và hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện tại điều đó không xảy ra.
Các doanh nghiệp hoặc là đang giữ tiền mặt trong tài khoản ngân hàng hoặc là đang dùng số tiền ấy để mua cổ phiếu quỹ. Những hoạt động đó chẳng giúp ích gì nhiều cho nền kinh tế.
“Bạn phải giao cho mỗi công nhân nhiều dụng cụ lao động hơn để có được năng suất”, Kelly nói. Năng suất bùng nổ trong những năm 1990 và đầu thập niên 2000 vì các doanh nghiệp khi ấy đầu tư vào công nghệ để cải tiến nhà máy và các quá trình sản xuất. Cũng cùng người lao động ấy nhưng khi đó họ có thể sản xuất ra nhiều vật dụng hơn hay phục vụ được nhiều người hơn.
Hiện tại, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp lưỡng lự trong việc đầu tư. Một số người “đổ thừa” cho cuộc bầu cử Mỹ. 62% chuyên gia kinh tế kinh doanh được Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE) khảo sát mùa hè vừa qua nói rằng “bất ổn về cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới” đang “níu chân” tăng trưởng, phần lớn là vì các công ty đang lưỡng lự trong việc đầu tư cho tương lai.
“Đổ thừa” cho các quy định và Fed?
Các chuyên gia khác thì cho rằng vấn đề là ở các quy định.
“Một phần nguyên nhân chắc chắn là do chi phí tuân thủ quy định tăng. Gánh nặng pháp lý ngày càng cao này đang chuyển thành nhiều giờ làm việc hơn mà không hề tác động tích cực đến sản lượng”, Bill Watkins, Chuyên gia kinh tế của Đại học Lutheran, California, lên tiếng.
Kế đến là vai trò của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng trung ương Mỹ đã giữ lãi suất ở mức cực thấp – chỉ trên 0% – kể từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay. Trên lý thuyết, điều đó sẽ khiến cho các doanh nghiệp muốn vay tiền và dùng số tiền ấy cho các dự án mới. Tuy nhiên, có thể điều đó đã phản tác dụng. Cổ phiếu và trái phiếu đã tăng vọt kể từ khi Fed cắt giảm lãi suất xuống mức thấp lịch sử. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các doanh nghiệp thích đổ tiền vào những thị trường này hơn là đầu tư vào các nhà máy.
“Tiền đã không chảy vào các loại hình đầu tư được xem là có thể gia tăng năng suất lao động”, Kelly nói.
Dữ liệu năng suất có thể…sai sót
Giả thuyết cuối cùng là: có thể người lao động Mỹ đang làm việc chăm chỉ hơn, nhưng các thống kê của Chính phủ lại... sai. Tính được năng suất của một người lao động ở nhà máy trong mỗi giờ thì dễ, nhưng ước tính được năng suất của một nhân viên trong lĩnh vực truyền thông xã hội thì khó hơn.
Theo như lưu ý của công ty đầu tư AllianceBernstein trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, phần lớn các công việc mới ở Mỹ là ở lĩnh vực dịch vụ, chứ không phải sản xuất, mà tính được năng suất ở các công việc dịch vụ thì lại không dễ dàng gì.
Phải chăng đây là tình huống “khó xử” do iPhone đem lại? “Siêu phẩm” của Apple này ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007, năm mà năng suất lao động của Mỹ bắt đầu thật sự giảm.
“Với chiếc smartphone của mình, tôi có thể làm những điều mà thế hệ bố mẹ tôi không thể mơ tới. Tuy nhiên, việc xuất hiện đột ngột của chiếc smartphone ấy hầu như không ‘chứng tỏ’ được điều gì trong vấn đề tăng năng suất”./.
|