Rothschild: Cuộc thử nghiệm chính sách tiền tệ lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra
Sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu mà phần lớn được dẫn dắt bởi các nước phát triển ở phương Tây đã khiến nhiều chuyên gia phân tích tài chính phải thật sự lo ngại.
Khi Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6/2016, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một phen lao đao. Một số người thậm chí đã tiên đoán rằng đó là khởi đầu cho sự kết thúc đối với người Anh. Một khoảng thời gian sau khi Brexit xảy ra, phần lớn những người không thuộc về giới tài chính những tưởng rằng mọi thứ đã trở lại bình thường.
Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như thế. Thật vậy, tương lai của thị trường tài chính toàn cầu đang trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết và đó là điều không thể đoán trước được. Bên cạnh đó, bất ổn ngày càng tăng cao. Gần đây, một thành viên của gia tộc Rothschild huyền thoại đã bày tỏ ý kiến về tình trạng hiện tại, cũng như tương lai của nền tài chính toàn cầu. Nhiều người theo Thuyết Âm Mưu tin rằng gia tộc Rothschild luôn đứng đằng sau các sự kiện thảm khốc trên thế giới, như việc châm ngòi chiến tranh giữa các quốc gia để kiếm lợi nhuận từ những tai họa đó. Người ta cũng nói rằng gia tộc này có sự ảnh hưởng đáng kể lên một số ngân hàng trung ương đầy quyền lực, bao gồm cả nước Mỹ.
Theo một thành viên nổi tiếng của gia tộc này, Ngài Nathaniel Charles Jacob Rothschild – thế hệ thứ 4 của Baron Rothcschild, tình trạng lãi suất thấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ âm và chính sách nới lỏng định lượng hiện đang diễn ra tại phương Tây, là một phần của cuộc thử nghiệm tài chính lớn nhất trong lịch sử thế giới. Được biết Ngài Jacob Rothschild là một công dân Anh và cũng là Chủ tịch của Quỹ Rothschild Investment Trust Capital Partners.
Trong báo cáo tài chính bán niên của công ty, ông Jacob Rothschild đã viết: “Những gì mà các ngân hàng trung ương đang thực hiện chắc chắn là cuộc thử nghiệm chính sách tiền tệ lớn chưa từng có trong lịch sử thế giới. Do đó, chúng ta đang ở trong vùng nguy hiểm và không thể tiên đoán được những hậu quả khó lường của việc duy trì lãi suất cực thấp, với 30% khoản nợ của các Chính phủ toàn cầu đang có lợi suất âm, cùng với chính sách nới lỏng định lượng có quy mô cực lớn”.
Chuyên gia ngân hàng đầu tư với giá trị tài sản ròng ước tính khoảng 5 tỷ USD cũng cho rằng cuộc thử nghiệm chính sách này của các ngân hàng trung ương sẽ kích thích tăng trưởng ở các thị trường chứng khoán, đặc biệt là tại Mỹ. Theo các chuyên gia tài chính, kể từ năm 2008, chứng khoán Mỹ đã tăng gấp 3 lần, với dòng vốn đầu tư liên tục tăng lên và sự biến động duy trì ở mức thấp.
Nhưng bất chấp sự thao túng có chủ ý này của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jacob Rothschild cũng tiết lộ rằng khu vực quan trọng của nền kinh tế đã không được hưởng lợi nhiều như thế. Ông cho rằng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu.
Ông cũng cho biết thêm giảm phát vẫn diễn ra tại nhiều nước phát triển. Thật vậy, theo báo cáo của Ngân hàng America Merill Lynch vào tháng 6/2016, mặc dù lãi suất tại các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang ở mức thấp trong lịch sử, thì một số nước vẫn đang phải chiến đấu chống lại tình trạng giảm phát. Lãi suất cơ bản của Mỹ hiện ở mức 0.5%, tại Anh là 0.25%.
Hơn thế nữa, trong cuộc chiến chống giảm phát, những quốc gia như Thụy Điển, Thụy Sỹ và Nhật Bản đã giảm lãi suất cho vay chủ chốt xuống mức âm.
Một thảm họa khác đang chờ đợi thị trường tài chính toàn cầu là tình trạng lợi suất âm của các trái phiếu Chính phủ. Theo báo cáo vào tháng 6/2016, trái phiếu Chính phủ 10 năm của Đức đã chìm sâu về dưới 0% lần đầu tiên trong lịch sử.
Điều này khiến quỹ Jamus Capital ước tính rằng lợi suất toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong 500 năm qua, và tổng lượng trái phiếu có lợi suất thấp như thế có giá trị lên đến 10 ngàn tỷ USD. Bill Gross – giám đốc quản lý danh mục của quỹ đầu tư này đã mô tả tình trạng hiện nay như một ngôi sao băng rồi một ngày sẽ nổ tung.
Tuy nhiên, Jacob Rothschild cũng nhấn mạnh rằng các rủi ro vẫn đang tồn tại trong nền kinh tế toàn cầu, như tình hình địa chính trị ngày càng xấu đi, với việc Anh rời khỏi EU, cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc.
Ngay cả trước khi tuyên bố này của Rothschild, nhiều nhà quan sát đã cho rằng sự sụp đổ của thị trường tài chính toàn cầu là sắp xảy ra, do sự thao túng liên tục trong lĩnh vực này.
Những gì các ngân hàng trung ương đang thực hiện chắc chắn là cuộc thử nghiệm về chính sách tiền tệ lớn chưa từng có trong lịch sử thế giới. Do đó, chúng ta đang ở trong vùng nguy hiểm và không thể tiên đoán được những hậu quả khó lường của việc duy trì lãi suất cực thấp, với 30% khoản nợ của Chính phủ toàn cầu đang có lợi suất âm, cùng với chính sách nới lỏng định lượng với quy mô cực lớn.
|
|