Niềm tin trên TTCK đang dần bị bào mòn
Phải nhìn nhận qua nhiều vụ việc gần đây như nghi án hồ sơ ảo để lên sàn của MTM hay việc lãnh đạo QBS công bố thông tin kết quả kinh doanh quý 2/2016 sai lệch trầm trọng khiến niềm tin của nhà đầu tư dành cho thị trường chứng khoán lại bị tổn thương nặng nề.
* Nhìn lại 10 vụ bê bối trên sàn chứng khoán
Liên tiếp những “quả lừa” xuất hiện
Trong quá khứ từng có nhiều vụ việc lừa đảo gây rúng động giới đầu tư như Dược Viễn Đông, Chứng khoán Hà Thành, Nhựa Tân Hóa (VKP)… Hiện nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua được 16 năm đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bước qua giai đoạn sơ khai tiến đến được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong bảng xếp hạng MSCI. Mặc dù được nhiều chuyên gia cũng đánh giá thị trường đã trở nên minh bạch hơn, phát triển ở cấp độ cao hơn, thế nhưng những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, nhà đầu tư chịu tổn thất nặng nề vẫn diễn ra.
Vụ việc CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung (UPCoM: MTM) có những dấu hiệu cho thấy việc làm giả thông tin để đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ở thị trường UPCoM như hình ảnh mỏ khai thác, cơ sở sản xuất, số điện thoại, tên doanh nghiệp, nhận diện thương hiệu… giống gần như đến 99% một đơn vị khác chưa niêm yết CTCP Khoáng sản Miền Trung với tên viết tắt là MTM đã thực sự gây rúng động cho giới đầu tư.
Mọi việc vẫn đang chờ cơ quan chức năng có câu trả lời cuối cùng nhưng thiệt hại của nhà đầu tư là đã có, vỏn vẹn 3 tháng chính thức giao dịch thị giá MTM đã mất đi 75% và nhà đầu tư đang đối diện nguy cơ mất trắng.
Thị trường UPCoM trước đây vốn là nơi giao dịch ảm đạm. Nhờ những chính sách thúc đẩy của cơ quan chức năng như nới biên độ giao dịch lên 15%, quy định bắt buộc những ông lớn đã là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch nên UPCoM đang dần nóng lên và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Song chỉ với vụ việc MTM đã khiến toàn thể giới đầu tư bàng hoàng, niềm tin của nhà đầu tư cho thị trường này có lẽ đã quay về vạch xuất phát.
Khi nghi án của MTM trên sàn UPCoM chưa lắng xuống thì một câu chuyện khác diễn ra tại CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HOSE: QBS) - một đơn vị niêm yết vào cuối năm 2014 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) tiếp tục là một đòn mạnh giáng xuống niêm tin nhà đầu tư. Cụ thể, 3 ngày trước khi chính thức công bố BCTC hợp nhất quý 2/2016, QBS liên tục đưa ra thông tin khẳng định lợi nhuận sau thuế quý 2 ước đạt 28 tỷ đồng. Dẫu vậy, khi thông tin BCTC hợp nhất quý 2/2016 được công bố thì kết quả lại là lỗ đậm 22 tỷ đồng (riêng công ty mẹ lỗ 15 tỷ đồng).
Hiển nhiên, với thông tin sai lệch trầm trọng như vậy thì hậu quả cũng trầm trọng không kém. Chỉ trong tháng 7/2016, diễn biến cổ phiếu QBS biến động mạnh với thanh khoản nhảy vọt, đầu tháng cổ phiếu ở mức giá 8,500 đồng, đến giữa tháng lên 12,500 đồng và những ngày cuối tháng thì liên tục giảm sàn rớt xuống 6,300 đồng, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết.
Và một vụ việc mới hé lộ gần đây, Ntaco (HOSE: ATA) bất ngờ có khoản lỗ lũy kế khủng 421 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2016 trong khi trước đó không hề có và 6 tháng đầu năm kinh doanh có lãi. Nguyên nhân được hé lộ tại BCTC đã kiểm toán mới lập vào cuối tháng 7/2016 là do phải xóa sổ toàn bộ số hàng tồn kho không tồn tại trên thực tế từ những năm trước hơn 364 tỷ và lập dự phòng các khoản phải thu gần 120 tỷ đồng. Đi kèm với hé lộ này là ATA đã quyết định khiếu nại với cơ quan chức năng để làm rõ trách nhiệm của Ban giám đốc cũ và các đơn vị kiểm toán (cũ lẫn mới).
Hay cách đây hơn 1 năm thôi, cổ phiếu JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC) vẫn được đánh giá cao với yếu tố cơ bản tốt, dòng tiền ổn định nhưng sau khi Chủ tịch Lê Văn Hướng bị bắt thì bắt đầu lộ nhiều yếu kém và xuất hiện khoản lỗ ngàn tỷ đồng, đồng thời vấn đề liên quan đến việc sử dụng vốn và các giao dịch với công ty con của Ban giám đốc cũ bị phát hiện có sai phạm sau khi kiểm toán vào cuộc. Theo đó, nhà đầu tư của đã mất hàng trăm tỷ đồng bởi cổ phiếu lao dốc mạnh theo giá trị doanh nghiệp.
Niềm tin và vai trò của nhà quản lý
Nhà đầu tư khi tham gia trên thị trường chứng khoán sẽ dựa vào thông tin doanh nghiệp đưa ra để phân tích, đánh giá và để chắc chắn hơn thì có thêm đơn vị kiểm toán đảm bảo cho thông tin trong BCTC. Đồng thời, ở khía cạnh toàn thị trường thì những thông tin có tầm ảnh hưởng lớn cũng là thước đo để giới đầu tư suy xét có nên rút hầu bao hay không. Do vậy, niềm tin của nhà đầu tư đối với thông tin trên thị trường chứng khoán chính là nhân tố then chốt để níu giữ họ và một khi giữ chân được nhà đầu tư thì thị trường sẽ ngày càng phát triển trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế.
Trở lại với trường hợp thông tin do doanh nghiệp cung cấp, trong bản tin tài chính của VTV1, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng giám đốc HNX, cho biết trách nhiệm tính chính xác của thông tin đầu tiên phải kể đến là doanh nghiệp, còn trách nhiệm các Sở là rà soát, kiểm tra đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm để báo cáo cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Tức là, các cơ quan quản lý không có trách nhiệm và cũng không thể đảm bảo cho thông tin của doanh nghiệp. Lúc này, câu chuyện niềm tin lại rơi vào ý thức của chính doanh nghiệp.
Một nhà đầu tư không may dính “quả lừa” MTM đã chia sẻ rằng khi đầu tư trên thị trường chứng khoán thì sẵn sàng chấp nhận rủi ro như doanh nghiệp gặp những biến cố không mong muốn mà kết quả kinh doanh sụt giảm hay giá cổ phiếu biến động theo diễn biến chung của thị trường nhưng hoàn toàn không thể chấp nhận được việc bị lừa đảo. Khi đầu tư trên thị trường chứng khoán, một nơi được vận hành bởi cơ quan quản lý nhà nước, tuân thủ các quy định phát luật thì quyền lợi nhà đầu tư phải được bảo vệ bởi cơ quan có chức năng.
Niềm tin của nhà đầu tư đang dần bị bào mòn!
|