Thứ Ba, 23/08/2016 09:36

Kỳ 2:

Nghi vấn “ve sầu thoát xác” tại TOP

Vòng quay góp – rút vốn cùng sự thay đổi hoàn toàn trong cơ cấu nhân sự HĐQT của TOP

Bên cạnh diễn biến giao dịch đầy bất ngờ và tiến độ tăng vốn ồ ạt thì sự thay đổi nhân sự HĐQT, đặc biệt là chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của TOP ngay sau những đợt tăng vốn cũng là điểu đáng nói. Chưa kể với quy mô vốn tăng nhanh trong thời gian ngắn nhưng TOP hoàn toàn không có tài sản thực, đa phần tồn tại dưới 2 khoản mục phải thu và hàng tồn kho.

* Cổ đông TOP hảo tâm đến bất ngờ!

CTCP Phân phối Top One thành lập đầu tháng 3/2013, hoạt động chính trong ngành phân phối với vai trò là đại lý cấp 1 của Tribeco, Cà phê Trung Nguyên, CTCP Chè Kim Anh, sản phẩm bánh Leibiniz, mỳ ăn liền 3 miền và hóa mỹ phẩm của Johnson&Johnson.

Câu chuyện của TOP không chỉ xuất hiện sau khi Công ty này đăng ký giao dịch trên UPCoM mà quay lại thời điểm trước đó, kết thúc năm 2014 theo BCTC đã kiểm toán vốn điều lệ của Công ty chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng và tổng tài sản gần 14 tỷ. Trong đó, toàn bộ tài sản của TOP nằm ở 2 khoản mục chính là phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho, Công ty hoàn toàn không có 1 đồng tài sản dài hạn hay tài sản cố định.

Cơ cấu cổ đông của TOP tại thời điểm 31/03/2015
Nguồn: BCTC quý 1/2015 TOP

Chỉ trong tháng 1/2015, Công ty đã thực hiện tăng vốn từ 3 tỷ lên 39 tỷ đồng, cùng với đó là biến động nhân sự tại 2 vị trí cao nhất trong HĐQT và Ban Điều hành. Theo thông tin từ BCTC kiểm toán năm 2014, cùng với việc tăng vốn lên 13 lần, HĐQT TOP cũng thực hiện miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Hoàng Thế Nam cùng Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Văn Quỳnh. Đồng thời, thực hiện bầu ông Nguyễn Thế Trịnh giữ cả 2 vị trí trên, mặc dù sở hữu của ông Trịnh thấp nhất trong số 3 cổ đông.

Thực tế, trong số 3 cổ đông này, ông Nguyễn Thế Trịnh và ông Nguyễn Văn Quỳnh đều không phải là cổ đông sáng lập của TOP. Trong 2 cổ đông này, ông Nguyễn Thế Trịnh nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần từ cổ đông sáng lập của TOP chỉ sau 6 tháng kể từ khi Công ty này được thành lập (9/2013), trong khi ông Nguyễn Văn Quỳnh chỉ mới từ đầu năm 2015.

Mặc dù vốn điều lệ tăng thêm 36 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần tổng tài sản trước đó nhưng toàn bộ số tiền này không được công ty đầu tư tài sản mở rộng mà góp toàn bộ cùng Công ty TNHH MTV Xây dựng và Môi trường Miền Trung (thành lập tháng 6/2014) để đầu tư dự án Khách sạn 4 sao và khối nhà kinh doanh dịch vụ với quy mô 120 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ vốn góp của TOP là 30%). Ngoài ra, các khoản mục còn lại không có nhiều thay đổi so với trước khi tăng vốn.

Quay lại với câu chuyện của những cổ đông “hảo tâm”, vòng quay góp – rút vốn tiếp tục được lặp lại chỉ trong chưa đến 1 năm kể từ khi TOP tăng vốn lên 39 tỷ. Sau khi lên sàn UPCoM được gần 4 tháng, đến tháng 11/2015, ĐHĐCĐ thường niên của TOP đã tiếp tục thông qua phương án tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ 5.85 triệu cp cho 12 nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý khác là việc miễn nhiệm ông Nguyễn Thế Trịnh – Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Quỳnh và ông Hoàng Thế Nam – thành viên HĐQT của Công ty, cũng là 3 cổ đông từng sở hữu 100% vốn của TOP tại thời điểm 31/03/2015. Cả hai tờ trình này đều được thông qua với sự nhất trí của 100% cổ đông tham gia Đại hội.

Cùng với việc miễn nhiệm, Đại hội đã bầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT TOP, trong đó đặc biệt là sự xuất hiện của một trong số 12 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ - ông Đinh Văn Tạo, mặc dù việc phát hành riêng lẻ khi đó mới chỉ có trên giấy tờ khi được ĐHĐCĐ thông qua. Ông Tạo sau đó cũng được bổ nhiệm vào chức danh Chủ tịch HĐQT.

Mặc dù thay đổi nhân sự “chóp bu” nhưng dường như 2 nhóm cổ đông này đều có chung phương hướng hoạt động. Cơ cấu tài sản của TOP sau cả 2 lần tăng vốn và thay đổi nhân sự đều có chung đặc điểm là nguồn tiền đổ vào những khoản mục “phi tài sản”.

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2016, tổng tài sản của TOP tại thời điểm 31/03/2016 tăng gấp đôi so với đầu năm lên hơn 118 tỷ đồng, tuy nhiên các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 88.4% tổng tài sản (103.3 tỷ đồng). Trong đó phải thu ngắn hạn khác gần 65 tỷ đồng nhưng không có thuyết minh chi tiết. Đáng chú ý là toàn bộ 36 tỷ đồng đầu tư dài hạn xuất hiện khi tăng vốn lên 39 tỷ đồng đã “biến mất” khỏi bảng cân đối, tổng tài sản dài hạn của TOP chỉ còn vỏn vẹn 1.5 tỷ đồng. Nhiều khả năng, khoản đầu tư này đã chuyển tới khoản mục phải thu ngắn hạn khác. Trong khi đó, với tổng tài sản cả trăm tỷ nhưng TOP chỉ thu về hơn 10 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng chưa tới 400 triệu đồng trong quý 1/2016. 

Mặc dù bản chất của một công ty trong ngành phân phối không cần quá tập trung vào tài sản cố định, trong khi phải thu ngắn hạn tăng cao có thể phụ thuộc vào chính sách phân phối và bán hàng để duy trì mối quan hệ với các đối tác nhưng với một cơ cấu quá mất cân đối như TOP lại là điều đáng để bàn. Mà hiện hữu nhất là việc không có tài sản đối ứng để sử dụng vốn vay dẫn tới cơ cấu nguồn vốn của TOP phụ thuộc phần lớn vào vốn chủ sở hữu, nợ phải trả chủ yếu là chiếm dụng vốn ngắn hạn của đối tác.

Đầu tháng 8/2016, TOP tiếp tục hoàn thành đợt tăng vốn từ 97.5 tỷ lên 253.5 tỷ đồng, trong đó gần 9.4 triệu cp được phân phối cho cổ đông hiện hữu và hơn 6 triệu cp “ế” cho 5 nhà đầu tư cá nhân khác.

Do chưa đến kỳ công bố BCTC sau khi phát hành nên chưa rõ số vốn này được TOP sử dụng ra sao, cũng chưa rõ cơ cấu nhân sự của TOP có thay đổi gì mới hay không nhưng vấn đề góp – rút vốn và thay đổi nhân sự tới 2 lần chỉ trong năm 2015, cũng như cơ cấu tài sản không ổn định là điều khiến nhà đầu tư cân nhắc./.

Các tin tức khác

>   SHA: Giải trình chênh lệch KQKD tại BCTC bán niên năm 2016 (18/08/2016)

>   SJ1: Báo cáo tài chính bán niên năm 2016 (18/08/2016)

>   PXT: Lộ khó khăn dòng tiền sau soát xét (19/08/2016)

>   KDC: Giải trình chênh lệch BCTC quý 2/2016 trước và sau kiểm toán (18/08/2016)

>   SEB: Báo cáo tài chính bán niên năm 2016 (18/08/2016)

>   MSN: Nghị quyết HĐQT về việc mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ (18/08/2016)

>   VMI: Báo cáo tài chính bán niên năm 2016 (18/08/2016)

>   TH1: Báo cáo tài chính bán niên năm 2016 (18/08/2016)

>   MCO: Báo cáo tài chính bán niên năm 2016 (18/08/2016)

>   MTM: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2016 (18/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật