Góc nhìn 09/08: Tiếp tục nhịp hồi kỹ thuật
Dòng tiền lớn hiện tại vẫn đang chọn đứng ngoài quan sát thị trường. Chỉ số VN-Index có thể sẽ xuất hiện một vài nhịp hồi phục kỹ thuật, tuy nhiên đà tăng điểm sẽ không quá mạnh và chỉ số vẫn sẽ chủ yếu giao dịch tích lũy đi ngang tại vùng 620-640 điểm trong ngắn hạn.
Sẽ tăng điểm
CTCK Maritime (MSI): VN-Index tăng điểm nhẹ vào cuối phiên giao dịch đầu tuần mặc dù thanh khoản chưa cải thiện mạnh mẽ nhưng cũng đã phát đi tín hiệu rõ nét hơn về các phiên phục hồi mạnh sau đó vì thị trường đã test lại mốc hỗ trợ mạnh vùng 630 (+/-5 điểm).
Dưới góc độ PTKT, MSI cho rằng thị trường sẽ tăng điểm vào phiên giao dịch 09/08 khi mà nhiều cổ phiếu cơ bản có lực cầu tham gia mạnh. Dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa vào các cổ phiếu của các doanh nghiệp triển vọng. Nhà đầu tư ngắn hạn cũng như giá trị có thể tiếp tục mở rộng các vị thế mua vào. Một số cổ phiếu đáng chú ý: PVT, VIT, HBC, DHC, HDG,...
Tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp
CTCP Chứng Khoán Bảo Việt (HNX: BVS): Thị trường có diễn biến trái chiều trên cả 2 sàn với thanh khoản xuống mức thấp và độ rộng thị trường có phần nghiêng về số mã tăng điểm. Tâm điểm thị trường phiên ngày 08/08/2016 tập trung ở giao dịch của VIC khi mà có thời điểm mã cổ phiếu này giảm sàn với áp lực bán tập trung ở giao dịch khối ngoại, khiến chỉ số VN-Index có thời điểm giảm hơn 5 điểm trong phiên sáng.
Thị trường tăng điểm với thanh khoản xuống mức rất thấp chưa phải là tín hiệu đáng tin cậy cho thấy nhịp điều chỉnh đã chấm dứt. Bên cạnh đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại là tín hiệu đáng lo ngại do hoạt động mua ròng của khối này trước đó đóng góp đáng kể vào đà tăng của thị trường chung. Nhà đầu tư được khuyến nghị không vội gia tăng tỷ trọng, chờ đợi thị trường cho tín hiệu rõ nét hơn. Tỷ trọng danh mục tiếp tục duy trì ở mức thấp cho mục tiêu đầu tư trung, dài hạn.
Vùng kháng cự gần của VN-Index nằm tại 635-640 điểm và 650-655 điểm. Vùng hỗ trợ gần của VN-Index nằm tại 615-620 điểm và 595-600 điểm.
Xuất hiện một vài nhịp hồi kỹ thuật
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Dòng tiền lớn hiện tại vẫn đang chọn đứng ngoài quan sát thị trường. Chỉ số VN-Index có thể sẽ xuất hiện một vài nhịp hồi phục kỹ thuật, tuy nhiên đà tăng điểm sẽ không quá mạnh và chỉ số vẫn sẽ chủ yếu giao dịch tích lũy đi ngang tại vùng 620-640 điểm trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư hạn chế sử dụng margin và không nên bắt đáy trong giai đoạn này. Đối với danh mục đang có sẵn, nhà đầu tư nên cơ cấu lại về trạng thái tiền mặt bằng việc bán ra các cổ phiếu có tính thị trường cao, trong khi đó duy trì vị thế nắm giữ đối với những mã tốt và triển vọng khả quan 6 tháng cuối năm cho mục đích dài hạn.
Thị trường đang nỗ lực để phục hồi
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm nhẹ trong bối cảnh thị trường chứng khoán châu Á kéo dài đà tăng. Khối ngoại bán ròng mạnh trong phiên với trên 130 tỷ trên HOSE, lực bán tập trung chủ yếu vào VIC với giá trị hơn 100 tỷ đồng. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn.
Trong phiên giao dịch, chỉ số chính vận động khá tương đồng với VIC và điểm đáng lưu ý là cổ phiếu này có mức biến động rất lớn, hơn 7% trong phiên. Thị trường có dấu hiệu nỗ lực cân bằng trong các phiên giao dịch gần đây khi đang liên tục tạo các cây nến hammer. Độ rộng của VN-Index trong phiên ngày 08/08/2016 đã được cải thiện rõ rệt với 118 mã tăng điểm / 84 mã giảm điểm. Do đó, VN-Index được kỳ vọng sẽ có nhịp phục hồi trong phiên giao dịch tới và nhà đầu tư có thể giải ngân một phần vào các mã cổ phiếu cơ bản tốt.
Ngành sữa có mức lợi nhuận tuần cao nhất
CTCK Đông Nam Á: Dựa vào chuyển động của các chỉ báo kỹ thuật, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần nhất tại 600 – 620 điểm. Đây được xem là điểm mua vào tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Trong kịch bản tích cực, chỉ số cho phản ứng hồi phục trở lại thì vùng 640 – 660 điểm sẽ đóng vai trò là vùng kháng cự gần, đồng thời là điểm bán giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Về đầu tư theo nhóm ngành: Ngành sữa là ngành có mức lợi nhuận tuần lớn nhất 2.72%, trong khi ngành dược phẩm là ngành có mức lợi nhuận tháng lớn nhất 21.11%. Ngành có mức lợi nhuận quý lớn nhất 35.72% phải kể đến ngành thép, và ngành có mức lợi nhuận năm lớn nhất 117.56% là ngành đường./.
|