“Đột kích” bãi vàng trái phép
Chủ bãi ngang nhiên mở đường, đưa máy móc phương tiện vào bãi vàng khai thác trái phép. Trong khi rừng bị đào xới, chặt phá thì chính quyền địa phương lại làm ngơ.
Công nhân đang đào đãi vàng tại khu vực hang đá. Ảnh: Nguyễn Thành
|
Hang Đá thuộc địa phận thôn Trà Văn A xã Phước Kim (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) nằm sâu trong rừng già, nguyên sinh. Để vào bãi vàng này, phóng viên phải cải trang, thuê 2 thanh niên dẫn đường.
Vai mang súng săn, phóng viên cùng 2 thanh niên làng Trà Văn A thẳng tiến Hang Đá. Hang Đá, Hang Nhím là những địa danh từng khét tiếng với nạn khai thác vàng trái phép ở Phước Kim mấy chục năm trước. Mấy năm lại đây, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nạn khai thác vàng trái phép ở đây đã được dẹp bỏ. Tuy nhiên, gần 2 tháng nay, một doanh nghiệp khai thác vàng tại Phước Sơn đã ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện và nhân công vào Hang Đá để khai thác vàng trái phép.
Con đường độc đạo từ bìa rừng vào Hang Đá len lỏi giữa rừng sâu từ lâu, lắm đoạn được đào bới, chặt phá cây để mở rộng. Nhiều đoạn đường được đào bới, san bằng và mở rộng, dấu vết của việc vận chuyển phương tiện, cũng như gỗ rừng vẫn còn in hằn trên mặt đất. Nhiều cây rừng cổ thụ đã bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc, gỗ được cắt thành phách. Càng tiến gần bãi vàng ở Hang Đá, số lượng cây rừng bị đốn hạ càng nhiều.
Bãi vàng quy mô giữa rừng sâu
Hang Đá nằm bên con suối lớn, nước chảy ào ào. Việc khai thác vàng, khiến phần hạ lưu chảy về xuôi nước đục ngầu. Tại đây, có một lán trại có thể chứa hàng chục người nằm ngủ. Trên những chiếc sạp bằng gỗ, chăn gối ngổn ngang, chất đống. Áo quần phu vàng lem luốc bùn đất treo khắp nơi. Tại khu vực khai thác chính của bãi vàng máy móc phương tiện dùng để nghiền xay, sàng lọc đất đá đã được dựng lên, đất đá được đào bới ngổn ngang. Cạnh đó là những hầm lò sâu hun hút, dấu vết đào bới còn mới. Thời điểm phóng viên có mặt khu vực có rất ít công nhân.
Theo thông tin phóng viên thu thập được từ người dân địa phương, số lượng công nhân làm việc tại bãi vàng này lên đến con số hàng chục người. Trong đó đa phần là người dân Thanh Hóa. Nhóm thợ đi đặt bẫy rừng, bắt cá suối phóng viên gặp trên đường đi cho biết: “Mấy hôm trước, tôi đi đặt bẫy còn thấy hơn 20 công nhân chưa kể người quản lý, nấu ăn. Nếu có vài người làm thì họ thuê dân làng cõng chuyến, vận chuyển hàng hóa vào bãi để làm gì. Vùng này có sóng điện thoại nên hễ có động tĩnh, bên ngoài có người vào kiểm tra là họ biết, cho công nhân trốn vào rừng ngay. Đoàn kiểm tra đi ra, công nhân lại ra làm như thường”. Tình cờ, trên đường đi ra chúng tôi gặp đoàn cán bộ kiểm lâm của huyện Phước Sơn đi vào kiểm tra khu vực này.
Tiếp tay hay buông lỏng?
Nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý khoáng sản, ngày 18/5 vừa qua, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ thị số 17 về triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ “Cơ quan, đơn vị, địa phương nào để xảy ra vi phạm quy định của nhà nước về quản lý tài nguyên khoáng sản thì trước hết thủ trưởng đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với cán bộ cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang có hành vi làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển kinh doanh khoáng sản trái phép hoặc cấp phép không đúng thẩm quyền phải được xử lý nghiêm theo quy định hiện hành của nhà nước…”.
Chỉ thị là vậy. Thế nhưng, khi phóng viện điện thoại hỏi ông Hồ Văn Tròn, Chủ tịch UBND xã Phước Kim về tình hình khai thác vàng, thì ông này lại cho biết: Trên địa bàn đã dẹp hết vàng trái phép. Hiện chỉ còn duy nhất 1 Cty có giấy phép làm vàng ở khu vực hang Nhím. Khi được hỏi về bãi vàng ở Hang Đá, ông Tròn cho hay: Họ chỉ đang thăm dò, nếu không có vàng họ sẽ rút quân. “Xã có vào kiểm tra nhưng thấy không có gì”, ông Tròn cho hay.
Tuy nhiên, thực tế phóng viên ghi nhận từ hiện trường và những gì ông chủ tịch xã Phước Kim trả lời lại khác xa nhau.
Có một lán trại có thể chứa hàng chục người nằm ngủ. Trên những chiếc sạp bằng gỗ, chăn gối ngổn ngang, chất đống. Áo quần phu vàng lem luốc bùn đất treo khắp nơi. Tại khu vực khai thác chính của bãi vàng máy móc phương tiện dùng đề nghiền xay, sàng lọc đất đá đã được dựng lên, đất đá được đào bới ngổn ngang. Cạnh đó là những hầm lò sâu hun hút, dấu vết đào bới còn mới.
|
Nguyễn Thành
Tiền phong
|