Đề xuất giảm thuế thu nhập cho DN nhỏ và vừa xuống 17%
Bộ Tài chính vừa có dự thảo một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp (DN) gửi Chính phủ trình Quốc hội; trong đó có phương án giảm thuế suất phổ thông đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV) xuống còn 17% thay vì 20% như hiện tại.
Theo tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng, để tiếp tục khuyến khích DNNVV phát triển, Bộ Tài chính trình phương án cho đối tượng này được giảm thuế suất phổ thông xuống còn 17% áp dụng trong thời hạn tối đa 4 năm (giai đoạn 2017-2020).
Đưa ra dẫn chứng một số kinh nghiệm quốc tế cho thấy DNNVV vẫn luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…, Bộ Tài chính cho biết hiện số lượng DNNVV chiếm đa số trong tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam và giữ một vị trí không thể thay thế trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.
Vì vậy, theo Bộ Tài chính, để việc hỗ trợ đối tượng DN này được khả thi trong thực hiện thì chính sách thuế cũng là một trong các công cụ cần tính tới.
Bộ Tài chính nhận định, việc giảm thuế suất phổ thông đối với DNNVV xuống còn 17% trong giai đoạn 2017-2020 vừa bảo đảm khuyến khích DNNVV, giúp DN có điều kiện tăng tích tụ, tích lũy tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, việc điều chỉnh này cũng không ảnh hưởng nhiều tới số thu ngân sách nhà nước bởi số lượng DNNVV chiếm phần lớn trong nền kinh tế nhưng tỉ trọng đóng góp vào ngân sách Nhà nước về thuế thu nhập DN lại nhỏ.
Theo phân tích của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, vấn đề hiện nay là Bộ Tài chính phải đợi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV (sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới), trong đó có thay đổi tiêu chí xác định DNVVN. Nếu theo dự thảo đề xuất tiêu chí xác định DNVVN là các DN có doanh thu 100 tỉ đồng trở xuống thì có khoảng 95,2% số DN tại Việt Nam là DNVVN.
Số DN này hằng năm đóng góp vào ngân sách 8.710 tỉ đồng. Nếu chính sách giảm thuế được áp dụng đối với DNVVN có doanh thu 100 tỉ đồng trở xuống thì ngân sách giảm thu khoảng 1.500 tỉ đồng/năm.
Còn với tính toán của Báo Đấu thầu, nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng thì số lượng DN này mặc dù chiếm đến 86,2% nhưng số thu về thuế thu nhập DN chỉ có 2.746 tỷ đồng; mức giảm thu ngân sách như vậy vào khoảng 473 tỷ đồng.
Ngoài ra, dù việc giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách nhưng được bù đắp tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng vào tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời, việc giảm thuế sẽ góp phần tăng thu từ thuế thu nhập DN vào giai đoạn tiếp theo do DN có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất phương án giảm thuế thu nhập DN cho các DN khởi nghiệp mới thành lập có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi hoặc tại các khu vực kém phát triển, nông thôn, vùng sâu, vùng xa áp thuế 10% trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với dự án mới./.
chính phủ
|