Đâu là thị trường “hot” nhất của các startup?
Boris Mordkovich, một doanh nhân 30 tuổi, trước đó chưa bao giờ nghĩ đến việc phát triển sản phẩm cho thị trường baby boomer (thế hệ sinh trong giai đoạn 1946 - 1964) đang già đi ở Mỹ. Một ngày nọ, anh thấy bố mẹ mình bắt đầu sử dụng chiếc xe điện mà cậu em trai Yevgeniy đã sửa lại cho vợ và chính cậu ấy dùng.
Boris Mordkovich, một trong những nhà sáng lập và giám đốc điều hành Evelo
|
Thế là anh cùng người em trai thành lập Evelo, một startup chuyên về xe đạp điện. Anh cho biết, năm nay doanh thu của Evelo sẽ tăng gấp đôi lên 4 triệu USD và đang cho lợi nhuận. “Không thiếu khách hàng tiềm năng”, anh nói thêm.
Theo New York Times, Evelo chỉ là một trong nhiều công ty đang tham gia vào mảng thị trường giàu có của lượng khách hàng ở độ tuổi trên 50, với giá trị các hoạt động kinh tế hàng năm lên tới 7.6 ngàn tỷ USD.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, với ước tính khoảng 74.9 triệu baby boomer, cơ hội thị trường lớn nhất cho các startup là những người Mỹ lớn tuổi chứ không phải là thế hệ Y “choai choai”. Khi các thành viên của thế hệ sản sinh ra dòng nhạc rock ’n’ roll này trở nên lớn tuổi hơn, nhu cầu về nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau cũng sẽ gia tăng.
Kích thước khổng lồ đến khó tin của tổng nền kinh tế từ đối tượng này – thậm chí còn lớn hơn cả Nhật Bản – đã và đang hấp dẫn thêm nhiều doanh nhân, những nhà tài phiệt lớn và cũng là nơi cho các ý tưởng mới nhắm tới trong vài năm qua.
“Mỗi lứa tuổi là một cơ hội tiếp thị”, Mary Furlong, nhà tư vấn chiến lược và tiếp thị cho thị trường trên 50 tuổi và cũng là tác giả của cuốn “Biến Bạc Thành Vàng”, bày tỏ ý kiến.
“Những ý tưởng kinh doanh mới phục vụ cho các baby boomer hầu như là vô tận”, bà nói, “có cả các đầu bếp, các trang hẹn hò trực tuyến và các huấn luyện viên yoga cho những người có vấn đề về sức khỏe. Ngày càng có thêm nhiều tài năng bước vào thị trường này”.
Anh em nhà Mordkovich ban đầu chỉ bỏ vào Evelo 100,000 USD, số tiền mà họ có được nhờ bán đi các công ty khác. Giờ đây, họ đang lên kế hoạch huy động 1.5 triệu USD từ giới đầu tư thông qua trang Fundable. Mục tiêu của họ là thêm vào nhiều loại xe đạp điện hơn, trong đó có cả loại gấp lại được hay có chức năng chống trộm, và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Một số startup về dịch vụ cũng đang tìm kiếm khách hàng mục tiêu của mình. Đó là những công ty chuyên cung cấp dịch vụ giúp giảm bớt chi phí trong nhà, phòng tập thể dục cho những người từ 55 tuổi trở lên và bộ hướng dẫn nấu các bữa ăn cho những người bị tiểu đường hay có vấn đề về tim mạch.
Tại sự kiện cải tiến sức khỏe đầu tiên do Hiệp hội của những người nghỉ hưu Mỹ (AARP) tổ chức trong năm 2012, 80 công ty đã nộp đơn tham gia. Trong sự kiện hồi tháng Tư năm nay, chủ yếu là tập trung vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc, đã có 200 công ty tham gia, thu hút được nhiều startup có số vốn hỗ trợ tốt như Honor, HomeHero và CareLinx.
Một dịch vụ “người chăm sóc gia đình” trực tuyến tên là Envoy là trong số những startup nhận được nhiều người hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực này. Công ty này, dù mới được thành lập 4 năm, đã thu hút được 4.2 triệu USD từ những nhà đầu tư ban đầu đáng chú ý như quỹ đầu tư mạo hiểm SoftTech và Lowercase Capital, 2 quỹ đầu tư từng hỗ trợ các startup như Fitbit, Mint.com, Uber, Instagram và Kickstarter.
Ngay cả những doanh nghiệp có sản phẩm được xem là “không hấp dẫn” cũng đang tìm cách chiếm lĩnh thị trường baby boomer này. Chẳng hạn như dịch vụ chăm sóc chân là một thị trường khổng lồ, và “tìm được đôi giày hấp dẫn và mang lại cảm giác thoải mái là một thương vụ khổng lồ”, Lori Bitter, người đứng đầu công ty tư vấn The Business of Aging ở California, cho biết.
Do vậy, vào năm 2013, một trong những nhà sáng lập của công ty Rockport là Bruce R. Katz đã thành lập công ty giày Samuel Hubbard để bán các sản phẩm chăm sóc đôi chân cho những quý ông của thế hệ baby boomer. “Khi người ta lớn tuổi hơn, đi bộ là một trong những bài thể dục quan trọng nhất, và họ cũng có nhiều vấn đề hơn với đôi chân”, Katz chia sẻ lý do ra đời của công ty.
Hiện Samuel Hubbard đang bán sản phẩm của mình trên mạng và thông qua các nhà bán lẻ, với 18 kiểu giày dành cho nam giới và sẽ sớm có giày cho nữ. Doanh thu năm ngoái của công ty này, chỉ tính riêng đối tượng baby boomer, là 2 triệu USD. Katz hy vọng sẽ đạt con số 12 triệu USD trong năm nay và ước tính sẽ có lợi nhuận trong năm tới./.
|