Thứ Hai, 08/08/2016 20:00

Chuyển động dòng tiền tuần 01-05/08:

Cổ phiếu nào xuất hiện dòng tiền bắt đáy?

Thống kê của Vietstock cho thấy, chỉ có 8 cổ phiếu tăng giá có dòng tiền tăng trưởng trong tuần qua (01-05/08) và còn lại đều sụt giảm đáng kể. Đáng chú ý là dòng tiền bắt đáy lại xuất hiện khá nhiều ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Thị trường chứng khoán tuần qua cũng là tuần đầu tiên của tháng 7 âm lịch đã sớm diễn ra theo đúng với tâm lý bi quan khi cả hai chỉ số trên sàn lao dốc mạnh: VN-Index mất 3.8% và HNX-Index mất 3.2%. Trong khi đó, thanh khoản thị trường biến động trái chiều với khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 107.1 triệu đơn vị/phiên, tăng 2.36% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 34 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 7.41%.

Xét trong nhóm các cổ phiếu có giao dịch trên 100,000 đơn vị/phiên, sàn HOSE có 13 mã tăng trưởng dòng tiền trên 100% so với tuần giao dịch trước đó. Trong khi con số này trên sàn HNX chỉ là 1, song mức tăng trưởng lại khá ấn tượng, lên đến hơn 530%.

Cụ thể, SRC dẫn đầu sàn HOSE với khối lượng giao dịch bình quân đạt 594,000 đơn vị/phiên, tăng trưởng 319%. Tuy nhiên, trong suốt tuần giao dịch này cũng là thời điểm mà CTCP Đầu tư cao su Quảng Nam (HOSE: VHG) thoái gần 3 triệu cp SRC để giảm sở hữu từ gần 4 triệu cp (tỷ lệ 19.88%) xuống còn 999,150 cp SRC (chiếm tỷ lệ 4.99%).

Đối với VIC, tuần qua cổ phiếu này giảm hơn 13% sau những thông tin liên quan đến thương vụ công ty con Tân Liên Phát dừng chuyển đổi khoản vay thành cổ phần tại Gỗ Trường Thành (TTF). Điều này có thể khiến ông lớn này trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư khi mà lực cầu gia tăng đáng kể, đẩy khối lượng giao dịch bình quân tuần qua của VIC lên mức hơn 1.1 triệu đơn vị, tương ứng tăng 242% so với tuần giao dịch trước đó.

Ngoài ra, VIC cũng vừa báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2016 với lợi nhuận sau thuế là 2,926 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 98% so với kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016. Tập đoàn này cũng dự kiến thực hiện chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1,000:225 (cổ đông sở hữu 1,000 cổ phần được quyền nhận thêm 225 cổ phần mới). Tổng số cổ phần dự kiến phát hành thêm gần 484.5 triệu cổ phần. Sau đợt tăng vốn này, VIC nâng số cổ phần lưu hành sẽ tăng lên từ 21,532 tỷ đồng lên 26,377 tỷ đồng. Đây là một trong những lý do cho thấy tại sao dòng tiền bắt đáy hoạt động mạnh ở cổ phiếu này.

Tuy nhiên, không chỉ có VIC, ông lớn khác là HAG cũng được bắt đáy mạnh tuần qua với dòng tiền tăng hơn 100%, đạt hơn 4.5 triệu cp khi giá cổ phiếu rớt hơn 19%. Tính đến phiên 05/08 thì HAG đóng cửa tại 5,200 đồng/cp, tức giảm hơn 63% kể từ khi niêm yết. Một con số “khó chấp nhận” được cho một ông lớn như HAG. Đến nay thì HAG vẫn chưa công bố BCTC quý 2 cũng như tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016.

Ngoài hai ông lớn trên, nhóm cổ phiếu đầu cơ nhận được sức hút của dòng tiền như VNE, OGC, LCG, GTN, PPI, HAI, PTL… Trong đó phải kể đến OGC khi thanh khoản bật tăng 135%, lên mức trung bình hơn 2 triệu đơn vị/phiên. Điều đáng chú ý là phần lớn khớp lệnh OGC đều diễn ra tại mức giá sàn tại các phiên giao dịch trong tuần (riêng phiên ngày 04/08 khớp hơn 7.3 triệu cp).

Ở chiều ngược lại, cũng chính nhóm cổ phiếu đầu cơ lại bị dòng tiền rút mạnh, chẳng hạn như JVC, IJC, KSA, VNH, QBS, HHS, NVT. Trong nhóm này thì QBS là cú sốc lớn nhất cho nhà đầu tư khi đơn vị này công bố BCTC quý 2 với con số lỗ hơn 22 tỷ đồng trong khi 1 ngày trước đó còn tái khẳng định sẽ có lãi 28 tỷ đồng. Điều này đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi QBS trong tuần qua với khối lượng giao dịch giảm 43% và giá bay hơi đến 22%. Sau vụ việc, QBS lên tiếng rằng, ước tính lợi nhuận trước đó được đưa ra là con số trước dự phòng thua lỗ tại CTCP DAP VINACHEM mà tại thời điểm công bố thì QBS chưa có số liệu cụ thể.

Trên sàn HNX, tăng mạnh nhất về dòng tiền cũng là một mã đầu cơ mang tên ITQ. Khối lượng giao dịch bình quân ITQ tuần qua đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên, tăng 531% so với tuần trước đó. Ở ITQ xuất hiện lực bắt đáy ngay trong phiên 04/08 với khối lượng giao dịch hơn 4.2 triệu cp sau 2 phiên nằm sàn liền trước đó.Tính đến ngày 05/08 thì giá ITQ cũng đã sụt giảm hơn 60% kể từ lúc đặt chân lên sàn.

Biến động ITQ kể từ khi niêm yết

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

Nhiều trường hợp nữa cho thấy dòng tiền bắt đáy hoạt động mạnh ở nhóm đầu cơ như KLF, TIG, TEG, VIX, S99, PV2… Ngược lại, ACM, MPT, SPI, KSK, VIG là 5 mã đầu cơ bị co hẹp mạnh về dòng tiền. Ngay cả hàng cơ bản khác như VND, BII, DBC, PVI, VGS… cũng chịu chung số phận.

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE

 

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX

 

Trên HOSE, chỉ có 11 cổ phiếu tăng giá trong tuần giao dịch qua khi xét trên nhóm có giao dịch trên 100,000 đơn vị/phiên. Và chỉ duy nhất VIS là cổ phiếu vừa có giá tăng vừa có dòng tiền tăng trưởng cao. Đáng chú ý trong tuần qua thì VIS có giao dịch thỏa thuận hơn 26 triệu cp, đây là số cổ phần mà Tổng Công ty Sông Đà thực hiện thoái vốn khỏi VIS. Đến nay cũng đã lộ diện các nhà đầu tư mua số cổ phần trên gồm 1 tổ chức là Công ty Thương Mại Tân Hưng mua gần 10 triệu cp, 2 cá nhân là Lê Thành Thực và Nguyễn Ngọc Quyết đã gom tương ứng 8 triệu cp và 8.2 triệu cp.

Cũng phải nói thêm là giá cổ phiếu VIS đã tăng hơn 90% kể từ đầu năm 2016, từ mức 7,200 đồng/cp để lên mốc 13,700 đồng/cp. Khối lượng giao dịch bình quân trong giai đoạn này đạt hơn 293,000 đơn vị/phiên, tăng đáng kể so với thời điểm trước đó.

Biến động cổ phiếu VIS từ đầu năm 2016

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

Trên HNX, tính trên nhóm có giao dịch trên 100,000 đơn vị/phiên thì chỉ có 10 mã tăng giá và 4 trong số đó là TTB, PVS, PVX và DST có thanh khoản nằm trong top 20 mã tăng mạnh nhất sàn.

Tuần qua, khối ngoại mua ròng trên HOSE với 219.8 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với 110.9 tỷ đồng. Trên HOSE, lực mua ròng tập trung mạnh nhất là ở VNM với 86.8 tỷ đồng; tiếp theo là HPG với 46.1 tỷ đồng, GAS với 37.3 tỷ đồng, PVT với 28.5 tỷ đồng… Về phía bán ròng là các mã như HBC với gần 45.76 tỷ đồng, tiếp theo là MSN với 42.45 tỷ, VIC với 27.1 tỷ đồng...

Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở PVS với 53.6 tỷ đồng, NTP với 10.7 tỷ đồng và VIX với 9.7 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở AAA và HUT với 15.3 tỷ và 6.1 tỷ đồng.

Các tin tức khác

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 09/08 (09/08/2016)

>   Cổ phiếu TTF chỉ giao dịch vào phiên chiều (10/08/2016)

>   Chứng khoán cơ bản – Nền tảng vững chắc, đầu tư thành công (13/08/2016)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 08/08: Hồi phục từ trendline hỗ trợ (08/08/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 08/08: Đóng cửa trái chiều (08/08/2016)

>   08/08: Bản tin đầu tuần (08/08/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 08/08 (08/08/2016)

>   Tuần 08-12/08/2016: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (07/08/2016)

>   HNG: "Tin đồn hủy niêm yết là không chính xác" (05/08/2016)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 05/08/2016: Xuyên thủng cận dưới của kênh giá (05/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật