Bức tranh ngành bất động sản nửa đầu năm qua các đại gia nghìn tỷ
Theo thống kê của Vietstock, có 16 doanh nghiệp bất động sản có vốn trên nghìn tỷ đồng đang niêm yết trên sàn hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp này đã tạo ra tổng doanh thu gần 36,000 tỷ đồng và lợi nhuận gần 3,400 tỷ đồng, lần lượt tăng 88% và 54% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm của 16 đơn vị có vốn trên nghìn tỷ đồng
Vị thế dẫn đầu của VIC và “cơn bão” Vinhomes
Là một doanh nghiệp có vốn lớn nhất trên sàn hiện nay, hơn 21,500 tỷ đồng, Vingroup (VIC) tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu đối với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết về kết quả kinh doanh. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất của VIC đạt 24,426 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đạt được 54% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế là 2,926 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 98% so với kế hoạch năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 1,522 tỷ đồng (chiếm gần 39% lợi nhuận toàn ngành bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2016), tăng 112% so với nửa đầu năm 2015.
Kết quả này của VIC có sự đóng góp lớn từ các thương hiệu Vinhomes, Vincom Retail, Vinpearl, Vinpearl Land, Vinschool, Vinmec, VinMart và VinPro. Riêng trong quý 2/2016, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản, bán hàng siêu thị và cửa hàng tiện ích chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt đạt 4,533 tỷ và 2,465 tỷ đồng, tăng 31% và 226% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của CBRE, trong nửa đầu năm 2016 tại khu vực trung tâm TPHCM đã có sự mở bán trở lại của một vài dự án cao cấp, trong đó phải kể đến dự án Khu đô thị Vinhomes Golden River (Vinhomes Ba Son quận 1) của VIC được mở bán hồi cuối tháng 3/2016 với giá bán trên 3,500 USD/m2.
Theo chia sẻ của bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE, tại hội thảo “Sức hút cổ phiếu bất động sản - Góc nhìn từ cung cầu thị trường” được tổ chức ngày 25/07 vừa qua, dự án Vinhomes Golden River được 5,000 môi giới bất động sản thực hiện chào bán. Điều này gây rúng động cho phân khúc cao cấp khi đó và làm cho các chủ đầu tư (trong cùng phân khúc với VIC) đành phải suy nghĩ lại về việc mở bán các dự án của mình bởi không muốn đối đầu với “cơn bão” mang tên Vinhomes. Đó là lý do tại sao từ tháng 4 trở đi chỉ có các dự án tầm trung và bình dân ở TPHCM được mở bán, còn dự án cao cấp chỉ mở bán tiếp dự án có sẵn chứ không đưa thêm dự án mới ra thị trường.
Trở lại với kết quả kinh doanh, đứng ngay sau VIC tiếp tục là một ông lớn hoạt động mạnh trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng FLC. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, FLC đạt hơn 3,706 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 85%, tuy nhiên do các khoản chi phí tài chính và chi phí hoạt động tăng mạnh, mức tăng của lãi ròng ở mức 37%, đạt 563 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, Ban lãnh đạo FLC cho biết, mục tiêu kinh doanh năm 2016 là khả thi dựa trên các nguồn thu từ khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng từ các quần thể đã và sẽ đi vào hoạt động là FLC Sầm Sơn, FLC Vĩnh Phúc và FLC Quy Nhơn bên cạnh nguồn thu chuyển nhượng dự án bất động sản khác.
Bất động sản khu công nghiệp: KBC và ITA trái chiều
Ngay từ đầu năm 2016, nhiều tổ chức tư vấn lớn như CBRE hay Cushman & Wakefield đã đưa ra các kịch bản khá tích cực về triển vọng bất động sản khu công nghiệp trước sự dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam nhằm đón đầu các cơ hội từ TTP hay FTA. Trên sàn niêm yết hiện nay có nhiều doanh nghiệp bất động sản hoạt động trong phân khúc này nhưng Tân Tạo (ITA) và Kinh Bắc (KBC) là nổi bật nhất.
Song, trong nửa đầu năm 2016, kết quả kinh doanh của hai doanh nghiệp này lại trái ngược nhau. Theo đó, KBC có doanh thu đạt 1,113 tỷ đồng, tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, doanh thu thuê đất và cơ sở hạ tầng tăng 62%, đạt 843 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các khu công nghiệp như Tràng Duệ, Quế Võ, Tân Phú Trung hay Quang Châu. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận tăng đáng kể, đạt 420 tỷ đồng.
Trong khi đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, ITA đạt tổng doanh thu 179.6 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2015 và tương đương 15% kế hoạch 2016. Lãi ròng nửa đầu năm ghi nhận 29.2 tỷ đồng, giảm 75% so với thực hiện nửa đầu năm 2015. Theo giải trình từ phía ITA, việc doanh thu sụt giảm là do ảnh hưởng của chính sách ghi nhận doanh thu (các hợp đồng cho thuê đất phải thu được 90% giá trị hợp đồng mới được ghi nhận doanh thu), kéo theo sự chênh lệch giá vốn hàng bán, khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh.
Bất động sản trung cấp tiếp tục là điểm sáng
Cả Savills và CBRE đều có báo cáo cho thấy lượng cung trong phân khúc nhà ở trung cấp đều tăng trong hai quý đầu năm nay. Bên cạnh đó là lượng giao dịch tăng mạnh, chẳng hạn theo Savills thì trong quý 2/2016, lượng căn hộ hấp thụ tăng trưởng mạnh mẽ, với hơn 6,900 giao dịch, tăng 10% theo quý và 34% theo năm. Hạng B dẫn đầu chiếm 49% thị phần lượng giao dịch toàn thị trường.
Trong phân khúc này, Nam Long (NLG) là đơn vị gặt hái được kết quả ấn tượng nhất với 1,103 sản phẩm đã bán được, bao gồm hợp đồng mua bán giữ chỗ đặt cọc trên kế hoạch bán 1,175 sản phẩm. Doanh thu của Công ty đạt 1,068 tỷ đồng, vượt kế hoạch 914 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của NLG đạt 127 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch 6 tháng, tăng trưởng 110% so với cùng kỳ năm trước. Trong kế hoạch 6 tháng cuối năm, vào tháng 8, NLG sẽ mở bán giai đoạn 2 của Fuji Flora và block cuối cùng của EHome 3. Đến tháng 9, NLG sẽ mở bán Fuji Valora giai đoạn 2-3 và ra mắt Camelia Garden vào tháng 10. Dự kiến cả năm 2016, NLG sẽ bán 3,190 sản phẩm, với doanh thu 3,187 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 360 tỷ đồng, tăng trưởng 75% và ROE đạt 16%.
Trong 5 năm tới, NLG cho biết vẫn tập trung chủ lực vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền bởi nhìn nhận nhu cầu còn rất lớn. Cụ thể, năm 2016, NLG sẽ hoàn tất các dự án sẵn có như Ehome 3, 4, 5 và 6. Đến năm 2017, NLG sẽ ra mắt 7 dự án (4 dự án mới) gồm dự án Nguyên Sơn 37 ha với 5,000 sản phẩm, dự án Hoàng Nam 8ha với 5,000 sản phẩm, Phú Hữu 7ha tại quận 9, dự án Ehome 7 tại Thủ Đức, 14ha tại Cần Thơ cùng sự tiếp nối của dự án Fuji và Camelia. Số lượng dự án này sẽ giúp NLG duy trì hoạt động kinh doanh trong 3-5 năm tới tùy thuộc sự hấp thụ của thị trường.
Đối với Đất Xanh (DXG), việc bàn giao dự án Sunview Town tiếp tục đóng góp lớn vào doanh thu Tập đoàn này trong nửa đầu năm 2016 với giá trị 1,087 tỷ đồng, tăng 384%. Tuy nhiên, do hoạt động mảng môi giới sụt giảm khiến lợi nhuận DXG theo đó bị ảnh hưởng khi giảm nhẹ so cùng kỳ, đạt 149 tỷ đồng.
Sau khi triển khai thành công dự án Luxcity trong quý 4/2015, DXG đã triển khai dự án mới trong tháng 5/2016 (Opal Riverside, 626 căn hộ, giá trị đầu tư 940 tỷ đồng) với tiến độ bán hàng đến tháng 6 đã đạt khoảng 40% toàn dự án. Trong một báo cáo giữa tháng 6/2016, CTCK Bản Việt (VCSC) dự báo khối lượng giao dịch của DXG năm 2016 có thể đạt 1,600 căn hộ (tăng 70% so với 2015) và giá trị hợp động giao dịch đạt 2,800 tỷ đồng, tăng 121%.
Phân khúc trung cấp cũng có sự góp mặt của ông lớn Sacomreal (SCR). Tuy nhiên, sau nửa đầu năm 2016, SCR đạt doanh thu gần 168 tỷ đồng, tăng 147% nhưng lãi ròng chỉ 37 tỷ, giảm 74% so với nửa đầu năm trước. Kết quả này của SCR chỉ mới bằng 12% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lãi cả năm 2016.
Nhà ở xã hội: HQC hưởng lợi lớn
Hiện nay ông lớn có vốn nghìn tỷ trên sàn làm nhà ở xã hội tiên phong tại phía Nam có thể kể đến là Hoàng Quân (HQC). Đơn vị này đang phát triển tất cả 15 dự án nhà ở xã hội rộng khắp khu vực. Một vấn đề nóng thời gian vừa qua đó là việc dừng giải ngân gói 30,000 tỷ đồng đã ảnh hưởng không nhỏ lên HQC khiến kết quả 6 tháng đầu năm không đạt như kỳ vọng trước đó. Theo đó, doanh thu HQC đạt 816 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 66 tỷ đồng; chỉ tăng lần lượt 44% và 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, những lo ngại này sẽ không còn đối với HQC khi mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức ban hành Thông tư số 25/2016/TT-NHNN cho phép giải ngân gói 30,000 tỷ đồng đến hết ngày 31/12/2016. Những đối tượng tiếp tục được giải ngân bao gồm các hợp đồng tín dụng của cá nhân ký trước ngày 31/3/2016 thuộc các hợp đồng tín dụng đã được ngân hàng tổng hợp và báo cáo NHNN tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10/5/2016. Thông tư 25 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2016 được đánh giá là sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân và đồng thời khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc nói chung và HQC nói riêng chắc chắn sẽ hưởng lợi đáng kể.
Đại diện HQC cho biết, sau khi Thông tư 25 được ban hành, bên Ngân hàng BIDV, Vietinbank và HQC đã nối lại các hoạt động giải ngân cho khách hàng, dự kiến có 300 hồ sơ trong tháng 8 này (năm 2016 ước khoảng 1,500 khách hàng được giải ngân). Điều này sẽ đồng nghĩa với việc HQC sẽ tiếp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lớn từ dự án HQC Palza (đã bàn giao 1,300 căn) và các dự án khác gồm HOF-HQC Hồ Học Lãm (718 căn), HQC Nha Trang (1,002 căn), HQC Phú Tài (306 căn), HQC Tây Ninh (1,526 căn)…
Ngoài ra, HQC cũng đang đứng trước cơ hội lớn khác khi gói 30,000 tỷ chính thức kết thúc đó là việc Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg về cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (VBSP) theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP với mức lãi suất 4.8%/năm. Thực tế chính sách này vẫn chưa được triển khai nhưng Chủ tịch HQC Trương Anh Tuấn tin rằng chậm nhất quý 2/2017 thì chính sách này sẽ được khơi thông./.
|