Thứ Năm, 21/07/2016 09:35

Vĩnh Hoàn - luồng gió mới và sự bứt phá trong quý 2

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đạt doanh thu hơn 3.700 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 307 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ và đạt 88% kế hoạch cả năm.

Đáng chú ý, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 2/2016 ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 2.100 tỷ đồng và 206 tỷ đồng, tăng lần lượt là 24% và 132% so với cùng kỳ 2015.

Tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc nhờ vào sự cộng hưởng của hai yếu tố: tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Trong quý 2/2016, biên lợi nhuận gộp, của VHC đã tăng lên mức 18% từ 13-14% trong nhiều năm qua, nâng biên lợi nhuận trung bình 6 tháng lên 17%.

Công ty cũng ghi nhận mức kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu theo tháng (28.5 triệu USD) trong tháng 5 và tháng 6. Với kết quả này, Công ty tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu ngành cá tra với thị phần chiếm 16% và vượt lên dẫn đầu ngành thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016.


(Nguồn: VASEP)

Theo VHC, để đạt được kết quả như vậy, Công ty đã phối hợp tốt giữa chiến lược mở rộng thị trường toàn cầu và kiện toàn về hệ thống quản trị và kiểm soát nội bộ.

Thời gian qua, ngành cá tra Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi rào cản kỹ thuật từ các thị trường lớn ngày càng cao lẫn thách thức từ nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, giữa các công ty nội địa vẫn loay hoay cạnh tranh lẫn nhau trong phân khúc cá fillet truyền thống khiến biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp.

Vĩnh Hoàn khẳng định vị thế của mình qua chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá, tập trung đầu tư bài bản vào nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, triển khai chiến lược marketing riêng biệt tại các thị trường tiềm năng, mở rộng kênh phân phối, tiếp cận gần hơn với các chuỗi siêu thị và nhà bán lẻ thay vì chỉ tới nhà nhập khẩu như trước. Nhờ vậy, bất chấp các khó khăn của thị trường, VHC vẫn duy trì và mở rộng mạng lưới khách hàng của mình. Đơn cử tại thị trường Mỹ - thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất (5 tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu trên 161 triệu USD cá tra, trong đó ừ Việt Nam là 141 triệu USD, chiếm 21,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam), VHC đã tận dụng tốt lợi thế về mức thuế chống phá giá thấp (0%) của mình và tình trạng hạn chế về nguồn cung cá tra vào Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu tại đây. Kết thúc 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu VHC vào thị trường Mỹ đạt hơn 80 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Xuất khẩu vào thị trường này vẫn chiếm 63% trong tổng giá trị xuất khẩu của VHC và chiếm 43% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ. Tỷ trọng này thay đổi không đáng kể so với năm 2015 do Công ty vẫn tập trung nỗ lực bán giá cao để tối đa hóa lợi thế tại thị trường này và tối ưu hóa giá trị cho nhà đầu tư.

Còn tại thị trường châu Âu, xuất khẩu vào thị trường này tiếp tục đà giảm liên tục qua các tháng, đến hết tháng 05/2016, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam vào châu Âu chỉ đạt 109 triệu USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với định hướng tập trung vào các sản phẩm giá trị giá tăng hướng đến các phân khúc thị trường cao cấp, VHC vẫn ghi nhận tăng trưởng tại nhiều thị trường như: Pháp (61%), Bỉ (31%), Tây Ban Nha (21%),..

Chiến lược tiếp cận các thị trường mới bắt đầu ghi nhận những kết quả tích cực với nhiều đơn hàng đến từ Peru, Nicaragua, Bangladesh, Ai Cập, Réunion,Thái Lan.

Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc và Nhật Bản tăng trưởng gấp đôi so với năm 2015, hứa hẹn sẽ là hai thị trường trọng điểm của Công ty trong tương lai gần, tạo thế cân bằng với thị trường Mỹ. Trong đó, xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ trong 6 tháng đã bằng cả năm 2015, và tỷ trọng tăng từ 3% trong tổng giá trị xuất khẩu năm 2015 lên 5% trong tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng.

Để thực hiện thành công chiến lược mở rộng thị trường này, không thể không kể đến lợi thế về chuỗi nuôi trồng - sản xuất khép kín và tỷ lệ tự chủ nguyên liệu đạt đến 60%, cùng với vị trí các vùng nuôi đặt tại thượng nguồn các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang đã giúp Vĩnh Hoàn đảm bảo được an ninh nguyên liệu và cam kết chất lượng trong bối cảnh diện tích nuôi cá tra tại Đồng bằng Sông Cửu Long đang bị thu hẹp và sản lượng giảm sút bởi ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn và hạn hán El Nino.

Thách thức và cơ hội mà thị trường đem lại là như nhau cho các doanh nghiệp, tuy nhiên để tận dụng tốt các cơ hội, đem lại lợi ích cho các cổ đông là điều không phải doanh nghiệp nào cũng làm được nếu thiếu tầm nhìn dài hạn và chiến lược kiện toàn về quản trị và hệ thống kiểm soát nội bộ.

Sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 vừa qua, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm đã thay thế bà Trương Thị Lệ Khanh đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc VHC. Theo VHC, giữa Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đã có sự phối hợp nhịp nhàng hơn, khi bà Khanh giữ vai trò hoạch định các chiến lược dài hạn, và bà Tâm sẽ đảm bảo các chiến lược được triển khai hiệu quả trong từng thời kỳ. Sự chuyển giao này đã giúp VHC tiến thêm một bước trong quá trình hướng đến mô hình quản trị chuyên nghiệp khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và vai trò điều hành. Vị nữ tướng mới đã đem lại luồng gió thay đổi đến toàn bộ doanh nghiệp, thể hiện rõ nhất ở quá trình cơ cấu lại tổ chức doanh nghiệp hiện tại với cơ chế trao quyền và trách nhiệm lớn hơn cho từng giám đốc chuyên trách của từng mảng kinh doanh riêng biệt (nuôi trồng, sản xuất, phi sản xuất, collagen và gelatin) và hệ thống các quy trình, quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đi kèm với từng bộ phận chức năng. Sự tinh gọn và chuyên môn hóa này đã góp phần tăng cường tính hiệu quả hoạt động và tính minh bạch thông tin; vốn là những đòi hỏi tiên quyết đối với VHC khi Công ty đang định vị mình không chỉ là một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam, mà xa hơn nữa là một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm mang tầm khu vực và quốc tế.

Những chiến lược kinh doanh này kỳ vọng sẽ đem lại tăng trưởng bền vững cho Vĩnh Hoàn trong dài hạn. Trong ngắn hạn, sự thay đổi từ chính bản thân doanh nghiệp bước đầu đã tạo ra các kết quả tích cực khi các hệ số tài chính 6 tháng đầu năm đều được cải thiện so với cùng kỳ năm 2015.


(Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2 của VHC)

Trên sàn, thị trường cũng đón nhận các thông điệp lạc quan này khá nhanh chóng, thể hiện ở tính thanh khoản và giá cổ phiếu VHC đều tăng trưởng mạnh trong 3 tháng vừa qua (khối lượng giao dịch trung bình 30 ngày tính đến cuối tháng 06/2016 đã tăng 1.5 lần so với tháng 01/2016, giá đóng cửa ngày 30/06 đạt 45,500 đồng/cổ phiếu, tăng 65% so với đầu năm).


Cổ phiếu VHC đã tăng từ mức 27,500 đồng/cp đầu tháng 1/2016 lên 45,500 đồng/cp cuối tháng 6/2016.
Các tin tức khác

>   VMC: Báo cáo tài chính quý 2/2016 (công ty mẹ) (21/07/2016)

>   HSG: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh Yên Dũng - Bắc Giang (21/07/2016)

>   THG: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2016 (21/07/2016)

>   S4A: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2016 (21/07/2016)

>   MNC: Báo cáo tài chính quý 2/2016 (công ty mẹ) (21/07/2016)

>   TH1: Hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán, quý 2 có lãi gần 5 tỷ (21/07/2016)

>   SHN: Báo cáo tài chính quý 2/2016 (công ty mẹ) (21/07/2016)

>   NCT: Báo cáo về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn FTIF - Temleton Frontier Markets Fund (21/07/2016)

>   NNC: Nghị quyết HĐQT số 02 ngày 19/7/2016 (21/07/2016)

>   NSC: Nghị quyết HĐQT số 26 ngày 19/7/2016 (21/07/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật