Vinafood 2 - "Phóng tay đốt nhà táng"
Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn, thường nắm giữ các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên do trong một thời gian dài được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi, thậm chí đến mức phi lí, nhiều doanh nghiệp nhà nước rơi vào làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ triền miên khi phải cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thực tế đang diễn ra tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là minh chứng rõ ràng cho điều đó, khi để thất thoát một lượng vốn khổng lồ của Nhà nước.
"Phóng tay đốt nhà táng"
Theo bài phản ánh đăng trên báo điện tử Dân trí năm 2015, Vinafood 2 gần như là doanh nghiệp độc quyền trong xuất khẩu gạo, được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, đơn vị này liên tục kinh doanh thua lỗ và do quản lý yếu kém đã làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước.
Hàng loạt bê bối xảy ra tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2. (Ảnh internet)
|
Vinafood 2 gồm 44 công ty thành viên, trong đó có 14 đơn vị trực thuộc. Theo báo cáo của Vinafood 2 cho thấy, trong năm 2013, có tới 19 đơn vị thành viên của Vinafood 2 bị thua lỗ với khoản nợ khó đòi lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Một số đơn vị thua lỗ là nặng là Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh lỗ 164,66 tỷ đồng; Công ty Lương thực Trà Vinh lỗ 134,52 tỷ đồng; Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang lỗ 83,19 tỷ đồng; Công ty Lương thực Bạc Liêu lỗ 42,34 tỷ đồng; Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang lỗ 25,13 tỷ đồng; Công ty Lương thực Bến Tre lỗ 1,35 tỷ đồng; Công ty Lương thực Sóc Trăng lỗ 2,7 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ ngày 20/6/2014 cũng cho thấy, năm 2013, Vinafood2 lỗ 210 tỷ đồng. Quý I/2014 lỗ thêm 20,8 tỷ đồng, chủ yếu từ cá tra. Con số nợ khó đòi của Tổng công ty lên tới 623 tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo Người lao động giữa năm 2014 cho biết, trong 7 doanh nghiệp “con cưng” của Vinafood 2 làm ăn thua lỗ, thất thoát số tiền lớn, Công ty CP Lương thực Hậu Giang có dấu hiệu cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng; còn lãnh đạo Vinafood 2 thời đó lại quá dễ dãi trong quản lý.
Công ty CP Lương thực Hậu Giang có dấu hiệu cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh internet)
|
Ngày 19/3/2013, tổ kiểm tra đã có báo cáo gửi lãnh đạo Vinafood 2, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những sai phạm tại Hậu Giang Food, có dấu hiệu vi phạm quy định về áp dụng chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định trên báo cáo tài chính năm 2012. Cụ thể, tại thời điểm đầu năm 2013, Hậu Giang Food tồn kho hơn 46.164 tấn gạo, tấm các loại từ năm 2012 chuyển sang. Tuy nhiên, chỉ có hơn 23.164 tấn được để tại kho công ty, còn 23.000 tấn lưu bên ngoài mà ở đây chính là kho của Công ty Võ Thị Thu Hà (trụ sở 186 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM). Việc làm này đã vi phạm Điều lệ và Quy chế quản lý nội bộ của Tổng Công ty.
Bị đẩy đến bờ vực phá sản
Cũng theo báo Người lao động, theo kết quả “Giám sát tài chính đối với các đơn vị trực thuộc có kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ của Vinafood 2”, tính đến ngày 31/12/2013, 3/7 đơn vị thua lỗ thuộc đối tượng phải giám sát tài chính cho thấy hầu hết đều ở tình trạng nợ xấu cao, vốn vay ngắn hạn bị chiếm dụng do đưa vào đầu tư dài hạn và khả năng thanh toán nợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu hầu như bị mất.
Như tại Công ty Lương thực Trà Vinh, dù không có nợ xấu dẫn đến nợ phải thu khó đòi nhưng Công ty đã có số lỗ lũy kế trên 134,52 tỉ đồng. Vốn vay ngắn hạn bị chiếm dụng đưa vào đầu tư dài hạn của Công ty này lên đến 82 tỉ đồng. Như vậy, vốn của Công ty bị chiếm dụng không tham gia vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng từ 2 khoản trên lại hơn 217,1 tỉ đồng.
Tương tự, Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang và Công ty Lương thực Bạc Liêu khi đó cũng trong tình trạng bi đát với “khả năng tự chủ về tài chính bằng nguồn vốn chủ sở hữu đạt thấp, có khả năng không thể trả được các khoản nợ trong điều kiện tài chính thắt chặt”.
Trước thực trạng bi đát đó, năm 2015, theo báo điện tử Dân trí, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khi đó đã yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với Vinafood 2, đặc biệt là giám sát về tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, thu hồi công nợ phải thu khó đòi, tái cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, giám sát chặt công tác thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác theo tiến độ, đề án đã được duyệt; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả và tăng cường quản lý vốn, tài sản và bảo toàn vốn nhà nước tại Tổng Công ty theo quy định.
Xử lý sai phạm theo kiểu "hòa cả làng"
Cũng theo bài đăng trên báo điện tử Dân trí, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Vinafood 2 và một số đơn vị thành viên.
Theo đó, cơ quan thanh tra phát hiện Vinafood 2 đã để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm về hoạt động kinh doanh. Cụ thể, đã thực hiện cho vay và bảo lãnh vay vốn cho một số đơn vị (Công ty CP Tô Châu, Công ty TNHH Bình Tây, Cty TNHH MTV Lương thực Sài Gòn, Cty CP Lương thực Hậu Giang) không đúng quy định, vượt thẩm quyền được giao số tiền trên 1.780 tỷ đồng. Hậu quả là Tổng Công ty phải trả thay vốn cho Công ty CP Hậu Giang 28 tỷ đồng, khó thu hồi được vốn vay cho Công ty CP Tô Châu trên 80 tỷ đồng; nguy cơ phải trả thay cho Công ty TNHH Bình Tây nợ ngân hàng trên 93,4 tỷ đồng và Công ty CP Tô Châu gần 57 tỷ đồng.
Vinafood 2 và thương vụ góp vốn thành lập Công ty CP Vận tải biển Hoa Sen, sau đó thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Ảnh internet
|
Ngoài ra, tổng công ty Vinafood 2 còn đầu tư góp vốn và sử dụng vốn góp với giá trị trên 47 tỷ đồng để thành lập Công ty CP Vận tải biển Hoa Sen có nhiều sai phạm, đầu tư không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ mất vốn nhà nước gần 23 tỷ đồng; mua cổ phần của Công ty Vận tải biển Việt Nam số tiền 59,6 tỷ đồng và Công ty CP nước khoáng Samvi với số tiền 14,4 tỷ đồng chưa đúng quy định về trình tự thủ tục, đầu tư không hiệu quả; mua cổ phần của Công ty CP nước khoáng Samvi không đúng mệnh giá 455 triệu đồng, hàng năm Tổng Công ty không được chia cổ tức, phải trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu trên 55 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ khẳng định Vinafood 2 chưa thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước về thu mua lúa gạo tạm trữ, không giao dịch mua trực tiếp của người nông dân, không tổ chức liên kết được thành hệ thống trong mua bán nên chưc thực hiện đúng chính sách Nhà nước với mục đích tạm trữ lúa gạo để đảm bảo cho người nông dân có lãi tối thiểu 30%.
Tuy vậy, theo thông tin đăng trên trang Vietstock, tháng 3/2016, Sau khi Thanh tra Chính phủ phanh phui sai phạm trong quản lý kinh tế tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam hồi tháng 12/2015 gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của đơn vị này chỉ bị phê bình để... rút kinh nghiệm.
Trên cơ sở kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân giữ trọng trách lãnh đạo tại Vinafood 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Vũ Bá Vinh, Ủy viên HĐTV, Trưởng ban Kiểm soát; Huỳnh Văn Tranh, Kiểm soát viên Ban Kiểm soát Vinafood 2; phê bình ông Phạm Hoàng Hà, Chủ tịch HĐTV và ông Trương Thanh Phong, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty (đã nghỉ hưu).
Trách nhiệm thất thoát vốn thuộc về ai?
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP HCM, việc mua bán lòng vòng số lượng lớn gạo của Hậu Giang Food với Công ty Võ Thị Thu Hà gây lỗ số tiền lớn là rất không bình thường, cần phải xác định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng bởi tiền thua lỗ là làm mất vốn nhà nước. Sự bất thường này hoàn toàn có thể do vụ lợi. Mà dù không vì vụ lợi nhưng làm sai hoặc làm trái các quy định của Nhà nước, hậu quả đã xảy ra thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự ở hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 - Bộ luật Hình sự.
Nhiều sai phạm những những người chịu trách nhiệm ở Vinafood 2 chỉ bị xử lý qua quýt. (Ảnh internet)
|
Các đơn vị thành viên có tỉ lệ vốn trên 50% thuộc Vinafood 2 thì dù là đơn vị hạch toán độc lập nhưng luôn chịu sự quản lý trực tiếp của Vinafood 2 trong mọi hoạt động kinh doanh. Lẽ ra, ngay từ khi có các sai phạm nhỏ về việc ký kết hợp đồng mua bán vượt ngoài phạm vi của đơn vị thành viên hay việc mua bán lòng vòng cho chính một công ty bắt buộc Tổng Công ty phải phát hiện để can thiệp kịp thời nhằm giảm thiệt hại, đây là chức năng quản lý. Nhưng lãnh đạo Vinafood 2 đã không thực hiện hết chức trách của mình trong việc phát hiện các sai phạm này.
Bên cạnh đó, sai phạm của các đơn vị thành viên là rất rõ ràng, thanh tra nội bộ của Tổng Công ty đã có kết luận mà lãnh đạo Vinafood 2 lúc đó không có xử lý tương ứng là có dấu hiệu của hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 - Bộ luật Hình sự.
Ánh Sáng
Báo xây dựng
|