Vì sao Trung – Nhật vẫn phải cần nhau?
Theo CNBC, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản không mấy tốt đẹp, nhưng về mặt thương mại và đầu tư, hai quốc gia này lại có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau.
Điều đó có thể thấy được qua sự hợp tác về mặt kinh tế từ rất sớm giữa hai “ông lớn” này: khoảng từ năm 1948 đến năm 1949, và thỏa thuận thương mại không chính thức đầu tiên giữa hai bên là vào năm 1952.
Vậy cụ thể là như thế nào?
Đối tác thương mại cùng có lợi
Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản là “bổ sung cho nhau và có lợi lớn cho cả hai phía”, như lời của Martin Schulz, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Fujitsu.
“Lợi ích có thể không bằng nhau, nhưng có lợi cho lẫn đôi bên và mang lại nguồn thu cao hơn cho cả hai phía. Chẳng hạn như, thị trường xe hơi của Trung Quốc là quan trọng hơn nhiều đối với Nhật Bản và không thể được thay thế bằng nguồn cầu ở các quốc gia khác, và ngược lại, thị trường nông nghiệp Nhật Bản là quan trọng hơn đối với Trung Quốc. Một điều thú vị là, lượng xe hơi xuất khẩu từ Nhật sang Trung Quốc cũng tương đương với lượng sản phẩm nông nghiệp được xuất từ Trung Quốc sang Nhật", ông Schulz chia sẻ.
Nhật Bản hiện là điểm đến lớn thứ ba cho các mặt hàng xuất khẩu và cũng là quốc gia xuất xứ của các mặt hàng nhập khẩu lớn thứ tư của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là điểm đến lớn thứ hai cho các mặt hàng xuất khẩu và là nhà cung cấp hàng đầu cho các mặt hàng nhập khẩu của Nhật.
Và dĩ nhiên, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thì sản lượng xuất khẩu của Nhật Bản bị tác động tiêu cực là điều không thể tránh khỏi.
Trong tháng 5 vừa qua, sản lượng công nghiệp của Nhật đã giảm 0.4% so với cùng kỳ năm ngoái, và xuất khẩu cũng giảm 11.3% tháng thứ 8 liên tiếp. Lượng hàng được vận chuyển bằng đường thủy sang Trung Quốc giảm nhiều nhất: 14.9%.
Các công ty xuất khẩu của Nhật cũng phải đối mặt với vấn đề đồng JPY mạnh, khiến các mặt hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn, và làm cho lợi nhuận nước ngoài của họ suy giảm.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Trung Quốc và Nhật Bản cũng có mối quan hệ vững mạnh về FDI. Theo số liệu thống kê từ công ty Natixis, năm ngoái, 8.8% trong tổng lượng FDI của Nhật Bản là đổ vào Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc chỉ chịu xếp ngay sau Mỹ, quốc gia nhận FDI của Nhật Bản nhiều nhất.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Kohei Iwahara của Natixis, do mức lương ở Trung Quốc ngày càng tăng khiến lợi nhuận bị suy giảm nên các nhà sản xuất Nhật Bản đang bắt đầu chuyển sản xuất sang các quốc gia trong khối ASEAN như Việt Nam và Thái Lan.
Ở chiều ngược lại, theo thống kê của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, trong năm 2015, lượng FDI của Trung Quốc vào Nhật Bản cũng giảm 27.6% so với năm trước đó.
Nhật Bản: Điểm đến an toàn cho du khách Trung Quốc?
Mặc cho căng thẳng chính trị, du khách Trung Quốc vẫn đang lũ lượt kéo sang Nhật Bản nghỉ mát.
Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Trung Quốc cùng với sức tiêu thụ của họ đã thật sự mang lại lợi nhuận cho Nhật Bản. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, trong năm 2015, lượng du khách Trung Quốc đến Nhật Bản đã tăng 107.3% so với năm trước đó, và gấp 6 lần so với cách đây 1 thập kỷ, biến Trung Quốc thành quốc gia có lượng du khách đến Nhật Bản nhiều nhất.
Một cuộc khảo sát hồi tháng 3 do JTB, hãng lữ hành lớn nhất Nhật Bản, tiến hành cho thấy lý do phổ biến nhất khiến du khách Trung Quốc đến Nhật Bản là “họ xem đây là một quốc gia châu Á phát triển”, cũng như “để thưởng thức các món ăn Nhật Bản ngay tại chính nước này”./.
|