TPHCM xóa 3 khu công nghiệp khỏi quy hoạch
Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã trình UBND thành phố xem xét xóa quy hoạch Cụm công nghiệp Tân Quy A, Khu công nghiệp Hóa dược Phước Hiệp và Khu công nghiệp Bàu Đưng tại huyện Củ Chi do các KCN này - đã quy hoạch nhưng chưa thực hiện - gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.
TPHCM sẽ xóa 3 khu công nghiệp tại huyện Củ Chi - Ảnh: Văn Nam.
|
Người dân huyện Củ Chi, TPHCM đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng việc nhiều khu công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn huyện gây khó khăn cho người dân trong việc chuyển mục đích đất ở, xây nhà, tách thửa...
Theo một văn bản của Sở Quy hoạch Kiến trúc gửi UBND thành phố ngày 14-7 vừa qua, cử tri ở huyện Củ Chi gần đây đề nghị thành phố xóa quy hoạch Cụm công nghiệp Tân Quy A (diện tích 65 héc ta) vì quy hoạch đã nhiều năm nhưng chưa thực hiện, khiến người dân trong khu quy hoạch gặp khó khăn về chuyển mục đích đất ở, xây dựng nhà ở, tách thửa, cha mẹ cho con, không được sản xuất mang tính dài hạn.
Sở Quy hoạch Kiến trúc, các sở ngành và UBND huyện Củ Chi đã thống nhất đề nghị xóa quy hoạch Cụm công nghiệp Tân Quy A trong Báo cáo điều chỉnh quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện báo cáo đang được Sở Công Thương tổng hợp, chuẩn bị trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
Ngoài ra, sau khi làm việc với địa phương và các sở ngành, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã báo cáo UBND thành phố xóa quy hoạch Khu công nghiệp Phước Hiệp và Khu công nghiệp Bàu Đưng ra khỏi danh mục quy hoạch các khu công nghiệp tại thành phố và đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thực hiện. Trước mắt, sẽ công bố cho người dân rõ ranh xóa quy hoạch 2 khu công nghiệp nêu trên vào cuối tháng 7-2016.
Theo thông tin từng được TBKTSG Online đăng tải hồi giữa năm 2015, chính quyền TPHCM sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 17 cụm công nghiệp với diện tích đất gần 900 héc ta, để đến năm 2020 thành phố dự kiến chỉ còn tổng cộng 13 cụm công nghiệp với diện tích gần 764 héc ta.
Việc giảm diện tích đất cụm công nghiệp là điều cần thực hiện bởi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, đền bù giải tỏa ngày càng khó khăn, nhất là ở địa phương có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước như TPHCM. Thực tế hiện nay vẫn có một số cụm công nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư./.
tbktsg
|