Thị trường bất động sản: Vẫn thiếu nhà ở giá rẻ
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (BĐS) từ đầu năm 2016 đến nay tiếp tục tăng trưởng khá, lượng giao dịch thành công ổn định, tồn kho BĐS giảm. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng một số phân khúc nhà ở thương mại không đồng đều, tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng”; trong khi phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn thiếu nhiều. Đây là những vấn đề cần tập trung xử lý trong những tháng cuối năm.
Khu nhà ở xã hội Ecohome 2 tại Cổ Nhuế - Bắc Từ Liêm. Ảnh: Khánh Huy
|
Báo cáo thị trường BĐS Hà Nội của Công ty TNHH Savills Việt Nam cho thấy, tổng nguồn cung biệt thự, nhà liền kề đạt 32.620 căn (trong đó nguồn cung thứ cấp hơn 30.200 căn), tăng 7% so với quý I và khoảng 12% so với cùng kỳ 2015. Có 6 dự án mới bổ sung 908 căn, là mức cung mới trong một quý cao nhất trong 2 năm gần đây. Khu vực quận Hà Đông vẫn dẫn đầu về nguồn cung với 26% thị phần. Đáng chú ý, trong quý II-2016, thị trường ghi nhận 280 giao dịch, trong khi những quý trước rất ít hoặc gần như không có. Trong nửa cuối năm 2016, dự kiến có khoảng 1.200 căn sẽ gia nhập thị trường BĐS.
Đối với chung cư, tổng nguồn cung sơ cấp tính đến cuối tháng 6-2016 là 17.370 căn, tăng 7% theo quý và 29% theo năm. Có 10 dự án đang bán và 16 dự án mới, cung cấp thêm 6.700 căn. Khoảng 6.000 căn đã được bán, tăng 7% so với quý trước và 30% so với cùng kỳ 2015. Tỷ lệ hấp thụ đạt 35%, tăng 1% theo quý. Chung cư hạng trung bình vẫn dẫn đầu thị trường về số lượng bán được, với tỷ lệ 73%. Trong nửa cuối năm 2016, có khoảng 22.000 căn từ 41 dự án, chủ yếu hạng trung bình, dự kiến sẽ mở bán.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá, số lượng giao dịch ổn định, tồn kho BĐS giảm, dư nợ tín dụng BĐS tăng. Trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 7.800 giao dịch thành công; trong khi tại TP Hồ Chí Minh, con số này là 7.500 giao dịch. Tính đến 20-6-2016, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 37.489 tỷ đồng, so với tháng 12-2015 giảm 13.400 tỷ đồng (26%).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, thị trường BĐS tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, có sự phục hồi tốt, tuy nhiên không thể chủ quan với nguy cơ “bong bóng” ở phân khúc nhà ở thương mại. “Dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS chỉ chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng, nhưng trong từng phân khúc có sự phân bổ bất hợp lý về vốn. Bộ Xây dựng đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này, kiểm soát chặt hơn đối với phân khúc nhà ở thương mại...” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Cùng với nhà ở thương mại, thị trường có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội nhưng nguồn cung hiện còn thấp; ước tính đến năm 2020, thiếu khoảng 7 triệu mét vuông. Sau khi phát triển mạnh giai đoạn năm 2013-2014, từ đầu 2016, số dự án nhà ở xã hội khởi công mới giảm hẳn do gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được cam kết, giải ngân gần hết. Cùng với đó, chính sách dành ưu đãi nhà cho thuê nhiều hơn nhà bán, nhưng thực tế các doanh nghiệp vẫn xin chuyển đổi nhà cho thuê sang nhà để bán, dẫn đến thiếu loại hình nhà ở này.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, chủ trương vẫn là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội, công trình công cộng, vui chơi, khám chữa bệnh… Bên cạnh đó, lưu ý các địa phương trong quản lý, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, để có cơ chế thúc đẩy phân khúc nhà ở cho thuê. "Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính và đề nghị các bộ này chủ động cân đối ngân sách trung hạn cho phát triển nhà ở xã hội, bởi đây được coi là trụ cột trong chính sách an sinh xã hội thời gian tới" - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết./.
hà nội mới
|