Quyết ném vào mấy ngàn tỉ nữa làm sao được?
Chính phủ không “ném tiền” hỗ trợ dự án yếu kém. “Quyết ném vào mấy ngàn tỉ nữa làm sao được” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói...
Nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng vẫn bị bỏ hoang dù đã tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng ngân sách - Ảnh: N.KHÁNH
|
Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm của Bộ Công thương ngày 12-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết “không muốn nhắc lại” một số công trình lớn triển khai chậm cũng như các công trình “đắp chiếu”, nhưng khẳng định Chính phủ sẽ không tiếp tục “ném tiền” vào dự án thép Thái Nguyên dù đã nhận được đề xuất. “Quyết ném vào mấy ngàn tỉ nữa làm sao được” - ông Phúc nói, đồng thời yêu cầu Bộ Công thương cần ứng xử theo mục tiêu thị trường.
Đánh giá cao một số thành tích của ngành công thương nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại của Bộ Công thương như: một số chiến lược không phát huy hiệu quả (ngành thép, cơ khí, ôtô...), một số quy hoạch phát sinh phức tạp như thủy điện, các thương vụ của VN rất nhiều nhưng “nhiều đồng chí chưa lăn lộn tìm thị trường mới”...
Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương cần huy động tư nhân tham gia nhiều hơn vào chiến lược phát triển ngành công thương.
“Trừ một số lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước phải nhỏ đi, hiệu quả hơn, tư nhân phải ngày càng lớn mạnh. Doanh nghiệp nhà nước yếu quá phải bán, khoán cho thuê” - Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu Bộ Công thương thay đổi cách quản lý theo hướng việc nào thị trường làm tốt hơn hãy để thị trường tự vận động, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương cần hoạch định để công nghiệp, thương mại trong nước dịch chuyển theo hướng tăng năng suất dựa trên đổi mới công nghệ, sáng tạo, kết nối hơn với khu vực FDI.
Dẫn trường hợp một trường ĐH Mỹ nghiên cứu lấy da cá tra làm collagen, bán đắt hơn cả cá tra và xương cá làm thức ăn gia súc trong khi cá tra VN chỉ làm hai miếng phi lê, Thủ tướng cho rằng nếu cứ làm cách cũ sẽ khó nâng giá trị gia tăng.
Cũng theo Thủ tướng, Bộ Công thương phải làm việc với tinh thần khởi nghiệp, phục vụ doanh nghiệp, đề xuất cải cách thể chế, chính sách, đổi mới cách làm quy hoạch, xây dựng chiến lược theo thị trường...
“Ở nhiều quốc gia, bộ kinh tế hay bộ công thương có vai trò quan trọng. Như ở Nhật, đây là bộ não, trái tim thần kỳ của Nhật Bản. Chính phủ cũng có kỳ vọng ấy với Bộ Công thương” - Thủ tướng nói.
C.V.Kình
Tuổi Trẻ
|