Thứ Tư, 06/07/2016 16:21

Quỹ bảo lãnh tín dụng như “tiệm cầm đồ”!

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho rằng quy định phải có tài sản bảo đảm mới được quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh vay vốn ngân hàng chẳng khác nào biến các quỹ này thành những “tiệm cầm đồ cao cấp”!

Công nhân tại một doanh nghiệp in ở TPHCM. Ảnh: QUỐC HÙNG

Quỹ bảo lãnh không khác ngân hàng thương mại là mấy!

Giám đốc một doanh nghiệp kể chuyện hồi cuối năm ngoái, vì thiếu vốn, ông đã gõ cửa nhiều ngân hàng nhưng đều bị từ chối, lý do là vì tài sản bảo đảm của doanh nghiệp đã bị “niêm” hết vào khoản vay đầu tư dài hạn. Được hội doanh nghiệp cùng ngành chỉ lối đến gặp quỹ bảo lãnh tín dụng xin được bảo lãnh vay vốn, ông không ngờ rằng con đường này cũng “trần ai” không kém, vẫn thủ tục phức tạp, vẫn phải có tài sản bảo đảm! Ông bức xúc: “Nếu có tài sản thế chấp thì tôi đâu cần đến cậy quỹ bảo lãnh!”.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của các DNNVV rất lớn nhưng có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn qua quỹ bảo lãnh tín dụng do thủ tục nhiêu khê và các điều kiện vay vốn không khác nhiều so với vay các ngân hàng thương mại, đặc biệt là điều kiện về tài sản thế chấp.

Năm 2001, Chính phủ ban hành quy chế thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Sự ra đời của các quỹ tín dụng được xem là những cầu nối giữa ngân hàng với các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp hoặc chưa đủ điều kiện vay vốn ngân hàng nhưng có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi. Cho đến nay, cả nước đã có hơn 20 quỹ bảo lãnh tín dụng, thế nhưng vai trò cầu nối dường như không được phát huy là mấy.

Đơn cử tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng TPHCM (HCGF), sau gần 10 năm thành lập, đến nay mới thực hiện được 121 hợp đồng bảo lãnh với giá trị 871 tỉ đồng (tổng hạn mức vốn vay 1.457 tỉ đồng). Hiện tại, khoảng 97% trong số hơn 266.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là DNNVV, có nhu cầu vay vốn rất lớn nên kết quả hoạt động như trên của HCGF được cho là còn khiêm tốn. Đáng chú ý là từ đầu năm 2014 đến nay, HCGF chủ yếu thực hiện nghiệp vụ xử lý nợ, cung cấp thông tin, xây dựng phương án tài chính, dự án đầu tư cho doanh nghiệp chứ hầu như không thực hiện được hợp đồng bảo lãnh tín dụng nào.

Không chỉ riêng tại HCGF mà nhiều quỹ bảo lãnh cũng rơi vào tình trạng “ngồi chơi xơi nước”, nhất là từ khi Quyết định 58/2013/QĐ-TTg ra đời. Theo các quỹ bảo lãnh tín dụng, trước thời điểm tháng 10-2013, DNNVV có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện của tổ chức tín dụng về tài sản thế chấp thì có thể thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng để tiếp cận vốn ngân hàng. Thế nhưng sau đó, Điều 23 của Quyết định 58/2013 quy định DNNVV muốn được tổ chức bảo lãnh đứng ra bảo lãnh vay vốn thì buộc phải có tài sản thế chấp hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của bên vay. Ngoài ra, để bảo lãnh vay, các quỹ bảo lãnh cũng thẩm định hồ sơ bên vay rất kỹ, bao gồm hồ sơ dự án phải đầy đủ các yếu tố pháp lý, báo cáo tài chính không có nợ... Đây chính là vấn đề mấu chốt dẫn đến doanh nghiệp không thể trông cậy vào các quỹ này nữa.

Theo PGS.TS. Hạ Thị Thiều Dao (Đại học Ngân hàng TPHCM), không riêng TPHCM, báo cáo hoạt động từ các quỹ ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội... cũng cho thấy điểm vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động bảo lãnh tín dụng là quy định về tài sản đảm bảo và bảo toàn vốn trong khi trên thực tế, điều doanh nghiệp cần là được bảo lãnh các khoản vay không có tài sản đảm bảo. Còn điều kiện về có tài sản hình thành trong tương lai thì chỉ đối với các khoản vay đầu tư mới có; các hợp đồng mua bán ngắn hạn thì không có loại tài sản này.

Ngoài ra, còn nhiều ý kiến chỉ ra hàng loạt lý do khiến các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV trở thành mô hình hoạt động “tín dụng giả, trách nhiệm thật”, bởi thực chất các quỹ không cho vay được, không thu lãi, nhưng phải chịu trách nhiệm nhiều mặt. Cụ thể nếu xảy ra sự cố, quỹ bảo lãnh phải gánh cả trách nhiệm hình sự và dân sự.

Bên cạnh đó, mục tiêu hoạt động của quỹ là phi lợi nhuận với mức phí thấp nên quỹ rất khó kêu gọi sự góp vốn từ ngân hàng và doanh nghiệp, bởi các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu... Do vậy, nguồn tài chính của các quỹ thường không đủ mạnh. Họ hoạt động nhưng luôn trong tâm trạng sợ mất vốn...

Cần hướng tới lợi ích chung của xã hội

Là người từng theo dõi quá trình hình thành và hoạt động của HCGF, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận định quỹ này giờ đây chỉ hoạt động cầm chừng. “Quỹ bảo lãnh tín dụng mà giống như “tiệm cầm đồ cao cấp” thì làm sao doanh nghiệp có thể tiếp cận được”, ông nói.

Trong khi ở các nước như Mỹ, khi đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh, nhà nước chấp nhận một tỷ lệ có thể là 10-20% doanh nghiệp không trả được nợ, quỹ và nhà nước sẽ trả thay. Bù lại, xã hội có thêm những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển, tạo ra công ăn việc làm. Nêu quan điểm tại buổi hội thảo góp ý dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV (có đề cập đến các quỹ bảo lãnh tín dụng) tại TPHCM gần đây, ông Lịch nói: “Nếu cứ giữ quan điểm quỹ bảo lãnh không được để mất vốn như hiện nay thì rất khó”.

Ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cũng cho rằng quỹ bảo lãnh tín dụng mà cũng ràng buộc điều kiện về tài sản bảo đảm thì... cũng như không.

Ông Yasuzumi cho biết hầu hết DNNVV ở Nhật đều có thể nhận được sự hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng với lãi suất chưa đến 1%/năm, thấp hơn các doanh nghiệp lớn. Nhiều trường hợp được vay tín chấp, có thể chứng minh bằng công nghệ, cơ hội kinh doanh... hoặc do hiệp hội ngành nghề bảo lãnh.

Cũng theo ông Yasuzumi, quỹ bảo lãnh tín dụng ở Nhật thường không thể thu hồi được toàn bộ số vốn mà họ bảo lãnh. Chính phủ hoặc tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp sẽ chi trả những khoản vay cho các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, số DNNVV chiếm đến 99,7% doanh nghiệp cả nước, điều lớn nhất mà các chương trình hỗ trợ này mang lại là giúp thúc đẩy DNNVV phát triển, giải quyết việc làm, ổn định xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Còn theo ông Phạm Ngọc Hưng, việc bảo lãnh của các quỹ bảo lãnh dù sao cũng có giá trị hơn so với cho vay tín chấp nhưng ngân hàng vẫn cứ lo ngại rủi ro. Đây là vấn đề cần được xem xét lại, có thể cần có một chỉ đạo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc này. “Cần hiểu rõ khi bảo lãnh cho một doanh nghiệp tức là giúp họ tạo ra công ăn việc làm, đóng thuế cho nhà nước...”, ông Hưng nói.

Có ý kiến cho rằng để DNNVV có thể tiếp cận vốn và các quỹ bảo lãnh tín dụng có thể mạnh dạn hoạt động, cần có sự kết nối đồng bộ giữa quỹ, các hiệp hội, cơ quan bảo hiểm; Nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn thấp hơn cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn qua các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời, yêu cầu ngân hàng chung vai gánh rủi ro với quỹ. 

Quốc Hùng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giá vàng vẫn neo ở mức cao, khoảng cách mua bán là 1 triệu đồng (06/07/2016)

>   Trầy trật xử lý nợ xấu (06/07/2016)

>   Saigontourist tiếp tục bán đấu giá 10.75 triệu cp Saigonbank (06/07/2016)

>   UBGSTCQG: Lãi suất huy động có thể tăng tiếp trong nửa cuối năm (05/07/2016)

>   Lãi suất liên ngân hàng đồng loạt tăng trở lại (05/07/2016)

>   Tỷ giá USD/VND phá dớp biến động (05/07/2016)

>   ĐHĐCĐ Agriseco: Chưa xác định được “đáy” ở đâu (05/07/2016)

>   Ngày 19/7: Xét xử đại án tham nhũng hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB (05/07/2016)

>   Giá vàng dậy sóng, vượt ngưỡng 37 triệu đồng/lượng (05/07/2016)

>   Doanh nghiệp mua bán nợ phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng (05/07/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật