Philippines: ưu tiên phát triển hạ tầng bằng vốn tư nhân
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa nhận quyền lãnh đạo một đất nước có cơ sở hạ tầng yếu kém và giới đầu tư hy vọng ông sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế hơn người tiền nhiệm, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua phương thức hợp tác công tư.
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh Bloomberg
|
Theo một báo cáo cuối năm 2015 của Công ty tư vấn KPMG, trong khối ASEAN, Philippines thua kém Malaysia, Indonesia và Thái Lan ở cả 7 lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng yếu (đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không, cung cấp điện, viễn thông cố định và di động) và đi sau Việt Nam ở 5 trong 7 lĩnh vực này.
Chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Benigno Aquino, dù nỗ lực đẩy mạnh cơ sở hạ tầng nhưng do nguồn ngân sách hạn hẹp, chỉ đạt được một số thành quả khiêm tốn: chi đầu tư cơ sở hạ tầng của Philippines trước đây chỉ tương đương 3,2% tổng sản lượng GDP.
Phương thức đầu tư PPP (nhà nước và tư nhân cùng làm) dưới thời Tổng thống Aquino, đã được đề cao nhưng “mới chỉ có trong các bài thuyết trình power-point mà không triển khai trong thực tế xây dựng đường sá, nhà máy điện…”, theo ghi nhận của hãng tin Bloomberg. Bloomberg cho biết, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Aquino, chỉ có khoảng 10 dự án hạ tầng được triển khai theo phương thức PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 4,2 tỉ đô la Mỹ.
Phương thức PPP (Public – Private - Partnership) gồm các dự án đầu tư BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao), BT (xây dựng-chuyển giao) và BOO (xây dựng- sở hữu- vận hành) v.v…
Ngay trong lễ đăng quang hôm 30-6, Tổng thống Duterte – người đã có thành tích phát triển thành phố Davao ở tỉnh Mindanao trong thời kỳ ông làm thị trưởng nhiều nhiệm kỳ liên tiếp - đã cam kết sẽ thay đổi, sẽ nâng tỷ lệ đầu tư cơ sở hạ tầng lên 5% GDP, sẽ thúc đẩy việc triển khai 50 dự án hạ tầng chủ chốt theo phương thức PPP mà chính phủ tiền nhiệm để lại.
Cam kết của ông Duterte đã làm dấy lên niềm lạc quan và kỳ vọng của giới đầu tư Philippines. Ông Nescyn Presinede, chuyên viên tập đoàn Ngân hàng Rizal Commercial Banking Corp. ở Manila nói: “Tính cách ‘con người hành động’ của ông Duterte làm cho nhiều người kỳ vọng rằng ông sẽ đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng chứ không chậm chạp như chính phủ trước. Có một quan điểm đang lan rộng rằng, nếu lấy thành tích của ông Duterte ở Davao làm căn cứ xem xét thì rõ ràng ông sẽ không để cho nạn hành chính quan liêu cản trở con đường của mình”.
Nói cho công bằng, cựu Tổng thống Aquino đã có thành tích thu hẹp thâm hụt ngân sách, nâng cao mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đưa nền kinh tế Philippines đạt mức tăng trưởng nhanh nhất châu Á ngoài Trung Quốc. Nhưng ông Aquino đã không vượt qua nổi các rào cản pháp lý và hành chính quan liêu – chẳng hạn những quy định hạn chế về quyền thu phí đường bộ của nhà đầu tư BOT - để đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hồi tháng 3-2016, cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Aquino, chính phủ Philippines đã ban hành nghị định giải quyết vấn đề quyền thu phí, thành lập Trung tâm Đối tác Công tư (PPP) thuộc chính phủ, soạn thảo dự luật về PPP để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, cải thiện tính minh bạch và lập ra một ngân quỹ dự phòng nhằm chi trả những chi phí đột xuất trong trường hợp nhà nước không thực hiện được nghĩa vụ của mình trong các dự án PPP. Tổng thống Duterte còn muốn rút ngắn thời gian xét duyệt các dự án PPP xuống còn 18-20 tháng so với mức bình quân 29 tháng dưới thời Tổng thống Aquino, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez cho biết.
**
Philippines đang "đói” hạ tầng, theo ông David Nicol – phụ trách đầu tư của Metro Pacific, tập đoàn đang rót vốn mạnh vào ngành điện qua việc mua cổ phần chi phối một công ty phân phối điện lớn nhất miền Trung Philippines và tăng cổ phần nắm giữ trong Manila Electric Co. – nhà phân phối điện lớn nhất nước.
Ông Nicol dẫn số liệu thống kê của chính phủ cho biết trong 15 năm, từ 2000 đến 2014, tiêu thụ điện năng của Philippines tăng 86% trong khi nguồn cung điện chỉ tăng 44%. Các tập đoàn lớn như hãng bia San Miguel, công ty bất động sản Ayala Corp… gần đây đều nhảy vào kinh doanh lĩnh vực sản xuất và phân phối điện.
“Điện năng là tiêu điểm của chính phủ mới, và nếu ông Duterte hành động nhanh hơn ông Aquino, các nhà đầu tư sẽ có phản ứng tích cực”, ông Smith Chua, quản lý quỹ đầu tư trị giá 12 tỉ đô la Mỹ của Bank of Philippine Islands, cho biết.
Trong thực tế, các tập đoàn lớn của đảo quốc này, như Aboitiz, Metro Pacific, Ayala, GT Capital Holdings Inc. và JG Summit Holdings Inc… đều đang giữ rất nhiều tiền trong két sắt, sẵn sàng tham gia các chương trình phát triển hạ tầng của chính phủ. “Nhiều công ty, kể cả các ngân hàng, đang huy động vốn vì dự báo sẽ có nhiều dự án hạ tầng được chuẩn bị”, ông Fritz Ocampo, phụ trách quỹ đầu tư 20 tỉ đô la Mỹ của Ngân hàng BDO Unibank – nhà quản lý tiền tệ lớn nhất nước, cho biết. Ông Ocampo nói thêm: “Nếu lần này chính phủ hành động quyết liệt thì các tập đoàn – với những két sắt đầy tiền – sẽ tích cực tham gia”.
Diễn biến của thị trường chứng khoán Manila cũng phản ánh kỳ vọng này. Chỉ số chứng khoán Philippine Stock Exchange Index đã tăng 13% kể từ khi ông Duterte đắc cử tổng thống và là thị trường tăng trưởng tốt nhất châu Á. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số này tăng 0,9%; cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành năng lượng điện tăng nhanh nhất, với Energy Development Co tăng 2,7%, Aboitiz tăng 2,6% và Manila Electric tăng 2,5%.
“Mọi sự tiến bộ trong việc triển khai các dự án hạ tầng đều có thể khiến nhà đầu tư lạc quan hơn và đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng”, John Padilla, trưởng bộ phận đầu tư cổ phiếu của Metropolitan Bank & Trust, có danh mục 8,2 tỉ đô la Mỹ, nhận định.
Thái Bình
TBKTSG
|