Những bất ngờ tại Vilico
Cổ đông chiến lược Việt Xuân Mới đã chuyển nhượng 20% sở hữu tại Vilico cho 1 cá nhân chỉ 6 ngày ngay sau khi nhận chuyển nhượng từ Bộ NN&PTNT. Trong khi câu chuyện giữa GTN với tham vọng sở hữu Tổng Công ty này mặc dù đã được thông qua, nhưng cũng chưa "xuôi chèo mát mái".
Vilico hiện đang sở hữu 51% tại CTCP Giống bò sữa Mộc Châu - đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu nổi tiếng trên thị trường. Đây có thể xem là khoản đầu tư giá trị nhất của Vilico bởi kết quả kinh doanh đáng nể của một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ gần 290 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 2,000 tỷ đồng với mức lợi nhuận hàng năm trên trăm tỷ đồng. Riêng ROE của đơn vị này trong năm 2015 đạt gần 66%.
|
Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (UPCoM: VLC) hay còn gọi là Vilico được thành lập vào cuối tháng 6/1996 theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), bao gồm các đơn vị thành viên hoạt động trong ngành chăn nuôi. Theo quyết định cổ phần hóa đến ngày 5/3/2013, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gần 26.7 triệu cp Vilico (chiếm gần 35% vốn điều lệ), tuy nhiên kết quả cuối cùng chỉ bán được hơn 13.5 triệu cp với giá đấu thành công là 10,100 đồng/cp. Kể từ tháng 7/2013, Tổng Công ty này hoạt động theo mô hình CTCP với vốn điều lệ hơn 631 tỷ đồng.
Hai năm sau, cơ cấu cổ đông của Vilico vẫn khá cô đặc với 3 cổ đông tổ chức trong nước nắm giữ đến 92.88% vốn, trong đó có 2 cổ đông lớn là Bộ NN&PTNT nắm 77.59% và Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) 12.12%.
Qua năm 2016 này, câu chuyện tại doanh nghiệp mang thương hiệu sữa Mộc Châu thu hút trở lại khi Bộ NN&PTNT quyết định thoái toàn bộ 77.59% vốn đang sở hữu tại đây. Theo kế hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ bán đấu giá công khai 37.59% vốn Vilico và bán 40% cho cổ đông chiến lược được lựa chọn là CTCP Việt Xuân Mới.
* Vilico: Hấp dẫn nhờ “sữa” hay “đất”?
Cuối tháng 4/2016, phần bán ra công chúng đã được đấu giá thành công cho 118 nhà đầu tư với giá đấu thành công 16,636 đồng/cp, cao hơn 17% so với giá khởi điểm. Tương đương số tiền thu về gần 395 tỷ đồng. Sau đó hai tháng, việc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông chiến lược Việt Xuân Mới bắt đầu được thực hiện.
Và cổ đông chiến lược Việt Xuân Mới ngay sau đó đã có động thái rất bất ngờ!
Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), Bộ NN&PTNT đã chuyển nhượng 15,144,240 cp, tương đương 24% vốn của Vilico cho Việt Xuân Mới vào ngày 16/6/2016. Đến 28/06/2016, hơn 10 triệu cp còn lại, tương đương 16% vốn, tiếp tục được chuyển quyền sở hữu. Nhưng thật bất ngờ! Chỉ sau 6 ngày nhận chuyển nhượng đợt đầu tiên, chưa đến đợt nhận chuyển nhượng đợt hai, cổ đông chiến lược Việt Xuân Mới đã thực hiện bán đi 20% vốn của Vilico cho 1 cá nhân.
Việc lựa chọn cổ đông chiến lược trong những thương vụ thoái vốn tại các DNNN thông thường sẽ tìm những nhà đầu tư có thể gắn bó lâu dài, hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện giữa Việt Xuân Mới và Vilico có lẽ không nằm trong trường hợp này.
Thông tin từ Vilico cho thấy, người nhận chuyển nhượng của Việt Xuân Mới là cổ đông cá nhân Phạm Thị Hoa, trước giao dịch bà Hoa không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Vilico. Như vậy, 40% sở hữu của cổ đông chiến lược theo lộ trình thoái vốn của Bộ NN&PTNT, đã được Việt Xuân Mới chuyển nhượng 20% cho 1 cá nhân, và Công ty này chỉ còn sở hữu 20%. Với việc vội vã bán đi 20% chỉ sau 6 ngày nhận chuyển nhượng, không thể chắc chắn liệu 20% còn lại của cổ đông chiến lược Việt Xuân Mới có được đơn vị này tiếp tục bán cho đối tác khác hay không.
Bất thường tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Vilico?
Cùng với động thái của Việt Xuân Mới, những bất thường mới đây tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Vilico cũng là điều đáng bàn tới.
ĐHĐCĐ được tổ chức sáng ngày 28/06/2016 với sự tham gia của 82 cổ đông, đại diện cho hơn 53.9 cp tương đương 85.42% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Các báo cáo về hoạt động của HĐQT và BKS nhận được sự đồng thuận khá cao từ các cổ đông, tuy nhiên vấn đề nằm ở 3 tờ trình sửa đổi Điều lệ, quyết định việc CTCP GTNfoods (HOSE: GTN) được phép nâng sở hữu lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai và phương án phát hành cổ phần mới.
Theo Biên bản Đại hội, đã có hàng loạt các chất vấn của cổ đông về các tờ trình này. Trong đó, cổ đông Đỗ Hoàng Phúc và cổ đông Nguyễn Đức Hải đều cho rằng, việc để GTN nâng sở hữu từ 7.35% lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai sẽ ảnh hưởng đến các cổ đông khác, đề nghị việc này cần thực hiện đúng theo quy định của Pháp luật. Riêng cổ đông đại diện cho Công Quản lý quỹ Đầu tư VCB đề nghị chưa đưa vào Nghị quyết vấn đề để GTN sở hữu tối đa 65% vốn của Vilico.
Đối với phương án phát hành tăng vốn điều lệ, hầu hết các ý kiến của cố đông đều cho rằng nội dung tăng vốn điều lệ chưa rõ ràng, phương án quá sơ sài. Trong khi đó, số dư tiền và các khoản tương đương tiền được thể hiện trên BCTC của Vilico cũng như cơ cấu tài sản của Tổng Công ty còn tốt, chưa cần tới nhu cầu tăng vốn.
Theo BCTC hợp nhất của Vilico, tính đến thời điểm kết thúc quý 1/2016, khoản mục tiền và tương đương tiền của Tổng Công ty đạt gần 200 tỷ, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn gần 452 tỷ đồng. Riêng 2 khoản mục này đã chiếm tới hơn 62% tổng tài sản ngắn hạn (1,048 tỷ đồng).
|
Đoàn Chủ tịch cũng đã giải trình các kiến nghị và ý kiến phát biểu của các cổ đông nhưng không cho biết chi tiết câu trả lời của HĐQT về các vấn đề này.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy sự mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông vẫn chưa dứt. Trong khi các tờ trình về kết quả hoạt động, thù lao HĐQT, BKS đều nhận được sự nhất trí gần 100% thì các tờ trình sửa đổi Điều lệ, quyết định việc GTN được phép nâng sở hữu lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai và phương án phát hành cổ phiếu nhận sự phản đối của rất nhiều cổ đông, mặc dù đều đã được thông qua.
Tờ trình sửa đối điều lệ có 26.7% cổ phần biểu quyết không tán thành, tờ trình cho phép GTN nâng sở hữu lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai nhận sự phản đối của 29.62% và tờ trình về việc chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ tương ứng với sự phản đối của 27.33%. Đối với vấn đề bầu bổ sung thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2013 – 2018, trong đó có thành viên được đề cử đến từ Tổng Công ty Chè, GTN và Trung tâm Khuyến nông, chỉ nhận được sự đồng ý từ 72 – 75% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của GTN vào cuối tháng 4/2016, Tổng Giám đốc – Michael Louis Rosen cho biết, GTN dự kiến sẽ mua lại doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm. Còn ông Nguyễn Chí Thiện – Chủ tịch HĐQT GTN chia sẻ, Công ty sẽ hoàn thành M&A một DNNN có ngành nghề liên quan đến sữa trong năm 2016 và dự kiến sẽ M&A hai DNNN trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm với doanh thu hơn 2,000 tỷ đồng.
Theo tài liệu công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Vilico, CTCP Giống bò sữa Mộc Châu – đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu có vốn điều lệ gần 290 tỷ đồng với sở hữu của Vilico là 51%. Về kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2015 của Công ty đạt gần 2,229 tỷ đồng giảm nhẹ so với kết quả 2,301 tỷ đồng của năm 2014, tuy nhiên lãi ròng đạt hơn 190 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014 (148.3 tỷ đồng)./.
|
|