Ngành du lịch muốn có 120 tỉ đồng xúc tiến DL năm 2017
Một trong những nguyên nhân khiến lượng khách du lịch tới Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực là do nguồn kinh phí xúc tiến du lịch rất ít. Do đó, đề án phát triển ngành du lịch, đang được lấy ý kiến các tỉnh, đặt mục tiêu dành 120 tỉ đồng cho công tác xúc tiến du lịch năm 2017 thay vì 40 tỉ đồng như hiện nay.
Sẽ tăng đáng kể nguồn kinh phí cho xúc tiến du lịch. Ảnh: TL
|
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Định hướng phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 15-7 tại Hà Nội.
Theo báo cáo tại Hội nghị, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch, nhất là về tiềm năng văn hóa và tự nhiên, đặc biệt là các di sản tự nhiên và các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Bên cạnh đó, nước ta còn có lợi thế về địa lý, thuận tiện kết nối với trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số 141 nền kinh tế được đánh giá. So với một số nước trong khu vực, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Phillipines và chỉ xếp trên các nước Lào, Campuchia, Myanmar.
Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 27% của Thái Lan, 31% của Malaysia, 52% của Singapore. Tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam cũng không cao, bình quân 7% trong giai đoạn 2011-2015, trong khi ở Thái Lan và Singapore lần lượt là 12% và 10%. So với các nước thuộc nhóm dưới, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Phillipines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%).
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, một trong những nguyên nhân khiến tốc độ phát triển ngành du lịch còn hạn chế là do hiệu quả xúc tiến quảng bá chưa cao, mức độ mở cửa quốc tế còn thấp.
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam thiếu sản phẩm du lịch nổi trội, chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế…
Đề án đang được lấy ý kiến các địa phương trên cả nước để đưa ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có đưa ra một số giải pháp, đặc biệt là việc tăng hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng nguồn vốn của quỹ trên. Nhà nước sẽ cấp vốn ban đầu để hình thành Quỹ là 300 tỉ đồng. Ngoài ra còn có các khoản thu từ các chủ thể được hưởng lợi từ hoạt động du lịch và các nguồn xã hội hóa khác.
Song, trước khi thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch thì sẽ phải tăng ngân sách nhà nước cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Theo đó sẽ tăng từ 40 tỉ đồng hiện nay lên khoảng 120 tỉ đồng năm 2017, đảm bảo ngân sách xúc tiến du lịch quốc gia đạt tối thiểu 300 tỉ đồng khi thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, tiến tới giảm dần khoảng cách so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra còn có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập cảnh như gia hạn chính sách miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho công dân các nước từ 1 đến 5 năm; Tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 đến 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu; Triển khai cấp thị thực điện tử; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực tại cửa khẩu; Tiếp tục xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam…
Kiều Phong
tbktsg
|