Margin cổ phiếu: “Chơi dao lắm có ngày đứt tay”
Giao dịch ký quỹ vốn được xem là một trong những hoạt động kinh doanh hái ra tiền của các công ty chứng khoán (CTCK). Với tài sản đảm bảo là cổ phiếu và các máy chém margin đặt sẵn, các CTCK được nhìn nhận như là “người cầm chuôi” trong giao dịch này. Thế nhưng, nào ai ngờ, đôi lúc CTCK lại bị đứt tay khi nắm nhầm phải “lưỡi dao”.
Khi CTCK “đứt tay”
Khoản mục phải thu ngắn hạn của CTCK bao gồm: phải thu khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ ngắn hạn, phải thu hoạt động giao dịch chứng khoán, các khoản phải thu khác và dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi. Trong đó, phải thu liên quan tới hoạt động kỹ quỹ thường được hạch toán trong khoản mục các khoản phải thu khác. Đối với các khoản nợ không thể thu hồi sẽ được trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và phân bổ vào chi phí hoạt động trong nhiều kỳ.
|
Lướt báo cáo tài chính năm 2015 của một số CTCK tại khoản mục phải thu, người viết bất ngờ khi tìm thấy những khoản trích lập dự phòng có giá trị từ vài chục tới gần trăm tỷ đồng.
Như trường hợp mới gần đây, một CTCK thực hiện giải trình việc dự phòng khoản phải thu về hoạt động ký quỹ có liên quan đến khách hàng là cán bộ, nhân viên của hai doanh nghiệp niêm yết có liên quan mật thiết với nhau. Khoản dự phòng này lên tới cả trăm tỷ đồng và đã kéo dài nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, lại xuất hiện trường hợp CTCK công bố kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm qua với nguyên nhân được giải trình là phải gánh chi phí hoạt động quá lớn liên quan đến việc trích lập dự phòng các khoản phải thu về hoạt động ký quỹ.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao lại xuất hiện những khoản nợ xấu khổng lồ trong bảng cân đối kế toán của các công ty này? Trả lời câu hỏi này, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho biết các hợp đồng margin thường có thời gian ngắn từ 6 tháng đến 1 năm, vì vậy khi không xử lý được, hoặc chỉ xử được một phần các khoản vay margin do cổ phiếu giảm giá, thì CTCK sẽ phải thực hiện trích lập vào chi phí cho đến hết. Hầu hết các CTCK đều ít nhiều có nợ xấu nhưng sẽ cố gắng xử lý nhanh các khoản này, còn đối với những công ty mà có khoản trích lập dự phòng lên đến trăm tỷ thì bản thân khoản vay này cũng phải được treo từ rất lâu về trước.
Đưa ra một ví dụ về trường hợp nhà đầu tư “đánh” chứng khoán có sử dụng đòn bẩy. Giả sử nhà đầu tư này vay 1 tỷ đồng cộng với tiền lãi tính theo lãi suất bình quân hiện giờ là 13-16%, thì sau 6 tháng, tiền lãi ước tính vào khoảng 7%. Nếu đầu tư thua lỗ thì không những nợ CTCK 1 tỷ mà sẽ nợ thêm tiền lãi, tiền phạt, vì vậy đến khi “cháy” tài khoản thì nhà đầu tư có thể bỏ chạy và để lại cục nợ cho CTCK.
Đó là chưa kể đến trường hợp nhà đầu tư lớn vay margin lên tới vài chục tỷ đồng, nếu những khoản vay này kéo dài thì lãi vay với phạt có khi còn cao hơn cả nợ gốc. Vì vậy đôi lúc nợ xấu chính là nợ lãi chứ không phải nợ gốc, có những trường hợp đã thu được nợ gốc nhưng còn nợ lãi thì không có khả năng thu hồi.
Tại sao nắm phải “lưỡi dao”?
Cứ ngỡ việc áp dụng các “máy chém” margin và sẵn sàng giải chấp khi giá cổ phiếu giảm cùng với “lưới trời” các quy định đặt ra có thể giúp CTCK nắm đằng chuôi trong hoạt động cho vay ký quỹ, vì nông nỗi gì đẩy nhiều CTCK vào tình cảnh nắm phải “lưỡi dao”?
Như trường hợp dự phòng khoản phải thu về hoạt động ký quỹ liên quan đến khách hàng là cán bộ, nhân viên của hai doanh nghiệp niêm yết, trong sự việc này, do chưa có đủ cơ sở thông tin nên không thể biết được lý do gì đã khiến CTCK trên phải gánh khoản nợ xấu khổng lồ kéo dài hơn 5 năm như vậy.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, trong số các nguyên nhân thường thấy, có trường hợp nhân viên hoặc thậm chí lãnh đạo của một số công ty niêm yết trên sàn đến CTCK vay tiền để giao dịch chính cổ phiếu của công ty đó. Điều này có thể xem là hành vi thao túng giá vì họ có những thông tin nội bộ của công ty, khi có thông tin bất thường, họ sẽ gom mua và sử dụng đòn bẩy tài chính nhằm thu được tỷ suất sinh lợi cao hơn. Thế nhưng, đời lắm chữ ngờ, hiệu quả đầu tư sau đó lại trái chiều do cổ phiếu giảm giá. Đây là câu chuyện thường hay xảy ra, và thậm chí là hợp đồng ký quỹ đã hết hạn nhưng giá cổ phiếu vẫn chưa thể phục hồi được. Bị kẹt giữa đống cổ phiếu không thể bán được nên nhà đầu tư bỏ chạy do cục lãi phát sinh quá lớn và lẽ dĩ nhiên CTCK chỉ biết ôm một đống nợ xấu.
Còn cơ chế giải chấp giúp CTCK nắm đằng chuôi với chính cổ phiếu là tài sản đảm bảo thì sao? Trên thực tế, xử lý margin không phải là chuyện dễ dàng. Và đôi lúc, giải chấp là điều mà CTCK không hề muốn làm, đặc biệt là tài khoản của lãnh đạo các công ty lớn. Nếu giải chấp cổ phiếu của họ thì các ông lớn sẽ đóng tài khoản và bỏ đi. Nếu không giải chấp, có nghĩa là CTCK cùng ôm mối hy vọng với nhà đầu tư rằng cổ phiếu sẽ phục hồi trở lại. Tuy nhiên, điều này là cực kỳ rủi ro đối với các CTCK vì nếu giá cổ phiếu tiếp tục giảm thì có thể CTCK sẽ mất khoản tiền cho vay khi tài khoản nhà đầu tư “bốc cháy”. Song song đó, các khách VIP đôi lúc sẽ dùng chiêu trò gia hạn hợp đồng margin để kéo dài thời gian vay, nhưng thị trường nhiều lúc rất khắc nghiệt, CTCK càng để khách hàng dây dưa thì càng mất nhiều hơn.
“Đối với khách VIP, khách hàng càng lớn thì càng khó xử lý, cũng giống như ngân hàng, khoản vay lớn quá đến mức mà phải đẩy qua VAMC. Chứng khoán cũng như vậy, có những khách hàng VIP sử dụng margin quá lớn mà CTCK không tài nào xử lý được. Không giải chấp được có thể do hai nguyên nhân, thứ nhất là thị trường liên tục biến động mà lượng hàng còn “kẹt” lại quá lớn. Có nhiều khách hàng chơi margin đến vài chục triệu cổ phiếu, đến lúc thị trường đảo chiều thì thanh khoản mất, chỉ có vài chục ngàn cổ phiếu giao dịch mỗi ngày nên không thể thực hiện giải chấp hết lượng cổ phiếu này. Bên cạnh đó, khách VIP nhiều khi là lãnh đạo của tổ chức lớn, nên phải nể nang. Tình trạng nể nang kéo dài, lãi dự thu cứ thế mà tăng lên, nợ càng phình to thì càng khó xử”, vị chuyên gia này chia sẻ./.
Sử dụng giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư sẽ được CTCK cho vay theo tỷ lệ nhất định, dao động từ 10-50% tùy theo mã chứng khoán (theo quy định của UBCK thì mức tối đa sẽ là 50%). Điều này cũng có nghĩa rằng, nhà đầu tư sẽ sử dụng chính cổ phiếu mình mua để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay này (tài sản đảm bảo là tài sản được hình thành từ nợ vay). Mỗi CTCK sẽ có những quy định về các ngưỡng an toàn đối với tỷ lệ tài sản/nợ của các hợp đồng vay. Nếu giá cổ phiếu giảm và chạm ngưỡng thì chủ tài khoản phải thực hiện các cách thức khác nhau nhằm nâng tỷ lệ an toàn cho khoản vay hay nói cách khác là phải ký quỹ bổ sung. Trong vòng 3 ngày làm việc, chủ tài khoản phải thực hiện việc bổ sung tài sản thế chấp bằng chứng khoán hoặc bằng tiền mặt. Nếu không, CTCK sẽ bán cổ phiếu mà không cần có sự đồng ý của nhà đầu tư. Vì lý do này, các CTCK luôn được cho là người cầm chuôi trong giao dịch margin bởi chỉ cần giá giảm đến ngưỡng nhất định, họ có thể bán cổ phiếu để thu hồi nợ, lãi vay một cách hợp pháp và đảm bảo an toàn cho mình./.
|
|