Kinh tế Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng 1,2% trong quý 2 năm nay
Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,2% trong quý 2/2016, thấp hơn mức dự kiến tăng 2,6% trước đó của giới kinh tế trong bối cảnh lượng hàng hóa trữ kho giảm lần đầu tiên kể năm 2011 song chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh cho thấy đà tăng trưởng có thể được duy trì trong phần còn lại của năm nay.
Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: Getty Images)
|
Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,2% trong quý 2/2016, thấp hơn mức dự kiến tăng 2,6% trước đó của giới kinh tế trong bối cảnh lượng hàng hóa trữ kho giảm lần đầu tiên kể năm 2011 song chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh cho thấy đà tăng trưởng có thể được duy trì trong phần còn lại của năm nay.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng là nhân tố hỗ trợ chủ yếu tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 2/2016.
Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng, chiếm tới 2/3 nền kinh tế Mỹ, đã tăng 4,2% trong quý 2/2016, mức tăng mạnh nhất kể từ quý 4/2014. Theo nhà kinh tế kỳ cựu Ryan Sweet của Moody’s Analytics ở West Chester, Pennsylvania (Mỹ), kinh tế Mỹ hiện vẫn trên lộ trình hồi phục nhờ sự hỗ trợ của hoạt động chi tiêu tiêu dùng.
Dù vậy, các nhà kinh tế nhận định, mức tăng này chắc chắn là không bền vững và trước tình hình thị trường lao động chưa thuận lợi, giá nhà đất vẫn tăng và mức tiết kiệm của người dân gia tăng có thể tác động bất lợi tới chi tiêu tiêu dùng của nước này trong phần còn lại của năm 2016.
Lượng hàng hóa trữ kho của các doanh nghiệp ở Mỹ đã giảm 8,1 tỷ USD trong quý 2/2016, lần giảm đầu tiên kể từ quý 3/2011, sau khi tăng 40,7 tỷ USD trong quý 1/2016. Như vậy, lượng hàng trữ kho đã lấy đi 1,16 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 2/2016.
Đây cũng là quý thứ tư liên tiếp lượng hàng trữ kho tác động tới tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, do giá dầu rẻ tác động bất lợi tới lợi nhuận của các doanh nghiệp năng lượng ở Mỹ, đầu tư mua sắm trang thiết bị của các công ty ở nước này đã giảm 3,5% trong quý 2/2016, quý giảm thứ ba liên tiếp, giai đoạn giảm dài nhất kể từ sau đợt suy thoái 2007-2009, dù số liệu này có thấp hơn mức giảm 9,5% của quý 1/2016.
Trong bối cảnh trên, xuất khẩu của Mỹ tăng trong quý 2/2016, bất chấp tác động tiêu cực của đồng USD lên giá và nhu cầu thế giới yếu kém, đã giúp giảm bớt thâm hụt thương mại của nước này. Ước tính, thương mại đã đóng góp 0,23 điểm phần trăm cho tăng trưởng kinh tế Mỹ./.
Anh Quân
Vietnam +
|