Đường đi kỳ lạ của dòng tiền thất thoát tại Ngân hàng Xây dựng
Chiều 22-7, HĐXX tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
|
HĐXX đã xét hỏi đối với Hoàng Đình Quyết (33 tuổi) ngụ phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM - nguyên phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Xây dựng (VNCB) chi nhánh Sài Gòn, giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang về trách nhiệm của bị cáo này đối với số tiền 5.190 tỉ đồng của Trần Ngọc Bích vay bằng phương pháp cầm cố sổ tiết kiệm.
Một công thức... rút tiền
Tại phiên tòa, Hoàng Đình Quyết cho biết Quyết gắn bó với Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB) từ trước khi Phạm Công Danh nhận ngân hàng.
Tình hình khó khăn của ngân hàng đã tồn tại từ trước. Quyết kể rằng có thời điểm khách hàng đến rút tiền nhưng cả tuần không có tiền để trả.
Do đó, nỗi lo thanh khoản cho ngân hàng là một nỗi lo lớn mà toàn bộ cán bộ nhân viên ngân hàng đều phải tìm cách thu hút khách hàng gửi tiền vào, và ưu đãi trả tiền ngoài lãi suất của ngân hàng quy định lên tới 4%/năm.
Theo lời khai của Quyết, đối với số tiền 5.190 tỉ đồng đã được Trần Ngọc Bích gửi vào VNCB dưới các sổ tiết kiệm mang tên nhiều người trong gia đình và công ty của Bích, sau đó những người này lại làm hợp đồng thế chấp chính những sổ tiết kiệm này để vay tiền của VNCB.
Sau đó tiền được chuyển về tài khoản của Phạm Công Danh và một số cá nhân khác rồi được mang đi trả nợ mà chưa hề có chữ ký của các chủ tài khoản.
Việc gửi tiền, vay lại tiền, chuyển tiền cho Phạm Công Danh trả nợ đã được thực hiện từ cuối năm 2012 thông qua rất nhiều hợp đồng gửi tiền, vay tiền cũng như các bản sao kê tài khoản với một cách thức giống nhau, và giống như cách gửi, vay rút tiền của số tiền 5.190 tỉ đồng của bà Trần Ngọc Bích.
Bị cáo Quyết cho biết đường đi của dòng tiền này, mà Quyết biết, đó là Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB và giữ các sổ tiết kiệm, các sổ này đứng tên các cá nhân là người thân, nhân viên.
Các nhân viên này lại thế chấp các sổ tiết kiệm này cho chính ngân hàng để vay tiền. Tiền lại được chuyển ngược về tài khoản của các cá nhân và bà Bích.
Từ đây, tiền được chuyển cho ông Phạm Công Danh. Ông Danh dùng tiền này để chuyển vào tài khoản của ông Trần Quí Thanh (cha bà Bích).
Tiền đi theo một quy trình
Quyết khẳng định ngoài việc tiền đã được vay như thế nhiều lần, dòng tiền đã chạy như vậy nhiều lần nhưng bà Bích chỉ để cho người đại diện của mình đến ngân hàng.
“Bởi đây là khách hàng lớn nên ngân hàng ưu ái cho khách hàng và hồ sơ tín dụng sẽ được Bích ký và trả sau” - Quyết khai.
Khi chủ tọa hỏi tại sao tiền của bà Bích lại chuyển cho Phạm Công Danh thì Quyết khai rằng có thể có sự thỏa thuận giữa bà Bích và ông Danh.
Tuy nhiên, đến lần hợp đồng cuối cùng, khi Ngân hàng Nhà nước vào kiểm tra, Quyết giục Vũ Anh Tuấn, người đại diện của bà Bích, hoàn tất hồ sơ nhưng bà Bích chỉ đưa lại đơn đề nghị vay tiền mà không đưa các hồ sơ khác.
Dù hồ sơ rút tiền không có chữ ký của các chủ tài khoản nhưng Hoàng Đình Quyết cho rằng về mặt ý chí, bà Bích và các chủ tài khoản này biết rất rõ việc tiền được chuyển đi. Bởi việc chuyển tiền không chỉ thực hiện một lần mà nhiều lần, nhưng các chủ tài khoản đều không có ý kiến gì về việc này.
Tuy nhiên, Quyết cũng nói việc làm của Quyết là sai nguyên tắc kế toán nhưng có căn cứ để Quyết thực hiện, bởi trước tiên là sự chỉ đạo của Phạm Công Danh, sau là ý chí của chủ tài khoản. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét toàn diện các hành vi của bị cáo.
Cuối buổi làm việc, bà Vũ Thị Như Thảo, phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, đã cung cấp được bản sao sổ giao nhận hồ sơ tín dụng do ông Vũ Anh Tuấn ký cho HĐXX.
Tòa yêu cầu bà Bích có mặt để trả lời các câu hỏi của HĐXX nhưng bà Bích không có mặt.
Kết thúc buổi làm việc ngày 22-7, tòa tạm nghỉ, thứ hai làm việc tiếp./.
tuổi trẻ
|