Chuyển động dòng tiền tuần 11-15/07:
Dòng tiền hoạt động ra sao khi thị trường đạt đỉnh?
Trong tuần qua (11-15/07), VN-Index đạt đỉnh cao mới trong hơn 8 năm tại 681.75 điểm trước khi quay đầu điều chỉnh trở lại. Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu Ngân hàng nhờ có dòng tiền tăng mạnh nên trở thành ngành dẫn dắt thị trường và cũng đóng vai trò giúp chỉ số không bị lao dốc mạnh.
Khi VN-Index đạt đỉnh cao mới thì dòng tiền trên HOSE cũng hoạt động tích cực trở lại với khối lượng khớp lệnh trung bình phiên đạt 140.5 triệu đơn vị/phiên, tăng gần 9% so với tuần giao dịch trước. Trong khi đó sàn HNX đạt hơn 62 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 2%.
Trong nhóm các cổ phiếu có giao dịch trên 100,000 đơn vị/phiên trên sàn HOSE, có 58 mã tăng thanh khoản so với tuần trước và nổi bật nhất chính là CTG khi cả thanh khoản và giá cùng tăng vọt. Theo đó, khối lượng giao dịch bình quân CTG tuần qua đạt hơn 3 triệu đơn vị/phiên, tương ứng tăng 540% so với tuần trước đó. Giá cổ phiếu của CTG cũng khép lại với mức tăng gần 7.5% từ mức 17,400 đồng/cp lên mức 18,700 đồng/cp.
Bên cạnh CTG, nhiều mã ngân hàng khác cũng có dòng tiền tăng ấn tượng cùng với giá như BID, STB, VCB, MBB. Trong đó, STB và BID có dòng tiền tăng hơn 100%, còn MBB và VCB dù không nằm trong top 20 đơn vị tăng dòng tiền mạnh nhất sàn HOSE nhưng cũng ghi nhận mức tăng lần lượt hơn 20% và 10% so với tuần giao dịch trước đó.
Câu chuyện các cổ phiếu Ngân hàng trở thành ngành dẫn dắt thị trường trong tuần qua đến từ thông tin kết quả kinh doanh quý 2 sơ bộ được công bố. Với CTG, tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, ngân hàng này cho biết lợi nhuận trong nửa đầu năm ước đạt 4,273 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu ROA của CTG đạt 1.1% và ROE 11.5% (năm 2015 lần lượt là 1% và 10.3%).
Trước đó, Vietcombank (VCB) cũng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 với dư nợ tín dụng đạt 437,580 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4,193 tỷ đồng.
Còn MBB dù chưa công bố kết quả quý 2 nhưng đơn vị này được CTCK BSI dự đoán kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện trong thời gian tới nhờ đẩy mạnh công tác cho vay, đồng thời ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ. Riêng STB thông báo đã bán toàn bộ 2 triệu chứng chỉ quỹ của Quỹ Đầu tư năng động Việt Nam (VFMVFA), tương đương 51.47% vốn cũng trở thành thông tin hấp dẫn nhà đầu tư.
Trong khi nhóm Ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt và nâng đỡ chỉ số thì một số nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khác như Thép, Chứng khoán, Dầu khí vừa trải qua tuần giao dịch khá ảm đạm và kém tích cực như TLH, NKG, HCM…. Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, hàng loạt cổ phiếu tăng nóng thời gian qua đều điều chỉnh giảm mạnh và có những phiên giảm sàn liên tục như nhóm Khoáng sản với C32, KSB, DHA hay nhóm Ô tô với SVC, TMT.
Trên sàn HNX, ACM là ACB là hai mã duy nhất có khối lượng giao dịch trung bình tăng hơn 100% trong tuần qua. Nếu ACB ngoài việc hưởng lợi chung từ nhóm ngành Ngân hàng thì việc huy động thành công 2,000 tỷ đồng trái phiếu cũng giúp cho cổ phiếu này giao dịch tích cực với giá nhích gần 3%. Ngược lại, dù dẫn đầu về dòng tiền tăng mạnh nhưng ở ACM xuất hiện tình trạng tháo chạy khi cổ phiếu có 6 phiên giảm sàn trong 7 phiên gần nhất, điều này khiến giá ACM rơi hơn 34%.
Tại ACM, một thông tin được đơn vị này đưa ra là tiêu cực khi dời ngày thanh toán cổ tức đợt 1/2015 từ ngày 12/07 sang ngay 29/07. Điều quan trọng là trong lý do đưa ra, ACM cho biết Công ty đang gặp một số lý do bất khả kháng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Có thể chính đây mới là yếu tố khiến ACM bị bán tháo chứ không phải câu chuyện về cổ tức.
Ở chiều ngược lại thì PV2 và WSS là hai mã đầu cơ giảm mạnh về dòng tiền đứng đầu sàn HNX. Không chỉ vậy, nhiều mã vốn hóa lớn khác như NTP, LAS, NET, CEO, VIX cũng bị dòng tiền rời bỏ đáng kể.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhấttrên sàn HNX
Trên HOSE, tuần qua có 8 mã vừa có dòng tiền tăng mạnh trên 100% đồng thời cũng nằm trong top 20 mã tăng mạnh nhất sàn là CTG, STB, BCG, ITA, PPC, VIC, BVH và HQC. Trong đó tăng mạnh nhất là BCG hơn 18% sau khi đơn vị này chính thức gia nhập nhóm doanh nghiệp vốn trên ngàn tỷ đồng nhờ phát hành thành công hơn 61 triệu cp.
Trên HNX có 7 mã, trong đó tăng mạnh nhất là PV2 với mức hơn 23%. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đầu tháng 7, rất nhiều cổ đông nội bộ PV2 đã đăng ký thoái vốn.
Tuần qua, khối ngoại mua ròng trên HOSE với 423.5 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với 34 tỷ đồng. Trên HOSE, lực mua ròng tập trung mạnh nhất là ở VCB với 134 tỷ đồng; tiếp theo là VIC với 92.4 tỷ đồng, CTG với 78.4 tỷ đồng, SSI với 76.4 tỷ đồng… Về phía bán ròng là các mã như HSG với gần 77.5 tỷ đồng, tiếp theo là MSN với 40 tỷ, BID với 24.2 tỷ đồng...
Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở VND với 27.2 tỷ đồng,TNG với 12.24 tỷ đồng và SHB với 7.6 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở DBC và KLS với 28.4 tỷ và 26.2 tỷ đồng.
|