Điều gì khiến kinh tế Mỹ mất đi tính cạnh tranh vốn có?
Mauritius, Jordan, New Zealand và Qatar có điểm gì chung?
Ngoài việc không phải là thành viên của nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới (G20) ra, cả 4 quốc gia trên đều được xem là “tự do về mặt kinh tế” hơn so với Mỹ, số liệu mới nhất về Chỉ số Tự do Kinh tế Thế giới (EFW) cho thấy.
Thật vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới – nơi được xem là quê hương của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do – hiện chỉ ở vị trí thứ 16 trong bảng xếp hạng trên. Cùng với các bảng xếp hạng tương tự trước đó, thứ hạng trên khẳng định một điều rằng nước Mỹ đã mất đi tính cạnh tranh bền vững của mình và hiện tình trạng tăng trưởng ì ạch vẫn đang tiếp diễn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với mức tăng trưởng hàng năm chưa tới 3%.
Đó là điều khiến cho ban cố vấn về vấn đề thị trường tự do của Trung tâm Phân tích Chính sách Quốc gia (NCPA) phải tìm hiểu xem vì sao nền kinh tế Mỹ, dù có tăng trưởng, nhưng vẫn chưa khôi phục được tốc độ tăng trưởng bền vững bình quân trong dài hạn. Sau khi phân tích sự xuống hạng trong mức độ tự do kinh tế, NCPA phát hiện rằng “sự suy giảm trong tính hiệu quả đã khiến cho Mỹ chỉ đạt được những gì bằng với thập niên 1970. Nói cách khác, chúng ta đã thụt lùi từ thời của Tổng thống Reagan và Bill Clinton cho đến thập niên 1970 với những điều kiện kinh tế tồi tệ”, bảng phân tích cho thấy.
Ở mức độ rộng hơn, điều đó có thể lý giải tại sao sự thất vọng đối với nền kinh tế đã biến thành căng thẳng chính trị, và là tâm điểm của cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Tuy nhiên, theo NCPA, có nhiều điều trong câu chuyện này hơn mọi người nghĩ – và chắc hẳn là nó có liên quan đến sự xói mòn dần của các quyền về tài sản tư hữu.
Ban cố vấn đã bác bỏ các lý do và những kế hoạch được cả phe tự do lẫn bảo thủ đưa ra để giải thích cho câu hỏi: Điều gì đã khiến nền kinh tế èo uột và cần làm những gì để cải tổ lại nó?
“Chi tiêu công tăng, sự điều hành và lạm phát không phải là những gì khiến chúng ta bị tụt hạng – ít nhất là cho đến lúc này”, NCPA viết. Thay vào đó, một hệ thống pháp lý nơi mà các quyền về tài sản tư hữu đang bị xói mòn, và “đáng ngạc nhiên là, sự gia tăng chi phí, cùng với sự suy giảm của mức độ thuận lợi trong hoạt động giao thương xuyên biên giới là những lý do đứng sau tình trạng trì trệ của nền kinh tế”, bản báo cáo cho biết.
“Chất lượng hệ thống pháp lý ở Mỹ đã giảm theo nghĩa là nó không còn đưa ra được sự thượng tôn pháp luật hay sự bảo vệ cho tài sản riêng như trước đây”, Ryan Murphy, Giáo sư tại trường kinh doanh Cox của đại học Southern Methodist và cũng là tác giả bản báo cáo, đã viết như thế trong email gửi cho CNBC.
Suốt nhiều năm qua, hai điểm quan trọng sau đây của luật tài sản đã vấp phải nhiều chỉ trích, đó là việc tịch thu tài sản và việc nộp hồ sơ phá sản vẫn còn lỗ hổng khiến nhiều con nợ lảng tránh được các trách nhiệm phải chịu.
Điểm thứ nhất được Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ xem như là miếng vá “đầy lỗi” của sự điều hành, khiến cơ quan thực thi pháp luật được phép bắt giữ, sau đó lưu giữ hay bán tài sản. Trong khi đó, giới phê bình cánh tả lẫn cánh hữu đều lên tiếng chỉ trích quyết định “quyền trưng thu” năm 2005. Quyết định này cho phép Chính phủ có quyền tịch thu tài sản từ một chủ sở hữu tư nhân và giao nó cho người khác.
Cụ thể, theo Murphy và các chuyên gia khác, việc cải tổ lại Tập đoàn General Motors từng đầy tranh cãi – trong đó công đoàn cho rằng họ đã bị đối xử khác với những chủ nợ không được bảo hiểm – cũng tạo ra một tiền lệ pháp lý rắc rối, làm xói mòn lòng tin vào hệ thống pháp lý dân sự.
Xét về tổng thể, “sự thượng tôn pháp luật và các quyền sở hữu, hai điều cơ bản nhất của chủ nghĩa tư bản, hiện không được thể hiện đúng đắn ở Mỹ ngay tại thời điểm này”, Murphy nói thêm.
Vấn đề lương thấp đang gây đau đầu
Các nhà kinh tế của tất cả đảng phái chính trị cho rằng việc tìm ra biện pháp phù hợp tạm thời để giải quyết vấn đề lương thấp trong tầng lớp trung lưu đang thất vọng và bất ổn ngày càng trở nên khẩn cấp hơn.
Một kết quả nghiên cứu ảm đạm được Viện nghiên cứu Toàn cầu McKinsey công bố trong tuần này cho biết khoảng 66% hộ gia đình ở Mỹ và Tây Âu thấy thu nhập của họ bị chững lại hoặc giảm xuống trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2014.
“Việc các phe phái chính trị chuyển sang chống lại tự do thương mại là dấu hiệu xấu cho triển vọng tăng trưởng dài hạn”, Murphy nói. Ông cho rằng “kết quả của một tình huống là không thể đoán trước được” nếu những tình cảm chống lại tự do thương mại dẫn đến thuế suất cao hơn, điều mà các nhà kinh tế khác cảnh báo có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại.
Murphy cho rằng nhìn từ quan điểm kinh tế, nước Mỹ đã ngăn được xu hướng đang thịnh hành ấy, nhưng ông nghĩ sẽ chỉ có một sự hồi phục khiêm tốn so với các mức hiện tại. Theo số liệu của Chính phủ, trong quý 1, nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1.1%.
“Tuy nhiên, ngăn chặn nền kinh tế Mỹ sụt giảm trong dài hạn hơn có thể là một kế hoạch rủi ro hơn”, ông nói thêm.
“Đưa Mỹ về lại quỹ đạo đúng sẽ rất khó, vì một số lý do. Những gì đang xảy ra với tự do kinh tế ở Mỹ cũng đang xảy ra với những nền kinh tế tiên tiến lớn khác trên thế giới”, ông nói.
Thật vậy, nhiều nền kinh tế phát triển của thế giới cũng đang có vị trí khá thấp trên bảng xếp hạng tự do kinh tế của EFW so với các quốc gia được xem là “bằng vai phải lứa” với mình. Canada và Anh xếp cao nhất, với vị trí lần lượt là 9 và 10. Tuy nhiên, Đức và các nền kinh tế còn lại của Tây Âu thậm chí còn ở vị trí thấp hơn so với Mỹ.
“Nếu thứ hạng của Mỹ tiếp tục giảm, chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến tiếp các mức tăng trưởng èo uột trong dài hạn”, Murphy nói./.
|