Thứ Sáu, 01/07/2016 09:49

ĐHĐCĐ PNC bất thành: Mâu thuẫn sẽ kéo dài đến khi nào?

Tái diễn kịch bản năm 2015, ĐHĐCĐ thường niên 2016 lần 1 của CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) tổ chức sáng ngày 30/06 bất thành khi số đông tham dự chủ yếu là các cổ đông nhỏ lẻ, chiếm 36.62% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nhóm cổ đông lớn sở hữu 58% vốn tiếp tục vắng mặt.

ĐHĐCĐ thường niên 2016 (lần 1) sáng 30/06 của PNC bất thành khi chỉ có 36.62% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Mâu thuẫn đến khi nào mới kết thúc?

ĐHĐCĐ bất thường lần 3 năm 2015 vẫn chưa “chốt hạ” được những vấn đề trọng yếu nhưng có vẻ mâu thuẫn giữa các thành viên trong HĐQT không hề có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhóm cổ đông lớn nắm quyền chi phối gần 58% phủ quyết các tờ trình.

Các kế hoạch phát triển kinh doanh đều bị phủ quyết, PNC không thể tiến hành bổ sung các ngành nghề mới như phát hành phim điện ảnh, phim video, chương trình truyển hình; tổ chức giới thiệu – xúc tiến thương mại nhằm mở rộng hoạt động và thương hiệu của mình.

Một phần nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh năm vừa qua là do tờ trình bổ sung giấy phép phát hành phim của PNC không được thông qua, dẫn đến hầu hết phim của Công ty TNHH Giải trí – Truyền thông Phương Nam (PNME) bị trễ lịch phát hành, khiến doanh thu sụt giảm và kéo theo chi phí trả cho đơn vị nhập ủy thác gia tăng.

Ban lãnh đạo cho biết, các cổ đông này mới sở hữu cổ phiếu PNC những năm gần đây và không hiểu rõ tình hình đầu tư liên doanh những năm trước nên đã tiến hành khiếu kiện tại nhiều nơi và cung cấp thông tin cho báo chí gây ảnh hưởng xấu đến uy tín cũng như hoạt động của Công ty.

Năm 2016, PNC đặt kế hoạch doanh thu dự kiến 510 tỷ đồng, tăng 20% so với mức thực hiện năm 2015; lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Phan Mộng Thúy – Giám đốc Công ty TNHH.MTV Phương Nam phim, đại diện cho PNC chia sẻ, các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra chỉ nhằm làm mục tiêu để Công ty phấn đấu thực hiện, năm vừa qua các chỉ tiêu này vốn chưa hề được thông qua do bị phản đối bởi nhóm cổ đông lớn.

Quý 01/2016, PNC ghi nhận khoản lỗ 1.7 tỷ đồng dù doanh thu tăng 43% so với cùng kỳ, đạt 107 tỷ đồng. Bà Thúy cho biết thêm, nếu chỉ dựa vào kết quả SXKD của vài tháng đầu năm để dự báo kết quả cả năm thì không đủ cơ sở kết luận; tình hình kinh doanh của công ty, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ là khác nhau giữa các quý, phải đánh giá dựa trên kết quả cả năm đã đạt được. Quý 02/2016 vì chưa có báo cáo số liệu cụ thể nên xin phép không giải trình.

Được biết, cuối tháng 11/2015, Ban lãnh đạo PNC đã tiến hành thanh lý các hợp đồng với Công ty TNHH Truyền thông Envoy (EMP), theo đó EMP đồng ý xóa khoản nợ vay 400,000 USD cho PNC. Đồng thời, PNC nhận khoản nợ 800,000 USD mà EMP đã góp vốn thay vào Công ty TNHH Truyền thông Megastar (nay là Công ty TNHH CJ CGV VIệt Nam) năm 2008 và có trách nhiệm hoàn trả trong thời gian 1 năm, EMP không tính lãi với khoản tiền góp vốn thay cho PNC.

Trễ hạn BCTC kiểm toán 2015 do chờ hướng dẫn Bộ Tài chính

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM mới đây thông báo đưa cổ phiếu của PNC vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 16/06/2016 do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã nhắc nhở chậm công bố BCTC này đến lần thứ 10 đối với PNC. Ngày 20 và 21/04, Sở cũng đã có công văn nhắc nhở PNC về việc chậm công bố thông tin BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015 lần 3 và Báo cáo thường niên năm 2015 lần 2.

Theo giải trình của PNC, do việc không đạt được sự đồng thuận của một số cổ đông lớn trong các kỳ họp ĐHĐCĐ, nên đến đại hội bất thường ngày 02/10/2015, PNC mới quyết định chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C là đơn vị kiểm toán các Báo cáo tài chính năm 2015; đến ngày 28/10/2015 hợp đồng kiểm toán mới được ký kết. Bên cạnh đó, khối lượng công việc lớn và thời gian còn lại để hoàn tất các BCTC đã được kiểm toán không còn nhiều nên Công ty không thể hoàn tất đúng thời hạn việc soát xét. Vì vậy, các BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất bán niên năm 2015 đều bị công bố thông tin trễ hạn.

Về báo cáo tài chính hợp nhất, do hiện nay chưa có quy định về việc ghi nhận vào BCTC hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu đối với trường hợp đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết qua nhiều lần, nhất là việc góp vốn đặc thù của PNC vào Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam, nên kiểm toán Công ty đang chờ hướng dẫn của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài Chính. Ban lãnh đạo cho biết, PNC tạm thời chưa thể hoàn tất Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 để công bố thông tin theo quy định.

Được biết, năm 2015, doanh thu thuần PNC đạt 425.4 tỷ đồng, tăng 27.7% so với năm 2014, trong đó đóng góp chủ yếu từ doanh thu bán lẻ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất chính chưa mang lại hiệu quả do chi phí bán hàng và chi phí tài chính gia tăng. Được biết, chi phí tài chính tăng đến 51% so với năm 2014 bởi lãi vay và chênh lệch tỷ giá từ khoản vay 7 triệu USD của Cross Junction Investment Pte., Ltd (CGV). Kết quả đạt được trong năm chủ yếu đến từ việc hợp nhất kinh doanh khoản đầu tư 20% vào Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam.

Ngoài ra, vào thời điểm 31/12/2015, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 76 tỷ đồng dẫn đến những nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty khi kiểm toán.Kết thúc năm tài chính 2015, lợi nhuận trước thuế ghi nhận hơn 465.3 triệu đồng, giảm 6 lần so với năm trước và lợi nhuận sau thuế lỗ 814 triệu đồng.

Tại BCTC kiểm toán 2015, kiểm toán viên đã có lưu ý về việc công ty con của PNC là Công ty TNHH Giải trí Truyền thông Phương Nam chưa ghi nhận đầy đủ chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong năm với số tiền ước tính là 3 tỷ đồng. Nếu chi phí này được ghi nhận đầy đủ thì chi phí trả trước dài hạn và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất của PNC sẽ cùng giảm đi 3 tỷ đồng. Đồng thời, trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ tăng và lợi nhuận sau thuế sẽ giảm cùng 3 tỷ đồng.

Nhận định về các đối thủ cùng ngành, có thể thấy áp lực cạnh tranh trên thị trường hiện nay là rất lớn. Trong mảng bán lẻ, PNC gặp phải sự cạnh tranh giữa các nhà sách truyền thống như Fahasa, Nguyễn Văn Cừ, Nhân Văn và các nhà sách trực tuyến online như Tiki, Vinabook. Trong mảng giải trí – truyền thông, hiện có hơn 10 nhà phát hành phim trong nước và nước ngoài: Galaxy, CGV, Green Media, Sky Light, MegaGS, Sài Gòn Movie, CG E&M,…./.

Các tin tức khác

>   KHL: Ký hợp đồng kiểm toán và soát xét báo cáo tài chính năm 2016 (01/07/2016)

>   TTF: Xin gia hạn công bố thông tin Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2016 (01/07/2016)

>   IDI: Điều lệ công ty năm 2016 (01/07/2016)

>   HVX: Thông báo ký hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2016 (01/07/2016)

>   DCL: BCTC Năm 2015 (01/07/2016)

>   PCT: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (30/06/2016)

>   MSN: Thông cáo báo chí về việc CTCP Masan Nutri - Science tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ngành đạm động vật thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu tại ANCO và VISSAN (30/06/2016)

>   POM: Thông báo công văn của UBCKNN về chấp thuận gia hạn thời gian công bố thông tin BCTC (30/06/2016)

>   HDC: Điều chỉnh nội dung Biên bản và Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2016 (30/06/2016)

>   LSS: Mua 100% cổ phần của CTCP Thương mại Thành An (01/07/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật