Các ngân hàng có thể đã mất bao nhiêu vì Brexit?
Đối với những ai đang thắc mắc về hậu quả của cuộc bỏ phiếu ra đi khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh thì đây là câu trả lời: các ngân hàng lớn nhất của Mỹ và châu Âu mất khoảng 165 tỷ USD.
Theo Bloomberg, một mô hình do các chuyên gia kinh tế tại Đại học New York (NYU) thiết kế hiện đang đều đặn tiến hành một đợt sát hạch (stress test) được đơn giản hóa đối với các tổ chức tài chính lớn nhất thế giới. Mô hình này hoạt động bằng cách hỏi thị trường chứng khoán là họ nghĩ gì về giá trị và sự rủi ro của các tài sản từ những ngân hàng ấy, sau đó dùng thông tin để ước tính điều gì sẽ xảy ra với các ngân hàng đó trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng – và họ sẽ cần thêm bao nhiêu vốn cổ phần để tránh được tình huống khó khăn ấy.
Ngay cả khi trước khi Brexit xảy ra, mô hình trên đã cho thấy các ngân hàng “dễ vỡ” hơn nhiều so với các lần “stress test” chính thức: từ ngày 31/05 trở đi, mô hình trên ước tính rằng các ngân hàng lớn nhất ở Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Ý (những ngân hàng có tài sản hơn 500 tỷ USD) sẽ bị thiếu hụt vốn tổng cộng là 998 tỷ USD.
Sau Brexit, sự thiếu hụt ấy đã tăng mạnh. Từ ngày 28/06 trở đi, con số này đã đạt mức 1.163 ngàn tỷ USD, nghĩa là tăng thêm 165 tỷ USD. Con số cụ thể ở mỗi quốc gia là như sau (đơn vị tính: tỷ USD):
Để hiểu được gánh nặng mà mỗi người dân đóng thuế phải chịu trong trường hợp Chính phủ phải ra tay giải cứu, thì đây là biểu đồ cho thấy sự thiếu hụt vốn ước tính được quy đổi ra phần trăm GDP ở mỗi quốc gia:
Vì sao có sự bi quan như thế? Đối với các ngân hàng Anh, điều đó là khá rõ: các nhà dự báo cho rằng sự bất ổn ngày càng tăng và những khó khăn khác liên quan đến Brexit sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế, khiến cho cơ hội có được lợi nhuận bị thu hẹp đi và người dân cũng như các công ty khó trả được nợ hơn. Đối với các ngân hàng Pháp và Ý, điều đó có thể phản ánh những quan ngại cả về tăng trưởng của châu Âu lẫn về khả năng các cử tri trong nước sẽ “nối gót” người Anh. Đối với các ngân hàng Mỹ thì mọi chuyện khó hiểu hơn, dù rằng lợi nhuận có thể phải gánh chịu hậu quả nếu những lo lắng về Brexit khiến cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất ở mức thấp hơn.
Phải thừa nhận rằng, các thị trường đã phục hồi nhiều kể từ ngày 28/6 và giá cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ đã thể hiện đặc biệt tốt kể từ khi họ vượt qua được vòng “stress test” cuối cùng của Fed hồi tuần trước. Vì thế, bài tập tiếp theo của NYU sẽ có thể cho thấy một sự thiếu hụt vốn nhỏ hơn. Tuy vậy, nhận định ban đầu của thị trường là rõ ràng: Brexit là khá tồi tệ cho các ngân hàng./.
|