Thứ Tư, 15/06/2016 11:58

Tham vọng lớn trong lĩnh vực du lịch, tiềm lực có đủ để SAM đi đến cùng?

CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (HOSE: SAM) đang có tham vọng rất lớn trong lĩnh vực du lịch với bước đi mới là thâu tóm Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (PHUTHOTOURIST). Hướng đi mới này có giúp SAM cất cánh bay cao?

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 vừa qua, vị Chủ tịch HĐQT mới của SAM, ông Nguyễn Hải Dương, cho biết một tham vọng rất lớn là quy hoạch công viên Đầm Sen trở thành khu du lịch đặc trưng của Sài Gòn, không khác gì với các khu du lịch của Singapore hay Hồng Kông. Và bước đầu tiên trong tham vọng này là tiến hành thâu tóm Du lịch Phú Thọ - đơn vị đang sở hữu 100% vốn khu du lịch này.

Đứng trước một quyết định đầu tư lớn luôn có nhiều kịch bản thể xảy ra, có thể bước đột phá đưa doanh nghiệp bay cao nhưng cũng có thể là vực sâu chờ sẵn. Chắc hẳn nhà đầu tư còn nhớ cú vấp ngã của Ninh Vân Bay (NVT) với tham vọng hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. NVT đã mở ra rất nhiều dự án tại Nha Trang, Đồng Nai, Ninh Bình, Hội An, Bình Thuận và Sài Gòn nhưng tình cảnh hiện nay của đơn vị là phải bán dự án để tồn tại và thậm chí gánh các khoản lỗ lớn dù cho kêu gọi được vốn góp từ đối tác ngoại (Recapital Investments Pte.ltd – Singapore mua 30 triệu cp vào năm 2013).

Thâu tóm Du lịch Phú Thọ, nước cờ có dễ đi?

Để phát triển du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, việc có được quỹ đất tại trung tâm thành phố để xây dựng một khu du lịch là vô cùng khó khăn và tốn kém. Sự bế tắc trong công cuộc mở rộng của Công viên nước Đầm Sen (DSN) là bài học nhãn tiền, mong muốn mở thêm một khu vui chơi ở quận 9 của đơn vị này trong nhiều năm nay vẫn dậm chân tại chỗ  bởi mua đất thì không đủ khả năng tài chính, xin đất thì thủ tục nhiêu khê.

Do vậy, SAM đã đi một nước cờ lớn là thâu tóm Du lịch Phú Thọ - đơn vị đang sở hữu 100% vốn Công viên Đầm Sen. Với việc thâu tóm được công ty mẹ thì SAM nghiễm nhiên có được Công viên Đầm Sen rộng hơn 31 ha, không những để phát triển du lịch trong tương lai mà còn có ngay nguồn tiền tươi thóc thật đều đặn vì đơn vị này đang ăn nên làm ra. Ngoài ra, Du lịch Phú Thọ cũng đang sở hữu 33.54% Công viên nước Đầm Sen (DSN) kết quả kinh doanh ổn định, cổ tức hằng năm thuộc hàng khủng.

Và để thực hiện tham vọng này, trong phiên IPO ngày 31/12/2015, SAM đã đấu giá và mua được 6,127,657 cp Du lịch Phú Thọ với giá hơn 12,000 đồng/cp. Đồng thời, SAM cũng đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Du lịch Phú Thọ trong đợt phát hành riêng lẻ 28,261,620 cp. Qua đó, tổng mức chi để sở hữu 34,389,277 (29% vốn) cp Du lịch Phú Thọ là 412.67 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của SAM trong năm 2016. Bên cạnh đó, một đối tác đồng hành cùng SAM (theo tiết lộ của ông Đỗ Văn Trắc, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ tại Đại hội) cũng đang sở hữu 14% tại Du lịch Phú Thọ. Như vậy, tổng sở hữu của SAM và đối tác liên quan đã lên đến 43% vốn, ước tính cả hai đã chi khoảng hơn 600 tỷ đồng.

Công ty cũng dự tính đưa người vào HĐQT và tăng dần tỷ lệ sở hữu lên 51% nắm quyền chi phối. Trong phương án cổ phần hóa Du lịch Phú Thọ, Nhà nước chủ trương sở hữu 49%, phần còn lại 1.69% (2 triệu) bán cho người lao động, 23.81% (28.2 triệu) nhà đầu tư chiến lược và 25.5% (30.2 triệu) bán ra bên ngoài. Đối với số lượng cổ phần bán cho người lao động không có điều khoản hạn chế chuyển nhượng, ràng buộc đối với người lao động là phải làm việc tại công ty ở mô hình cổ phần ít nhất 3 năm. Như vậy, một khi SAM đã sở hữu được 43% vốn thì con đường tăng lên 51% có vẻ sẽ không vấp phải quá nhiều rào cản.

Tuy nhiên, điều quan trọng tiếp theo là sau khi thâu tóm xong, SAM sẽ dựa vào tiềm lực nào để hoàn thành mộng lớn khi mà trong mảng bất động sản hiện còn nhiều dự án đang trong quá trình triển khai. Như dự án Samland Airport đã động thổ và xong phần móng; dự án Samland Riverside được chấp thuận xây dựng chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ, dự kiến trong năm 2016 sẽ động thổ; dự án Tân Vạn (Bình Dương) đã được chấp thuận cho xây dựng, dự kiến 1,366 căn hộ. Chính HĐQT cũng thừa nhận Công ty hiện nay còn thiếu cả về nguồn lực chủ chốt lẫn nguồn vốn để đảm bảo hoàn thành các dự án đầu tư.

Hiện nay, để có tiền đầu tư vào khu du lịch Đầm Sen, SAM sử dụng dòng tiền thu được từ dự án Giai Việt, bán Sacom-chíp sáng, bán Taihan-sacom và bán Hiệp Phú. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Trắc tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 thì nguồn tiền chính để đầu tư vẫn là từ đi vay.

Nhưng cũng phải lưu ý, một nghịch lý trong kết quả kinh doanh của SAM bao năm nay là doanh thu tăng trưởng đều đặn nhưng lợi nhuận thì ngày càng teo top. Trong đó chủ yếu là do mảng dây và cáp – ngành nghề hoạt động cốt lõi suy giảm. Theo lý giải của ban lãnh đạo thì mảng này chịu cạnh tranh lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời mảng cáp đồng của Công ty hiện đã “chết”. Dẫu vậy, SAM xác định đây vẫn là mảng kinh doanh đem lại doanh thu và lợi nhuận chủ chốt trong thời gian tiếp theo.

Ở mảng bất động sản, một số dự án tuy đã hoàn nhưng chưa thể phát huy công suất. Như Sacom Tuyền Lâm đã hoàn chỉnh sân golf 18 lỗ, đưa vào khai thác nhà văn phòng diện tích 492 m2 trong năm và khai trương khách sạn Swiss-bel Resort Tuyền Lâm Đà Lạt vào tháng 11/2015, do mới đi vào hoạt động nên mảng kinh doanh này của SAM vẫn đang thua lỗ. Tòa nhà Sacom-chíp Sáng có tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 23% trong năm 2015 và mục tiêu tăng lên 52% trong năm nay, song nếu tiếp tục kinh doanh không hiệu quả thì SAM cũng không loại trừ trường hợp chuyển nhượng. Dự án Giai Việt thì cố gắng hoàn thành thủ tục bàn giao hết 120 căn hộ còn lại để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận năm 2016.

Mảng hoạt động tài chính, SAM vẫn đang tìm cách thoái nhưng do năm 2015 giá thị trường chưa được như kỳ vọng nên chưa thành công.

Doanh thu và lợi nhuận theo mảng qua các năm của SAM

Qua năm 2016, SAM tập trung vào tái cấu trúc, đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 2,514 tỷ và 121 tỷ đồng, cùng khi nhận tăng trưởng so với năm 2015. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thực tế trong quý 1/2016 không mấy khả quan với khoản lỗ ròng hợp nhất 3.3 tỷ đồng, nguyên nhân là do chi phí lãi vay quá lớn 12 tỷ đồng.

Cơ cấu dàn lãnh đạo theo hướng trẻ hóa

Một điểm đáng ghi nhận là sự trẻ hóa trong dàn lãnh đạo SAM, bao năm qua HĐQT và Ban giám đốc đều từ U50 trở lên khiến cổ đông lo lắng và mong muốn Công ty trẻ hóa đội ngũ này. Hiện tại, HĐQT SAM khá tinh gọn, chỉ còn 5 người so với 7 người trước đây, những thành viên thay thế mới đều là đội ngũ trẻ, đặc biệt tân Chủ tịch Nguyễn Hải Dương mới chỉ 36 tuổi. Ban điều hành cũng bổ nhiệm hàng loạt Phó Tổng giám đốc mới; chức vụ Tổng giám đốc được giao cho ông Trần Anh Vương (sinh năm 1972) thay thế ông Đỗ Văn Trắc.

Hội đồng quản trị SAM 2016 và 2015

Gắn liền với những thay đổi nhân sự cấp cao, dàn cổ đông lớn và cổ đông nội bộ cũng tích cực mua bán cổ phiếu SAM trên sàn chứng khoán. Kỳ lạ nhất là động thái lúc gom lúc thoái của HFC Việt Nam. Vào giữa năm 2015, đơn vị này tỏ ý muốn thoái sạch vốn tại SAM và đã hoàn tất vào giữa tháng 6, tuy nhiên chỉ sau đó nửa tháng thì mua lại, cho đến hiện tại HFC Việt Nam đã sở hữu 21.8% vốn SAM và là cổ đông lớn nhất tại đây. Ông Đỗ Văn Trắc cũng gây chú ý khi tiên tục gom, tăng sở hữu lên 5.02%, đồng thời cả vợ là bà Trần Thị Kim Anh cũng muốn tăng sở hữu lên 2.3% nhưng không thành công nên giữ nguyên tỷ lệ 1.27%. Ngoài ra, các quỹ ngoại đang là cổ đông lớn cũng khá chăm chỉ lướt sóng cổ phiếu SAM.


Nhìn vào cơ cấu cổ đông có thể phần nào nhận ra, ông Trắc và con trai Đỗ Thanh Bình đại diện cho chính mình tại HĐQT, còn ba thành viên còn lại ông Dương, ông Phương và ông Cường do HFC Việt Nam đề cử.
Các tin tức khác

>   CMI: Thông báo tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (15/06/2016)

>   L35: Nghị quyết HĐQT (15/06/2016)

>   Bổ nhiệm con làm lãnh đạo Sabeco: Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói gì? (15/06/2016)

>   VCS: Chuyển nhãn hiệu VICOSTONE, dự án cho Phượng Hoàng Xanh A&A (15/06/2016)

>   NTP: Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ quý 1/2016 (14/06/2016)

>   FID: Nghị quyết HĐQT (14/06/2016)

>   CAD: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (14/06/2016)

>   HPD: Công bố hợp đồng kiểm toán: kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2016 (14/06/2016)

>   SDB: Báo cáo thường niên 2015 (14/06/2016)

>   STS: - Đính chính biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. (14/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật