Thứ Năm, 09/06/2016 15:17

Nới lỏng tiền tệ đã bắt đầu!

Sự nới lỏng tiền tệ không chỉ là những tín hiệu chấp chới từ xa, mà đã hiện hữu trên thị trường từ khoảng một vài tuần nay. Tiền đang rẻ hơn và đang chảy nhiều hơn.

Trước mắt nới lỏng tiền tệ đã bắt đầu và khi vào nhịp, guồng quay của nó có thể tăng tốc. Ảnh: TUỆ DOANH

“Bữa tiệc” tháng 6 của Fed sẽ trượt khỏi bàn?

Những kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed nâng lãi suất đồng đô la trong kỳ họp giữa tháng 6-2016 có vẻ như đã tan thành mây khói khi dữ liệu công bố về số việc làm mới được tạo ra trong kỳ gần nhất của Mỹ đã thấp đến mức khó tưởng tượng nổi.

Chỉ trong vài phút của ngày giao dịch 3-6-2016 các ngoại tệ mạnh đã lên giá với tốc độ chóng mặt so với đô la Mỹ. Đồng euro chạy lên 1,137 đô la Mỹ/euro, chỉ còn cách đỉnh một năm 1,15 đô la Mỹ/euro không xa, đồng yen Nhật tiệm cận mức đỉnh 52 tuần ở 106,5 yen/đô la Mỹ.

Như bình luận của các hãng tin tài chính quốc tế “bữa tiệc tháng 6 của Fed sẽ trượt khỏi bàn”, đô la Mỹ có thể còn rớt giá hơn nữa so với các đồng tiền mạnh. Các doanh nghiệp có dư nợ bằng đồng euro và yen lại thêm một lần không vui bởi trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá cho kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm.

Phản ứng của thị trường trong nước cũng nhanh nhạy không kém. Mặc dù cuối tuần, nhưng các ngân hàng đều niêm yết giá mua bán đô la Mỹ cả tiền mặt lẫn chuyển khoản giảm 80-100 đồng/đô la Mỹ. Thị trường tự do đã “lùi” nhanh khi giá mua bán giảm từ 22.440-22.460 đồng/đô la Mỹ về 22.350-22.360 đồng/đô la Mỹ chỉ sau một đêm. Tỷ giá trên thị trường tự do được một số tiệm vàng dự đoán sẽ còn “lùi” xa trong tuần này khi giá vàng thế giới tăng 2,5% trong ngày 3-6, mức tăng mạnh nhất của một ngày trong vòng bảy tuần trở lại đây.

Số liệu mới nhất được công bố tại cuộc họp của Chính phủ tuần trước cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào 8 tỉ đô la Mỹ từ đầu năm đến nay để tăng cường cho quỹ dự trữ ngoại hối. Thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng kinh doanh ngoại tệ hàng đầu nhận xét việc giữ ổn định tỷ giá hiện tại và trong những tháng sắp tới “trong tầm tay của nhà điều hành”.

Khi việc ổn định tỷ giá trong nước bất ngờ nhận được sự “ủng hộ” của thị trường tài chính quốc tế, việc nới lỏng tiền tệ đã không chỉ còn là tín hiệu, mà đã được hiện thực hóa.

Hết trái phiếu, tiền “chạy” vào đâu?

Khi việc ổn định tỷ giá trong nước bất ngờ nhận được sự “ủng hộ” của thị trường tài chính quốc tế, việc nới lỏng tiền tệ đã không chỉ còn là tín hiệu, mà đã được hiện thực hóa.

Khi việc ổn định tỷ giá trong nước bất ngờ nhận được sự “ủng hộ” của thị trường tài chính quốc tế, việc nới lỏng tiền tệ đã không chỉ còn là tín hiệu, mà đã được hiện thực hóa. Nhân viên kinh doanh trái phiếu của một ngân hàng thốt lên: “Tiền đâu nhiều thế?” khi chứng kiến lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tuần trước có thời điểm tụt xuống 0,66%/năm - mức đáy kỷ lục trong 10 năm qua. Năm ngoái năm kia lãi suất qua đêm dù thấp vẫn còn đứng được ở ngưỡng 1%/năm.       

Ngày cuối tuần, lãi suất qua đêm nhích lên 0,78-0,8%/năm nhưng vẫn đang dưới 1%/năm bất chấp NHNN đã phát hành hai đợt tín phiếu ngân hàng hút tiền về, đồng thời kho bạc nâng mức trái phiếu chính phủ bán ra thị trường. Mới hơn năm tháng, nhưng số lượng trái phiếu chính phủ phát hành được đã cán mốc 160.000 tỉ đồng so với chỉ tiêu 220.000 tỉ đồng năm nay. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn năm năm còn 6,1%/năm, thấp nhất trong 12 tháng qua.

Đã từng có e ngại lợi tức trái phiếu tăng như thế có thể khiến khối ngoại quay sang bán ròng vì họ đã mua ròng rất mạnh thứ hàng hóa này trong quí 1-2016 khi lợi tức thấp hơn bây giờ. Nhưng không, nước ngoài vẫn đang cạnh tranh cùng các ngân hàng nội địa mua thêm trái phiếu. Còn gần bảy tháng mới hết năm, nhưng chỉ tiêu phát hành trái phiếu chỉ còn 60.000 tỉ đồng, rải đều ra mỗi tháng chưa đầy 10.000 tỉ đồng. Hết trái phiếu, tiền sẽ “khu trú” vào đâu nếu nguồn cung vẫn dồi dào như hiện tại?

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến ngày 20-5-2016 tổng phương tiện thanh toán đã tăng 5,88% so với cuối năm ngoái trong khi cùng kỳ năm trước tăng 3,64%. Cùng thời gian trên tín dụng tăng trưởng 4,52%, nhỉnh hơn mức 4,26% của cùng kỳ. Năm ngoái tăng trưởng tín dụng của bốn ngân hàng hàng đầu đều cao hơn 20% và toàn hệ thống xấp xỉ 18%. Năm nay dự kiến tín dụng có thể tăng tới 20% toàn hệ thống và tổng phương tiện thanh toán cũng tăng tương ứng 18-20%.

Tổng phương tiện thanh toán tăng 5,88% trong năm tháng vừa qua là khá phù hợp để không bị dồn đọng và tăng quá nhanh trong quí 3, quí 4. Vấn đề là sức hấp thụ của nền kinh tế đến đâu nếu mặt bằng lãi suất không hạ xuống? “Các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh đã bắn phát súng hạ 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn, và chúng tôi cổ phần cũng phải chạy theo, nhưng vừa chạy vừa ngó bên cạnh”, đại diện một ngân hàng cho biết. Một số ngân hàng cổ phần như ACB, Sacombank đã giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn từ 0,1-0,2%/năm. Tuy nhiên làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm vẫn chưa diễn ra trên diện rộng. Nhu cầu huy động vốn của ngân hàng nhìn chung vẫn còn cao.

“Bốn “ông lớn” phải giảm thêm lãi suất cho vay 0,5%/năm nữa từ mức hiện hành thì mới có thể tạo hiệu ứng hạ lãi suất cho toàn thị trường”, vị đại diện nói trên đề xuất. Một số ngân hàng lớn không phản đối việc giảm thêm lãi suất đầu ra, nhưng chần chừ, vì theo họ, nếu giảm nữa, lợi nhuận biên của ngân hàng sẽ không đảm bảo. “Tiền rẻ đang gây áp lực lên lãi suất đầu vào, song một khi hạ lãi suất tiết kiệm, liệu vốn huy động có giữ được mức như hiện nay?”, một ngân hàng băn khoăn.

Trước mắt nới lỏng tiền tệ đã bắt đầu và khi vào nhịp, guồng quay của nó có thể tăng tốc. Mức tăng nhanh chậm chắc chắc phụ thuộc vào số liệu tăng trưởng GDP của quí 2 và sáu tháng đầu năm. Thị trường vẫn đang chờ GDP trước khi có những hành động dứt khoát hơn từ phía các chủ thể.   

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   AAA: Ký kết hợp đồng tài trợ vốn năm 2016 với VietinBank (09/06/2016)

>   Giáo dục tài chính cho bé, nhận ngay vé KizCiti cùng NamABank (09/06/2016)

>   Giá vàng tăng mạnh 180,000 đồng/lượng, tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm (09/06/2016)

>   Nhân viên ngân hàng “ăn bớt” hơn 1 tỷ đồng từ trụ ATM (09/06/2016)

>   Ngân hàng OCB giảm lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn (09/06/2016)

>   Ngân hàng Xây dựng khởi kiện Phương Trang đòi 3.000 tỉ nợ xấu (08/06/2016)

>   Tổng tài sản có toàn hệ thống TCTD tăng 2.84% sau 4 tháng đầu năm (08/06/2016)

>   Giá vàng bật tăng, tỷ giá trung tâm vẫn giảm tiếp (08/06/2016)

>   ACB huy động 800 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu (08/06/2016)

>   Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu BIDV và VietinBank "thực hiện đúng quy định của pháp luật" (07/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật